BVR&MT – Số lượng voi châu Phi bị những kẻ săn trộm giết hàng năm đã giảm hơn một nửa do nhu cầu của Trung Quốc về ngà voi bất hợp pháp đi xuống.
Những năm cuối thập niên 2000, nhu cầu cao của Đông Nam Á đối với các sản phẩm động vật hoang dã lậu đã đẩy nạn săn trộm voi tăng vọt với tỷ lệ tử vong năm 2011 lên tới 10% quần thể voi của lục địa đen. Tuy nhiên, tỷ lệ này năm 2017 giảm mạnh xuống còn khoảng 4%, tương đương với 15.000 cá thể voi bị giết hàng năm – như kết quả một phân tích 53 địa điểm trên khắp châu Phi cho thấy.
Sự suy giảm này tương quan chặt chẽ với nhu cầu sụt giảm, với việc buôn bán hợp pháp ngà voi ma mút ở Trung Quốc được sử dụng như một chỉ báo về việc buôn lậu ngà voi.
Colin Beale thuộc Đại học York, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Tin vui là tỷ lệ săn trộm đang giảm nhưng chưa giảm đủ mức cần thiết”.
Quần thể voi có thể tăng trưởng khoảng 5% mỗi năm. Nhưng Beale chỉ ra bằng chứng cho thấy tỷ lệ tử vong 4% do nạn săn trộm vẫn là quá cao để số lượng voi duy trì ở mức bền vững bởi chúng cũng có thể chết vì các yếu tố tự nhiên như hạn hán và voi con bị động vật săn mồi khác giết chết.
Ofir Drori thuộc Eagle Network – mạng lưới hỗ trợ các chính phủ châu Phi thực thi pháp luật – cho rằng “dữ liệu” về tình trạng nạn săn trộm giảm trái ngược hoàn toàn với kinh nghiệm thực địa của anh.
“Từ kinh nghiệm thực tế đấu tranh với các mạng lưới buôn lậu, tôi có thể nói rằng chúng ta không thấy có dấu hiệu suy giảm nào, thay vào đó là mức độ buôn bán ngà voi gia tăng liên tục”.
Tỷ lệ săn trộm trên toàn châu Phi được đưa ra che khuất những biến động lớn của khu vực. Tỷ lệ cao nhất là ở Tây Phi và Trung Phi trong khi tỷ lệ ở Nam và Đông Phi rất thấp. Botswana, nổi tiếng với mức độ tham nhũng thấp, gần như không có nạn săn trộm.
Voi rừng đang nguy cấp hơn voi hoang dã, bởi nạn săn trộm diễn ra dữ dội nhất trong các khu rừng.
Phân tích của Beale tìm ra mối liên hệ giữa tham nhũng, nghèo đói và tỷ lệ săn trộm cao hơn, cho thấy trong ngắn hạn thì cải thiện quản trị và nâng mức sống của người dân lên có nhiều tác động hơn là cải thiện việc thực thi pháp luật. Về lâu dài, Beale cho rằng cắt cầu là ưu tiên số một, nhưng sẽ tốn thời gian.
“Hơn hết, cách duy nhất để chúng ta ngăn chặn nạn săn trộm ở châu Phi là chấm dứt nhu cầu ở Đông Nam Á”.
Nhật Anh (Theo New Scientist)