BVR&MT – Nằm trong khuôn khổ “Chương trình hành động REDD+ Việt Nam” với mục tiêu hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, mới đây Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam (VIFA) phối hợp cùng sở Tư pháp tỉnh Lào Cai đã tổ chức hai lớp tập huấn về “Tiến hành các bước khiếu nại, phản hồi liên quan đến kế hoạch hành động bảo vệ và phát triển rừng” tại xã UBND xã Tả Ngải Chồ và UBND huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.
Theo đó các cán bộ ban, ngành liên quan và đặc biệt là cộng đồng dân cư thôn bản xã Tả Ngải Chồ đã có cơ hội được tiếp cận và hiểu rõ hơn về quy trình áp dụng và thực hiện pháp luật về khiếu nại, nâng cao hơn nữa hiệu quả trong kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương, góp phần quản lý rừng bền vững và sẵn sàng REDD+ cấp tỉnh.
Song song với hoạt động tập huấn VIFA cũng đang tích cực triển khai các mô hình phát triển sinh kế nhằm nâng cao thu nhập cho cộng đồng, hỗ trợ thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của xã tốt hơn bao gồm: Mô hình trồng hồi, mô hình trồng loại giống ngô mới Biosed 9698, mô hình chăn nuôi lợn Mường Khương, mô hình nuôi gà bản địa.
Dự án tăng cường năng lực cộng đồng thôn bản trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch nhằm hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (hay còn gọi là REDD+) được VIFA tổ chức và thực hiện từ tháng 1/2015 tại xã Tả Ngải Chồ được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả tốt, trở thành mô hình điểm để nhân rộng tại nhiều địa phương trên cả nước. |
Nhân chuyến công tác với đoàn, PV. Môi trường và Đời sống đã có dịp tham quan các mô hình kinh tế tại một số hộ gia đình đồng bào Mông và nhận thấy những tín hiệu khả quan trong quá trình triển khai dự án.
Tới thăm gia đình chị Sàng Thị Chin, thôn Sảng Chư Pến, xã Tả Ngải Chồ, một trong những hộ đăng ký tham gia các mô hình sinh kế, chị Chin rất vui mừng và phấn khởi cho biết gia đình mình đã chuẩn bị chuồng trại chu đáo để nhận nuôi lợn và gà từ dự án.
Anh Hoảng Seo Dư, cán bộ khuyến nông xã Tả Ngải Chồ cho hay: Tất cả các hộ dân tham gia dự án đều tin tưởng vào hiệu quả của các mô hình sinh kế và hăng hái tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật từ phòng Nông nghiệp địa phương.
Cũng theo anh Dư, ngoài hai mô hình chăn nuôi lợn Mường Khương và gà tía bản địa thì mô hình trồng hồi và ngô cũng được người dân hưởng ứng tích cực.
Trong thời gian sắp tới cán bộ và cư dân Tả Ngải Chồ hy vọng VIFA sẽ tiếp tục quan tâm, nghiên cứu để đưa ra những những giải pháp tối ưu nhất nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả các mô hình sinh kế trên, đem lại thu nhập ổn định cho bà con.
Việc nâng cao nhận thức bảo vệ và phát triển rừng tại xã Tả Ngải Chồ thông qua các mô hình sinh kế là một trong những ưu tiên hàng đầu của VIFA. Bên cạnh đó, việc lựa chọn địa bàn dự án dựa trên kết quả tham vấn địa phương và Tổng cục Lâm nghiệp, về khả năng sẵn sàng, khởi động nhanh các hoạt động của dự án ở địa phương và cộng đồng.
Tả Ngải Chồ là một trong những xã vùng biên thuộc diện khó khăn của huyện Mường Khương. Với đặc thù 100% người dân bản địa là đồng bào dân tộc Mông, lâu nay vẫn sinh kế gắn bó mật thiết với rừng thì việc nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát triển rừng lại càng phải chú trọng, đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn.