BVR&MT – Hiện, trên địa bàn tỉnh Nam Định đã có một số mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ mang lại hiệu quả cao. Tỉnh khuyến khích, kêu gọi các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp hữu cơ vì đây được xem là hướng phát triển bền vững.
Mô hình tiên phong
Hơn 5ha trồng lúa áp dụng tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ của anh Nguyễn Văn Toán tại thị trấn Ninh Cường, huyện Trực Ninh (Nam Định) là một trong những mô hình tiên phong sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Nam Định. “Cánh đồng lớn” của gia đình anh Toán tại thị trấn Ninh Cường một màu xanh ngắt. Những khóm lúa đang kỳ trổ bông chắc nịch, vươn dài khỏe khoắn khoe sắc dưới nắng vàng.
Dẫn nhóm phóng viên đi trên con đường bê tông thẳng tắp, rộng gần 3m cắt ngang giữa cánh đồng, anh Toán cho biết, năm 2017, anh có dịp tiếp xúc với một số người bạn đến từ Nhật Bản, được giới thiệu và tiếp cận các tài liệu về phát triển nông nghiệp hữu cơ anh đã quyết định cải tạo 5.000 m2 đất trồng lúa theo phương pháp truyền thống của gia đình để sản xuất lúa theo hướng hữu cơ.
Để trồng lúa theo hướng hữu cơ gần như phải thay đổi toàn bộ quy trình, cách thức sản xuất. Trong 3 năm đầu phải tiến hành cải tạo đất nhằm loại bỏ chất hóa học và hàm lượng thuốc bảo vệ thực còn vật tồn dư do quá trình bón phân, sử dụng thuốc trừ sâu, trừ cỏ. Sau mỗi vụ thu hoạch đều phải cày lật đất lên phơi ải để diệt mầm bệnh, giúp đất tơi xốp, cây trồng hấp thu chất dinh dưỡng có trong đất tốt hơn. Đặc biệt, tuyệt đối không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ cỏ, trừ sâu.
Sau khi gieo cấy, cây lúa bắt đầu phát triển sẽ dùng phân chuồng ủ hoai mục kết hợp với phân hữu cơ vi sinh để bón vừa giúp cây trồng phát triển tốt vừa cải tạo đất. Công đoạn làm cỏ được thực hiện thủ công. Để phòng trừ sâu hại lúa, anh dùng chế phẩm BTMET – nấm 3 màu hoặc các loại thảo mộc có tính cay, nóng, đắng như: ớt, tỏi…tạo thành dung dịch hỗ hợp bổ sung vi nấm ký sinh có hiệu quả cao trong việc phòng và ngăn chặn các loại rầy, rệp sáp, bọ cánh cứng, nhện đỏ, cào cào, ấu trùng ve sầu, mối và các loại sâu ăn lá, sâu đất..
Vừa làm vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, năm 2019, anh Toán thuê lại 4,5 ha đất nông nghiệp của các hộ ở thị trấn Ninh Cường để mở rộng diện tích trồng lúa hữu cơ; đồng thời đầu tư máy cấy, máy phun phân bón, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh phục vụ sản xuất. Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ nên cây lúa phát triển tốt, không sâu bệnh, đảm bảo năng suất, chất lượng.
Hiện, gia đình anh đang trồng lúa ST25 theo hướng hữu cơ, năng suất trung bình 150 kg/sào (360 m2). Với giá bán bình quân 40.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi gần 300 triệu đồng/vụ. So với trồng lúa truyền thống, năng suất lúa hữu cơ không chênh lệch nhiều, chi phí vật tư giảm, giá bán cao hơn 2 – 3 lần. Sản phẩm gạo hữu cơ của gia đình anh với tên gọi “Mộc Hương Tâm” có đầu ra ổn định, cung ứng cho các đại lý, cơ sở phân phối nông sản tại Nam Định và các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hà Nam…
Nhận thấy giá trị kinh tế từ mô hình lúa hữu cơ mang lại, nhiều hộ dân trên địa bàn thị trấn Ninh Cường và các địa phương trong tỉnh đã đến tham quan, học tập kinh nghiệm trồng lúa theo hướng này. Một số hộ muốn liên kết với gia đình anh Toán để sản xuất lúa theo hướng hữu cơ.
Thời gian tới, anh Toán dự định thành lập hợp tác xã để liên kết sản xuất, mở rộng diện tích trồng lúa hữu cơ; sẵn sàng giúp đỡ các hộ dân chuyển đổi phương thức từ sản xuất lúa truyền thống sang trồng lúa hữu cơ.
Theo anh Toán, để giúp các doanh nghiệp, cá nhân mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp nói chung, trồng lúa nói riêng, nhất là xây dựng “cánh đồng lớn”, Nhà nước, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xem xét mở rộng hạn điền, tăng thời gian cho thuê đất; có cơ chế ưu đãi, khuyến khích phát triển nông nghiệp, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm…
Mở đường cho nông nghiệp hữu cơ
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ phát triển, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch số 118, ngày 30/12/2020 về phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh lồng ghép các cơ chế chính sách của Trung ương và địa phương để hỗ trợ đào tạo ngành nghề nông thôn, tập huấn cho lao động ở các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ; vận dụng linh hoạt nguồn kinh phí hợp pháp hỗ trợ các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, áp dụng các quy phạm thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, hữu cơ, xây dựng nhãn hiệu, mẫu mã sản phẩm, quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định Hoàng Thị Tố Nga, để mở đường cho nông nghiệp hữu cơ phát triển, tỉnh cũng quy hoạch sản vùng xuất nông nghiệp nói chung, nông nghiệp hữu cơ nói riêng và huy động nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Ngành nông nghiệp, các địa phương trong tỉnh thường xuyên đào tạo, tập huấn kĩ thuật, phương thức tổ chức sản xuất cho cán bộ quản lý và người lao động trực tiếp; tổ chức cho hộ dân tham quan học tập kinh nghiệm từ mô hình sản xuất hữu cơ đạt hiệu quả cao trong và ngoài tỉnh.
Cùng với sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cơ quan chuyên môn, địa phương, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm hữu cơ.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định, năm 2021, cơ quan chức năng của tỉnh đã hỗ trợ trên 120 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục, quy trình, đáp ứng các tiêu chuẩn được chứng nhận áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (VietGAP, HACCP) và một vùng nuôi ngao liên kết Lerger Farm với diện tích 500ha (ở xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng) được cấp chứng nhận nuôi thủy sản bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC.
Tính đến tháng 8/2022, tỉnh Nam Định đã chứng nhận cho một doanh nghiệp trồng 2 ha rau, phù hợp trong giai đoạn chuyển sang nông nghiệp hữu cơ; 2 cơ sở (1 trang trại nuôi lợn và 1 mô hình trồng lúa) áp dụng tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ..