BVR&MT – Sáng 10/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết đã có 10 người chết, hơn 3.700 ngôi nhà bị ngập nước do ảnh hưởng mưa, lũ tại các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ.
Cụ thể, tính đến 23h00 ngày 10/8, đã có 10 người chết (Gia Lai: 01 người; Đắk Lăk: 01 người; Đắk Nông: 05 người; Kom Tum: 02 người; Lâm Đồng: 01 người) và 1 người mất tích tại Đồng Nai.
Có 3.717 nhà bị ngập nước, 789 nhà phải di dời; 18.382ha lúa, hoa màu bị ngập; 703ha cây trồng lâu năm, 2.558ha cây trồng hàng năm, 1.083ha cây ăn quả bị thiệt hại; 299 con gia súc, 120.741 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Có10 tuyến đường giao thông bị sạt lở; 05 cống bị hư hỏng. Ước tổng thiệt hại 992,5 tỷ đồng.
Riêng tại Phú Quốc, mưa lớn ngày 09/8/2019 đã làm 8.424 nhà bị ngập; 1.985 người phải sơ tán; 63km đường bị ngập. Ước tổng thiệt hại 107 tỷ. Về thiệt hại do mưa lũ sau bão số 03 tại tỉnh Thanh Hóa, hiện đã có 09 người chết, 07 người mất tích.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hiện nay (10/8), ở Tây Nguyên và Nam Bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (lượng mưa tính từ 7h ngày 9/8 đến 7h ngày 10/8) với lượng mưa phổ biến 20-60mm.
Dự bá, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam nên trong ngày và đêm nay (10/8), ở Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông (lượng mưa phổ biến 30-60mm/24h); riêng các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai có mưa rất to (lượng mưa 50-100mm/24h).
Trong ngày và đêm mai (11/8), ở Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa (lượng mưa phổ biến 10-30mm/24h; riêng Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước có nơi mưa to (lượng mưa 30-60mm/24h).
Đêm mồng 8 và rạng sáng 9/8, trên địa bàn huyện Tân Phú và Định Quán (Đồng Nai) tiếp tục có mưa, cùng với nước từ thượng nguồn sông Đồng Nai đổ về khiến nhiều khu vực tại hai huyện trên bị ngập nặng, hơn 700 hộ dân (300 hộ tại xã Đắc Lua, 200 hộ xã Nam Cát Tiên, 200 hộ xã Tà Lài và 30 hộ dân tại xã Phú Thịnh) phải di dời, hai tuyến đường chính vào xã Nam Cát Tiên là đường 600A và đường Núi Tượng đã bị chia cắt hoàn toàn, 1 người mất tích khi đang cố neo đậu và cứu bè nuôi cá trên sông. Sáng 9/8, huyện huy động lực lượng đến các địa bàn bị ngập nặng để hỗ trợ di dời dân đến nơi an toàn, tổ chức tìm kiếm người bị nạn.
Tại tỉnh Bình Phước, sau khi xảy ra sự cố tại đập thủy điện Đắk Kar (tỉnh Đắk Nông) chính quyền địa phương đã tổ chức di dời 4.000 người dân bốn xã Đồng Nai, Phước Sơn, Thống Nhất và Đăng Hà từ khu vực có nguy cơ ảnh hưởng đến nơi an toàn. Trước đó, vào tối 8/8 Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Bù Đăng cũng đã tổ chức di dời 200 hộ dân với gần 1.000 người đến khu vực an toàn.
Thông tin từ huyện Bù Đăng, hiện tại sự cố tại đập thủy điện Đắk Kar vẫn chưa được khắc phục xong. Trong đêm 8/8 và sáng 9/8 lượng mưa trên địa bàn hai tỉnh Đắk Nông và Bình Phước giảm nên nước ở đập thủy điện Đắk Kar đã trở về mức an toàn. Tuy nhiên, lực lượng chức năng tỉnh Bình Phước vẫn chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra; đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ và sự cố đập để chủ động các phương án xử lý kịp thời, hiệu quả; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo diễn biến nước lũ.
Binh đoàn 16 (đứng chân trên địa bàn hai tỉnh Bình Phước và Đắk Nông) cũng đã huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ xuống địa bàn để khẩn trương sửa đường, dọn dẹp nhà dân, giúp dân di chuyển đồ đạc, phát gạo và mì tôm cho các hộ dân bị thiệt hại. Bình đoàn 16 đã hỗ trợ một gia đình có nhà bị sập 20 triệu đồng; ổn định cuộc sống cho 50 hộ dân khác bị ảnh hưởng. Trước tình trạng mưa lũ còn diễn biến phức tạp, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 16 chỉ đạo các lực lượng trực 24/24 giờ, sẵn sàng ứng cứu nhân dân khi có tình huống xấu xảy ra.
Để tiếp tục ứng phó với mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh khu vực Tây Nguyên tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, đặc biệt là tình hình xả lũ đảm bảo an toàn hạ du.
Các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng chủ động tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn và sự cố công trình thủy điện Đăk Kar. Tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tập trung lực lượng, khẩn trương tìm kiếm người mất tích, triển khai các công tác cứu trợ, tiếp tục khôi phục giao thông, thông tin liên lạc cho các khu vực, bố trí nơi ở cho người dân bị mất nhà cửa; khôi phục sản xuất, sớm ổn định đời sống của nhân dân. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia tiếp tục cung cấp các bản tin thiên tai, cảnh báo khả năng lũ quét, sạt lở đất và các diễn biến thời tiết nguy hiểm, bất thường.
Mưa hơn 1.000 mm tại Phú Quốc
Trong khi đó, theo UBND huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, trong 8 ngày qua (từ 2 – 9/8) tổng lượng mưa trên địa bàn đảo là hơn 1.000 mm, đây là lượng mưa rất lớn chưa từng xuất hiện trên đảo, lớn hơn so với trung bình nhiều năm và diễn ra trong thời gian ngắn. Cùng với đó, hệ thống thoát nước xây dựng đã lâu, xuống cấp, thiếu đồng bộ và quá tải, gây ngập nước một số địa phương trên địa bàn.
Tính đến hết ngày 9/8, thiên tai đã gây thiệt hại lớn về công trình giao thông và tài sản của người dân khu vực bị ngập nước trên địa bàn đảo. Cụ thể là hơn 63 km đường giao thông ngập nước, độ sâu trung bình 0,7 m, có nơi lên đến 2 m; nhà bị ngập 8.424 căn; tốc mái, đổ sập, sụp nứt 22 căn và nhiều vật dụng, tài sản khác bị hư hỏng; thiệt hại nhiều hoa màu, gia cầm và thủy sản. Tổng giá trị thiệt hại do ngập cục bộ gây ra trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc ước tính là hơn 107 tỷ đồng; rất may là không có thiệt hại về người. Thời điểm xảy ra thiên tai, toàn bộ các chuyến bay khởi hành từ Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc đi nơi khác đã bị hủy.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Phú Quốc, ngày 9/8, trên địa bàn đảo lại xuất hiện mưa lớn và triều cường dâng cao, cộng với lượng nước trước đó chưa thoát hết nên tiếp tục gây ngập. Đến khoảng 21 giờ ngày 9/8, lượng mưa giảm và nước bắt đầu rút.
Để ứng phó với tình huống xấu này, huyện Phú Quốc huy động các lực lượng đóng trên địa bàn gồm: Vùng 5 Hải quân, Vùng Cảnh sát biển 4, Lữ đoàn 950, Bộ đội Biên phòng tỉnh, các cơ quan, đơn vị của huyện cùng với phương tiện xuống các khu vực trọng yếu ứng cứu, hỗ trợ nhân dân, nhất là vùng ngập sâu bị cô lập. Hơn 1.560 người của các lực lượng cùng với trên 750 phương tiện ô tô, xe cẩu, xe tải, xe cuốc, xe máy, thuyền thúng, xuồng cao tốc, phao bè cứu sinh… tham gia di dời khoảng 2.000 người dân, phần lớn là người già, phụ nữ, trẻ em đến nơi tránh trú an toàn; cung cấp hơn 1.000 suất cơm, kết hợp vận động các nhà hảo tâm ủng hộ hàng trăm thùng mì, quần áo hỗ trợ cho nhân dân.
Ngày 9/8, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai – Văn phòng Uỷ ban quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã ban hành Công điện số 12 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kiên Giang về việc tập trung triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch trên đảo trước tình hình mưa lớn.
Đối với sự cố đê biển Tây tại tỉnh Cà Mau, ngày 8/8, đã xử lý được 356m cừ tràm, vải bạt và 15.000 bao tải đất. Hiện đang đắp con trạch bằng bao tải cát với khoảng 100 người duy trì túc trực tại hiện trường còn lại. Tính đến 16 giờ ngày 9/8, tình trạng đê tạm thời ổn định.
Theo báo cáo nhanh chưa đầy đủ của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, tính đến ngày 9/8 trên địa bàn có hơn 60 căn nhà bị sập và tốc mái, 10 trụ điện bị đổ ngã; 500 mét bờ kênh bị sạt lở; hơn 350 ha lúa, hoa màu bị ngập úng… Ước tính tổng thiệt hại hơn 700 triệu đồng. Riêng địa bàn thành phố Bạc Liêu và huyện Phước Long đang còn mưa khá lớn, nên công tác thống kê thiệt hại chưa thực hiện được.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra chính quyền địa phương các cấp khẩn trương triển khai nhiều biện pháp khắc phục hậu quả.