Mỹ có xiết chặt quy định về nuôi nhốt hổ?

BVR&MT – Người Mỹ có thể nghĩ rằng hoạt động buôn bán bất hợp pháp các bộ phận của hổ xa họ tới nửa vòng trái đất, song trên thực tế, Mỹ là một phần quan trọng của thị trường toàn cầu béo bở này.

Trên khắp nước Mỹ đã xảy ra hơn 300 vụ tai nạn liên quan đến các loài mèo lớn kể từ năm 1990. Trong 10 năm qua, “4 đứa trẻ đã mất mạng và hàng chục đứa trẻ khác bị mất tứ chi hoặc chịu các thương tích khác. Mười sáu người lớn đã bị giết…”

Ước tính có tới 10.000 con hổ tại Mỹ trong các vườn thú hoặc sở hữu tư nhân – gần gấp đôi con số ước tính 4.981 con hổ trong tự nhiên trên toàn cầu. Tuy nhiên, cho đến nay, có rất ít nghiên cứu về buôn bán hổ hợp pháp và bất hợp pháp ở Mỹ.

Hổ bị nuôi nhốt (Ảnh: Pixabay)

Kết quả nghiên cứu Patterns of illegal and legal tiger parts entering the United States over a decade, 2003–2012 (Xu hướng buôn bán hợp pháp và bất hợp pháp các bộ phận của hổ vào Hoa Kỳ thập kỷ qua, 2003 – 2012) công bố trên tạp chí Conservation Science and Practice đã chỉ ra rằng số lượng các bộ phận của hổ nhập vào Hoa Kỳ có thể lớn hơn nhiều so với con số đã báo cáo.

Dựa trên hồ sơ của Chính phủ Liên Bang, nghiên cứu trên đã xác định được một số lượng đáng kể các bộ phận hổ bất hợp pháp được nhập vào Hoa Kỳ. Các tác giả nghiên cứu đã kiểm tra giấy phép nhập khẩu hợp pháp cho hổ và các bộ phận của hổ, gần một nửa là các động vật bị bắt giữ hoặc tịch thu trước đó. Hồ sơ không cho biết liệu các mặt hàng buôn bán hợp pháp bị bắt giữ hay bị tịch thu đến từ tự nhiên hay là từ những con hổ được nuôi nhốt. Tuy nhiên, một số lượng đáng kể cả hổ nhập khẩu hợp pháp và bất hợp pháp có nguồn gốc từ tự nhiên.

Nghiên cứu đặt ra nhiều câu hỏi về nhu cầu đối với hổ và việc quản lý hổ nuôi nhốt ở Hoa Kỳ. Nếu nhu cầu cao, suy đoán dựa trên số lượng nhập hổ hợp pháp và bất hợp pháp, thì rất có thể nhu cầu này còn được đáp ứng bởi những con hổ được sinh ra và nuôi nhốt ở Mỹ.

Tuy nhiên, hiện tại không có cách nào để theo dõi những con hổ bị nuôi nhốt ở Mỹ và nhiều bang thiếu luật cũng như các quy trình để giám sát việc xử lý các bộ phận hổ có giá trị cao sau khi những con vật cưng này chết.

Điều đáng chú ý là buôn bán động vật hoang dã cũng có liên quan đến các mối quan ngại về an ninh quốc gia do nó cũng mối liên hệ với buôn bán ma tuý, vũ khí và con người. Ngoài ra, nó tiếp tục đe dọa sự tồn vong của loài hổ, hiện suy giảm chỉ còn 5% quần thể trước đây.

Hiện tại, việc sở hữu một con hổ cưng vẫn còn hợp pháp ở một số khu vực của Hoa Kỳ. Ví dụ, 13 bang chỉ yêu cầu giấy phép nuôi mèo lớn, nhưng 3 bang khác – Alabama, North Carolina và Wisconsin – không có luật nào về việc nuôi mèo lớn làm thú cưng.

Đạo luật An toàn Công cộng liên quan đến loài mèo lớn (The Big Cat Safety Act) từng được đưa ra Hạ viện Hoa Kỳ. Nó sửa đổi các hạn chế liên quan đến việc sở hữu và triển lãm mèo lớn, chẳng hạn như sư tử, hổ, báo… trong nước. Phiên bản trước của dự luật đã được biểu quyết ủng hộ vào tháng 12 năm 2020 tại Hạ viện với tỷ lệ 272 trên 114 phiếu, nhưng không được Thượng viện phê duyệt và đã bị hủy bỏ tại Quốc hội thứ 116.

Dự luật hiện tại sắp tới sẽ được bỏ phiếu tại Hạ viện và sau đó là Thượng viện. Nếu được thông qua như một dự luật liên bang, nó sẽ sửa đổi các quy định nền tảng về buôn bán động vật hoang dã ở Đạo luật Lacey và làm rõ các điều khoản được ban hành bởi Đạo luật An toàn Động vật Hoang dã Nuôi nhốt, trong nỗ lực tiếp tục bảo tồn mèo lớn và an toàn cho công chúng.

Đạo luật này sẽ cấm các cá nhân sở hữu mèo lớn cũng như cấm công chúng vuốt ve, chơi đùa và cho chúng ăn. Ngoài ra, bằng cách cắt giảm các hoạt động du lịch ngắm hổ tại các vườn thú không được công nhận, vốn khuyến khích việc nuôi hổ không cần thiết ở Mỹ, đạo luật này cũng sẽ đảm bảo Mỹ sẽ đóng một vai trò tích cực trong các nỗ lực bảo tồn toàn cầu bằng các quy định về nuôi nhốt hổ.

Nam Khuê (Theo Mongabay)

Tags: ,
CHIA SẺ