BVR&MT – Một số nhà bảo tồn nhìn thấy cơ hội từ đại dịch để gây thiệt hại lâu dài cho các mạng lưới tội phạm, nhưng nạn săn trộm cũng có thể gia tăng.
Sự lây lan của virus corona chủng mới làm đình đốn hoạt động kinh tế, đi lại và khiến hệ thống giao dịch xuyên biên giới bị phong tỏa. Một lĩnh vực khác cũng bị ảnh hưởng là tội phạm buôn lậu động vật hoang dã.
“An ninh quá gắt gao ở biên giới. Các sản phẩm không thể thông quan”, một người ở Việt Nam tham gia buôn bán nói với một điều tra viên thực hiện báo cáo về tình trạng buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
Đại dịch đã ngăn chặn các băng đảng tội phạm có tổ chức ở Đông Nam Á chuyển ngà voi và vảy tê tê vào Trung Quốc với số lượng lớn. Nhưng mọi chuyện chỉ là tạm thời.
Sarah Stoner, đồng tác giả báo cáo và là giám đốc thông tin thuộc tổ chức chuyên triệt phá hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp Wildlife Justice Commission cho biết: “Có thể kiếm được rất nhiều tiền từ các sản phẩm này”.
Stoner và nhiều chuyên gia cho rằng trong khi virus corona giới hạn về đi lại và kinh doanh là cơ hội để cơ quan thực thi pháp luật phá vỡ các mạng lưới tội phạm thì ảnh hưởng kinh tế từ đại dịch có thể thu hút nhiều người hơn tham gia buôn bán.
Tim Wittig, Giám đốc thông tin của United for Wildlife – một tổ chức phi lợi nhuận chống buôn bán động vật hoang dã do Hoàng tử William lĩnh xướng cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi một lượng đáng kể hoạt động buôn lậu ở nhiều quốc gia, dường như những kẻ buôn lậu vẫn hoạt động khá mạnh và cũng tích cực tìm cách thích nghi và phát triển theo chuẩn tắc mới”.
Trong một báo cáo được công bố đầu tháng 4, TS Wittig cũng nhận thấy sự gián đoạn tạm thời chỉ là thoáng qua: “Những người buôn bán có cách chuyển sản phẩm đi ngay khi có thể”.
Wildlife Justice Commission (WJC) duy trì cơ sở dữ liệu thông tin về hàng nghìn kẻ buôn lậu và buôn bán trên khắp thế giới. Nhóm điều tra bí mật giữ liên lạc thường xuyên với một số tội phạm. Báo cáo mới của WJC tóm tắt các cuộc đối thoại từ tháng 1 đến tháng 4 giữa nhóm điều tra và khoảng 20 người liên quan đến buôn bán tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ và Mozambique.
Các cuộc trò chuyện cho thấy đây là khoảng thời gian tuyệt vọng với những kẻ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
Việt Nam đóng cửa biên giới với Trung Quốc ngày 1/2. Lúc đầu, nhóm của Stoner nhận thấy phần lớn những người buôn bán động vật hoang dã vẫn đảm bảo giao hàng tận nơi cho khách – mọi thứ từ ngà voi cho đến các bộ phận hổ. Họ liên tục đảm bảo với khách rằng “hàng sẽ đến tận nơi sau vài ngày”.
Đến cuối tháng 2, mọi thứ thay đổi. “Bạn có thể nhận sản phẩm tại đây nhưng nếu muốn gửi chúng đến Trung Quốc, bạn có thể phải chờ đợi hàng tháng”, một người Việt tham gia buôn bán nói với nhóm điều tra.
An ninh gắt gao hơn và thậm chí đóng cửa biên giới khiến một số thương nhân giảm giá sâu hàng lậu trong khi những người khác tạm thời ngừng hoạt động. Những người bán lẻ ở các nước Đông Nam Á cũng lo ngại rằng thiếu khách du lịch Trung Quốc – khách hàng chính – sẽ khiến họ thất nghiệp.
Nhiều người buôn bán tìm cách đẩy hàng qua hải quan. Nhưng các chuyến bay bị hủy và chuyển tuyến, an ninh chặt hơn khiến các tuyến buôn lậu không còn được đảm bảo.
