BVR&MT – Theo Cơ quan Giám sát Khí quyển Copernicus (CAMS) của Liên minh châu Âu (EU), các vụ cháy rừng trong năm 2021 đã thải 1,76 tỷ tấn carbon vào bầu khí quyển Trái đất. Con số này nhiều hơn gấp 2 lần lượng phát thải khí CO2 hằng năm của Đức.
Ngày 6/12, CAMS cho biết nạn cháy rừng năm vừa qua đã tạo ra lượng phát thải carbon cao kỷ lục ở các vùng thuộc Siberia, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh biến đổi khí hậu là tác nhân gây ra các vụ cháy dữ dội bất thường trên thế giới.
Ở một số điểm nóng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, phát thải khí CO2 từ cháy rừng đã chạm cột mốc mới cho giai đoạn 11 tháng đầu năm, kể từ khi bộ dữ liệu của CAMS bắt đầu hình thành năm 2003.
“Chúng tôi đã chứng kiến các vùng rộng lớn trải qua hoạt động cháy rừng dữ dội và kéo dài. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, điều kiện khu vực khô hơn và nóng hơn đã làm tăng tính bắt cháy và nguy cơ cháy của thảm thực vật”, ông Mark Parrington, nhà khoa học của CAMS cho hay.
Mặc dù tổng lượng phát thải carbon từ cháy rừng chưa phải là mức cao nhất trên phạm vi toàn cầu kể từ năm 2003, song CAMS cho biết con số này có thể sẽ tăng lên khi tác động của biến đổi khí hậu diễn ra.
Năm 2021, Yakutia ở đông bắc Siberia (Nga) ghi nhận lượng phát thải CO2 từ cháy rừng cao nhất so với bất kỳ mùa hè nào kể từ năm 2003, trong khi ở phía tây Siberia, nạn cháy rừng nghiêm trọng đã thải ra lượng CO2 hằng ngày cao hơn rất nhiều so với mức trung bình giai đoạn 2003-2021.
Cũng theo CAMS, các vụ cháy rừng ở Canada, California và Tây Bắc Thái Bình Dương của Mỹ đã thải ra khoảng 83 triệu tấn CO2, gây nên những đám khói khổng lồ trôi qua Đại Tây Dương để đến châu Âu.
Ở khu vực Địa Trung Hải, một mùa hè khô và nóng đã thổi bùng những trận cháy rừng dữ dội ở một số nước gồm Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, khiến hàng nghìn người đã phải sơ tán khỏi nhà của họ. Trong khi đó, chất lượng không khí giảm mạnh do các đám cháy làm gia tăng nồng độ các chất dạng hạt có hại cho sức khỏe.