BVR&MT – Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2017-2025 tăng bình quân 4-4,5%/năm; hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng 2-3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển các vùng trồng lúa hữu cơ với diện tích từ 800 – 1.000 ha.
Đây là một trong các mục tiêu cụ thể được Thành ủy Đà Nẵng đưa ra trong Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và sơ kết 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, diễn ra ngày 8/8.
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), thành phố đã đạt được những thành tựu cơ bản. Cụ thể: Sản xuất nông lâm thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2008-2017 đạt 4-4,5%/năm (mục tiêu Nghị quyết 3,5-4,0%/năm). Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo đúng định hướng, giảm tỷ trọng nông lâm nghiệp, tăng tỷ trọng thủy sản. Cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá được đầu tư khá đồng bộ, khai thác hải sản tập trung nâng cao năng lực khai thác xa bờ, tỷ trọng tàu khai thác xa bờ tăng từ 9,56% năm 2008 lên 46,57% năm 2017. Tốc độ kim ngạch xuất khẩu thủy sản bình quân đạt 7,5%/năm, và Đà Nẵng từng bước trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ nghề cá của khu vực miền Trung.
Về nông nghiệp, đã chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, con vật nuôi theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Hình thành các vùng chuyên canh sản xuất tập trung, tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, thực hiện liên kết chuỗi cung cấp sản phẩm an toàn. Nông nghiệp Đà Nẵng đang hướng đến sản phẩm hữu cơ, đặc trưng, bước đầu thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, đã chú trọng xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, hỗ trợ bao bì, nhãn hiệu để nâng cao cạnh tranh.
Cùng với đó, đời sống vật chất, tinh thần, thu nhập của nông ngư dân ngày càng được cải thiện. Chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm, ổn định sinh kế cho người dân khu vực giải tỏa, di dời và các hộ nông nghiệp bị thu hồi đất sản xuất được thực hiện tốt. Người dân nông thôn được tiếp cận các điều kiện về y tế, giáo dục, văn hóa, cơ sở hạ tầng, chất lượng cuộc sống được cải thiện rõ. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thủy sản nông lâm, địa phương cũng tạo điều kiện tốt nhất cho ngư dân nâng cao năng lực khai thác xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.
Thu nhập bình quân đầu người/tháng của dân cư nông thôn năm 2017 tăng gấp 2,67 lần so với năm 2008. Chương trình nông thôn mới thực hiện vượt so với mục tiêu, đã có 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành mục tiêu huyện Hòa Vang đạt chuẩn nông thôn mới. Hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, an ninh trật tự được giữ vững. Bộ mặt nông thôn Đà Nẵng từng bước phát triển toàn diện, góp phần vào sự nghiệp xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, hội nghị đã thảo luận chỉ ra những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân; đồng thời xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2025 và năm 2030.
Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2017-2025 tăng bình quân 4-4,5%/năm, hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng 2-3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển các vùng trồng lúa hữu cơ với diện tích từ 800-1.000 ha, phấn đấu nâng tỷ trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 40-50% giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Hòa Vang. Giá trị tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt bình quân 8-10%/năm và tỷ trọng tàu công suất 90CV khai thác xa bờ chiếm trên 60% tổng tàu thuyền.
Tới năm 2030, giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2025-2030 tăng bình quân 5-5,55/năm, phấn đấu nâng tỷ trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 50-60% giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Hòa Vang. Cùng với đó là việc xây dựng 5-7 sản phẩm nông nghiệp chủ lực có nhãn hiệu, thương hiệu. Giá trị tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt bình quân 10-12%/năm và tỷ trọng tàu công suất 90CV khai thác xa bờ chiếm trên 80% tổng tàu thuyền.
Trên cơ sở đó, Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung danh mục Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Đà Nẵng diện tích 140 ha vào danh mục quy hoạch Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2030, định hướng đến năm 2030 theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 575/QĐ-TTg ngày 04/5/2015, đồng thời đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương triển khai thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do địa phương đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn xã hội hóa khác.