Đầu tháng 3, để tránh tình trạng quá nhiều hành khách bị cách ly ở một nơi, một chuyến bay từ Hàn Quốc đến Thành phố Hồ Chí Minh được chuyển hướng đến Cần Thơ và giới chức đã phát hiện 11 sừng tê giác trong hành lý ký gửi.
Vụ việc nhấn mạnh rằng tội phạm không còn có thể đảm bảo các sản phẩm bất hợp pháp sẽ đến đích dự định, Stoner chia sẻ.
Không phải tất cả các giao dịch bất hợp pháp đều bị ngăn chặn. Trong suốt tháng 3 và tháng 4, chính quyền Trung Quốc tiếp tục thu giữ các lô hàng lớn sừng tê giác và vảy tê tê đi vào nước này bằng đường bộ từ Việt Nam. Những kẻ buôn lậu nói với nhóm điều tra rằng họ đang theo sát động thái ở biên giới. Nhiều người đang nóng lòng muốn giảm bớt kho hàng tồn đang tăng lên.
Ở châu Phi, virus tạo điều kiện thuận lợi hơn là làm đình trệ các hoạt động bất hợp pháp. Nhóm điều tra biết rằng một số kẻ đứng đầu các băng đảng săn trộm ở Mozambique đang lên kế hoạch để tận dụng tình hình kiểm lâm giảm tuần tra và thiếu khách du lịch tại Vườn quốc gia Kruger ở Nam Phi. Các ông chủ săn trộm sẽ có thêm nhiều “tay”, “chân” trong những tháng tới, theo Vanda Felbab-Brown, chuyên gia cao cấp tại Viện Brookings ở Washington DC.
“Ảnh hưởng kính tế từ dịch Covid rất nặng nề, nhiều người sẽ hướng sang các loại hình làm ăn bất hợp pháp”.
Tiến sĩ Felbab-Brown cho biết thêm rằng virus corona sẽ “phá hủy phần lớn nguồn quỹ bảo tồn” tại châu Phi khiến kiểm lâm càng khó ngăn được những kẻ săn trộm.
Trong khi các nhà bảo tồn tán dương các lệnh cấm do Trung Quốc và Việt Nam đề xuất nhằm hạn chế tiêu thụ động vật hoang dã, Stoner chỉ ra rằng các biện pháp này khó có tác dụng đối với những kẻ buôn lậu động vật hoang dã: “Chúng ta không nói về những gì bán ở chợ”.
Các chính phủ trên khắp thế giới cũng nên chuẩn bị cho tình trạng buôn bán động vật hoang dã quy mô thương mại tăng vọt khi biên giới mở cửa trở lại, Stoner phân tích.
“Chúng ta đã nghe rất nhiều cuộc trò chuyện về việc những kẻ buôn bán cảm thấy mọi thứ sẽ sớm được mở cửa. Chúng ta không nên cho phép thương mại có tổ chức bung nở trong khi đang chú ý đến vấn đề này”.
TS. Wittig tin rằng đại dịch bày ra một cơ hội bước ngoặt để chấm dứt nạn buôn bán động vật quy mô công nghiệp. Ví dụ, sự gián đoạn tạm thời đối với lưu chuyển hàng lậu giúp cơ quan thực thi pháp luật có cơ hội thu giữ các kho dự trữ khổng lồ thay vì các lô hàng đơn lẻ.
Quan trọng hơn, xã hội toàn cầu có thể tận dụng mối liên kết được công nhận rộng rãi giữa buôn bán động vật hoang dã và sức khỏe cộng đồng. Sự kỳ thị xã hội xung quanh việc mua và tiêu thụ các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp có thể gia tăng và các quốc gia đều không muốn trở thành nguồn gốc của một đại dịch khác sẽ hăng hái điều tra, bắt giữ và truy tố tội phạm động vật hoang dã.
TS. Wittig nói: “Giới buôn lậu hiện đang bị hạn chế như phần lớn chúng ta, và nếu coi đó là cơ hội tuyệt vời để khai thác những điểm đó đó, chúng tôi có thể tạo ra những bước ngoặt lớn trong việc chấm dứt buôn lậu động vật hoang dã. Chúng ta thực sự có cơ hội chiến thắng ở đây”.
Nhật Anh (Theo New York Times)