BVR&MT – Từ tháng 1 đến cuối tháng 6, 249 cá thể tê giác đã bị săn trộm để lấy sừng ở Nam Phi, nhiều hơn 83 cá thể so với cùng kỳ năm ngoái và ít hơn 69 cá thể bị săn trộm trong 6 tháng đầu năm 2019.
Cũng trong 6 tháng qua, có khoảng 125 đối tượng đã bị bắt vì săn trộm, buôn bán sừng tê giác trên khắp Nam Phi.
Theo Cục Lâm nghiệp, Thủy sản và Môi trường, các đợt đóng cửa vì đại dịch trong năm 2020 đã hạn chế sự di chuyển của người dân và góp phần làm giảm nạn săn trộm tê giác, tuy nhiên, việc dỡ bỏ các quy định này trong năm 2021 đã thôi thúc nạn săn trộm nóng trở lại.
Từ tháng 1 đến tháng 6, Vườn quốc gia Kruger trải qua 715 hoạt động săn trộm, tăng 3,77% so với năm 2020. Cũng trong thời gian này, 132 cá thể tê giác và 01 cá thể voi bị săn trộm để lấy sừng tại Kruger.
Với sự hợp tác của các cơ quan thực thi pháp luật như cảnh sát, hải quan, chính quyền, cơ quan công tố, các vụ bắt giữ và truy tố thành công trong nửa năm qua cũng đã được ghi nhận. Tổng cộng có 125 đối tượng bị bắt vì săn trộm tê giác và buôn bán sừng tê giác, trong đó 40 đối tượng bị bắt tại Vườn quốc gia Kruger.
Nhiều vụ tịch thu sừng tê giác cũng đã diễn ra kể từ đầu năm, cả trong nước cũng như tại sân bay quốc tế OR Tambo. Mối quan hệ đối tác với các nước Đông Nam Á cũng đang cho thấy những kết quả cụ thể với sự hợp tác gần đây giữa chính quyền Nam Phi và Việt Nam dẫn đến một trong những vụ tịch thu sừng tê giác và các sản phẩm từ động vật hoang dã khác lớn nhất – lô hàng gồm 138 kg sừng nghi là tê giác cùng hơn 3,1 tấn xương nghi là xương động vật hoang dã có nguồn gốc từ Nam Phi bị bắt ngay khi cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng.
14 vụ án cũng đã được hoàn tất kể từ đầu năm. Tuy nhiên, do vướng đại dịch Covid-19 nên tỷ lệ xử án cuối cùng tại các tòa đã bị chậm lại vì nhân chứng, bị cáo và nhân viên tòa trong nhiều trường hợp được yêu cầu cách ly hoặc giãn cách, thậm chí một số khu vực tòa cần được khử khuẩn khiến việc hoàn thành các vụ án bị ảnh hưởng ít nhiều.
Bộ trưởng Barbara Creecy cho biết: “Rõ ràng cách tiếp cận tổng hợp, đa lĩnh vực để điều tra buôn bán trái phép động vật hoang dã đang mang lại kết quả cụ thể. Chúng tôi vẫn nhận thức rằng các phần tử tội phạm trong xã hội sẽ tiếp tục lợi dụng các áp lực kinh tế, xã hội và thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp. Theo đó, các đơn vị cần tiếp tục làm việc với một số cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ và các nhà tài trợ nhằm thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển cộng đồng dựa trên sự phối hợp với các đối tác, vườn quốc gia, địa phương và quốc gia lân cận. Giải pháp bền vững duy nhất để quản lý và bảo tồn động vật hoang dã là đảm bảo các cộng đồng sống ở vùng đệm các vườn quốc gia được hưởng lợi từ du lịch và các cơ hội khác”.
Bên cạnh một số khu vực đang chịu áp lực săn trộm đáng kể như Limpopo, Mpumalanga, Bộ cũng theo dõi áp lực gia tăng đối với các khu bảo tồn tê giác tư nhân và hợp tác chặt chẽ với khu vực này trong việc bảo vệ tê giác. Báo cáo cùng kỳ trong ba năm qua cho thấy tổn thất trong các khu bảo tồn tư nhân chiếm tới 15% tổng số tổn thất được ghi nhận vào năm 2019, 9% vào năm 2020 và lên tới 30% tính cho đến nay.
Huyền Trang (Theo southcoastherald)