BVR&MT – Ngày 27-7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ban Kinh tế T.Ư tổ chức Hội nghị Phân bón và Thuốc bảo vệ thực vật. Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng với thuốc bảo vệ thực vật, cần nghiên cứu và áp dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc trị cho từng loại đối tượng gây hại. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học và thảo mộc để hạn chế tác hại của thuốc đến môi trường, cây trồng, sinh vật và con người… Nông dân cần sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, hiệu quả để sản xuất hợp lý, nâng cao được hiệu suất sử dụng và an toàn.
Tăng trưởng ngành xây dựng đạt 7,93%
Ngày 27-7, tại Hà Nội, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, sáu tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng đạt 7,93%; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,12% so cùng kỳ năm 2017. Tổng diện tích nhà ở tăng thêm khoảng 27 triệu mét vuông sàn, trong đó khoảng 6.500 m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị. Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 23,7 m2 sàn/người, tăng 0,3 m2 sàn/người so với năm 2017… Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã thực hiện bãi bỏ năm trong số 17 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tiếp tục triển khai bãi bỏ 41,3%, đơn giản hóa 43,7% và giữ nguyên 15% trong tổng số 215 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý, vượt 35% so yêu cầu cắt giảm của Thủ tướng Chính phủ.
Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Ngày 27-7, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp báo về Hội nghị toàn quốc thúc đẩy doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Hội nghị là dịp để các bên liên quan phối hợp tìm giải pháp hiệu quả, mở đường cho DN trong và ngoài nước đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực nông nghiệp. Các ý kiến tại Hội nghị sẽ là cơ sở để giải quyết các hạn chế, bất cập và tham mưu Chính phủ ban hành nghị quyết nhằm thúc đẩy DN đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực nông nghiệp. Dự kiến, Hội nghị sẽ diễn ra ngày 30-7 tại tỉnh Lâm Đồng.
Chuyển đổi hơn 35 nghìn héc-ta đất lúa sang trồng hoa màu, cây ăn quả
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vụ hè thu năm 2018, các tỉnh Nam Bộ đã chuyển đổi hơn 35 nghìn héc-ta đất lúa sang trồng hoa màu và cây ăn quả. Trong đó các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có diện tích chuyển đổi đạt 32.812 ha và Đông Nam Bộ là 2.289 ha. Các cây chuyển đổi chủ yếu là cam, bưởi, chanh, thanh long, dừa, nhãn, hoa lan, ngô, rau, củ, quả ngắn ngày, dài ngày…