BVR&MT – Những cơn mưa trái mùa được ví “quý hơn vàng” vì giúp giải nhiệt, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, giải khát cho hàng ngàn ha cây trồng tại tỉnh.
Sau nhiều tháng khô hạn gay gắt, chiều và tối 13/4, mưa lớn đã xuất hiện tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Những cơn mưa trái mùa được ví “quý hơn vàng” vì giúp giải nhiệt, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, giải khát cho hàng ngàn ha cây trồng tại tỉnh.
Ghi nhận của phóng viên từ 16 giờ 45 phút đến 20 giờ ngày 13/4, mưa lớn xuất hiện trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.
Tại các tuyến phố lớn như Trần Hưng Đạo, Lê Duẩn, Nguyễn Tất Thành, mưa lớn khiến nước chảy xiết gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông.
Một số tuyến phố như Lê Hồng Phong, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh đã xảy ra tắc đường cục bộ.
Tại huyện Ea H’leo, mưa lớn xuất hiện vào chiều và tối giúp cho cây trồng được giải nhiệt.
Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, xã Ea Wy, huyện Ea H’leo cho biết: Gia đình chị có 2 ha cà phê, đã tưới nước được 3 đợt. Do khô hạn kéo dài, mực nước các ao hồ, suối trên địa bàn đã cạn kiệt, gia đình đang loay hoay tìm nước tưới đợt 4 cho vườn cà phê.
Theo chị Tuyết, hai ngày 12 và 13/4 liên tục có mưa rào xuất hiện vào chiều tối, mỗi đợt mưa chỉ kéo dài từ 30 phút đến 1 giờ, góp phần giải hạn cho vườn cây, giúp gia đình tiết kiệm được một phần chi phí, công sức.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Lắk, mưa xuất hiện tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
Một số vùng lượng mưa đo được khá như Dliê Ya, huyện Krông Năng là 71mm; xã Xuân Phú, huyện Ea Kar 58mm; thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp 60mm; thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông là 60mm.
Các vùng còn lại phổ biến từ 10-20mm. Đây là đợt mưa trái mùa, tuy lượng mưa không lớn nhưng đã góp phần giải cơn khát cho cây trồng, giảm tải áp lực thiếu nước sinh hoạt cho nhiều địa phương như Ea H’leo, Ea Súp.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo người dân cần đề phòng các hiện tượng giông, lốc, sấm, sét, mưa đá, đảm bảo an toàn cho người và gia súc.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, vụ Đông Xuân năm 2018-2019, tỉnh có 252.000 ha cây trồng các loại cần nước tưới.
Toàn tỉnh có 782 công trình thủy lợi, gồm 118 đập dâng, 57 trạm bơm, 607 hồ chứa.
Đến thời điểm hiện tại, mực nước trên các hồ đã giảm mạnh, các hồ lớn và vừa mực nước chỉ còn 40-70% dung tích thiết kế, 59 hồ nhỏ đã cạn kiệt nước.
Toàn tỉnh có 4.000 ha cây trồng bị thiếu nước tưới, hơn 2.200 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.