Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong bối cảnh mới

BVR&MT – Ngày 9/5, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh ủy Lào Cai tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương sơ kết Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư (Ban Chỉ đạo) phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW Trần Tuấn Anh chủ trì Hội nghị.

Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng, trao đổi mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong giai đoạn tới, phục vụ công tác sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW. Đây là dịp để các đại biểu thảo luận, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế rừng, trong đó chú trọng các nội dung: Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thị trường tín chỉ các bon; kinh tế dưới tán rừng; dịch vụ môi trường rừng; chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ; du lịch sinh thái.

Nhiều kết quả nổi bật

Đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong nhấn mạnh, tỉnh mong muốn cùng các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học tham gia thảo luận cùng góp ý kiến, đề xuất với Trung ương ý tưởng mới, cách làm sáng tạo, giải pháp chiến lược trong công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng. Lào Cai mong muốn Ban Chỉ đạo sơ kết Trung ương ghi nhận những kết quả tích cực tại Hội nghị lần này cùng với nội dung đã sơ kết tại khu vực Tây Nguyên, khu vực Bắc Trung Bộ để báo cáo Ban Bí thư tiếp tục quan tâm, chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực lâm nghiệp của các địa phương để tiếp tục phát huy hơn nữa ý chí, vai trò lãnh đạo của Đảng cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong tình hình mới.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nêu rõ, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ gồm 14 tỉnh, với tổng diện tích trên 95 ngàn km2 (chiếm 28,75% diện tích cả nước), dân số gần 12 triệu người (chiếm 12,93% dân số cả nước), diện tích đất có rừng gần 5,4 triệu ha (chiếm khoảng 37% toàn quốc); tỷ lệ che phủ rừng là 54,02%, cao hơn mức bình quân chung cả nước là 42%; 7/14 địa phương có chung đường biên giới với Lào và Trung Quốc. Đây là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng của cả nước; có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ; có tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu.

Trong 5 năm qua, các địa phương trong vùng đã chủ động, tích cực triển khai chủ trương, đường lối của Đảng về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là Chỉ thị số 13-CT/TW và đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội. Ngành Lâm nghiệp đã có bước phát triển khá, từng bước khẳng định vị thế, vai trò trong phát triển kinh tế – xã hội của vùng, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Diện tích rừng trồng tăng lên; diện tích rừng tự nhiên, hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học được bảo vệ khá tốt, độ che phủ rừng cao hơn trung bình cả nước trên 12% (đạt 54,2%), tăng 0,6% so với trước khi có Chỉ thị số 13-CT/TW. Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phát triển khá. Các cơ chế, chính sách về phát triển lâm nghiệp từng bước được hoàn thiện.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng, các địa phương trong khu vực đã nỗ lực khắc phục tồn tại, hạn chế đã nêu trong Chỉ thị số 13-CT/TW như: Thực hiện nghiêm túc chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên; công tác quy hoạch, bảo vệ, phát triển rừng được thực hiện đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội; dự án thủy điện, khai thác khoáng sản, dịch vụ du lịch… trên địa bàn triển khai đúng quy định của pháp luật; việc chuyển đổi rừng tự nhiên, rừng nghèo kiệt sang trồng rừng, sản xuất nông nghiệp được kiểm soát chặt chẽ; vụ việc chống người thi hành công vụ giảm mạnh nhờ sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng…

Các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm lâm nghiệp của Lào Cai. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Bên cạnh kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc cần khắc phục như: còn để xảy ra điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, đặc biệt là phá rừng tự nhiên; việc phân cấp quản lý rừng đặc dụng còn bất cập; kinh phí chi cho quản lý, bảo vệ và bảo tồn thiên nhiên hạn hẹp, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn ngân sách nhà nước, thiếu cơ chế chia sẻ lợi ích từ du lịch sinh thái, sử dụng môi trường rừng, phát triển kinh tế dưới tán rừng. Ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào phát triển lâm nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Tiến độ sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty nông, lâm nghiệp còn chậm, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tỷ lệ che phủ rừng tăng nhưng chất lượng rừng chưa cao kể cả rừng tự nhiên và rừng trồng…

Đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về khó khăn, vướng mắc gây cản trở công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thời gian qua; đặc biệt, tập trung đề xuất chủ trương, chính sách mới, cụ thể là quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phát triển lâm nghiệp bền vững thời gian tới.

Bảo vệ và phát triển rừng trong bối cảnh mới

Tại Hội nghị, đại diện các địa phương trong vùng đã trình bày Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW, đánh giá về kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân trong triển khai Chỉ thị, đồng thời đề xuất quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Nhiều đại biểu đề xuất cần có Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phát triển lâm nghiệp bền vững. Nghị quyết này sẽ đưa ra các chủ trương, chính sách mới, bảo đảm cả 2 hướng chủ đạo: bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Phát biểu kết luận, đồng chí Trần Tuấn Anh ghi nhận sự chuẩn bị tích cực, chu đáo của Ban tổ chức, sự phối hợp trách nhiệm, hiệu quả của Tỉnh ủy Lào Cai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cảm ơn các ý kiến phát biểu, đóng góp tâm huyết, trách nhiệm tại Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Đồng tình với các kiến nghị, đề xuất, đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh một số nội dung như: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, giải quyết dứt điểm các tồn đọng, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp có nguồn gốc từ nông lâm trường quốc doanh; tình trạng di dân tự do; cần có cơ chế, chính sách đủ mạnh để phát triển kinh tế rừng, đổi mới chính sách đầu tư, hỗ trợ và ưu đãi đầu tư cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp, phát triển công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ và sản phẩm gỗ; phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ và phát triển rừng. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, phát triển bền vững dịch vụ môi trường rừng; khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách cho thị trường tín chỉ các bon ở Việt Nam.

Đồng chí Trần Tuấn Anh nêu rõ, bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có, đặc biệt là các diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên, bảo đảm thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 theo cam kết quốc tế tại COP26 về biến đổi khí hậu; ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ mới trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cần có chính sách đủ mạnh để thúc đẩy phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển giống, trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ, cơ giới hóa trong lâm nghiệp, chế biến gỗ, lâm sản.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh về vấn đề an sinh, tạo việc làm bền vững cho người dân khu vực có rừng; hợp tác, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng… Đồng thời, đề nghị Ban tổ chức tổng hợp nội dung được trình bày và ý kiến thảo luận phục vụ công tác sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW; tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước chủ trương, cơ chế, chính sách có hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong bối cảnh mới.

NGUỒNbaotintuc.vn
Tags:
CHIA SẺ