BVR&MT – Ngày 30/6, Ủy hội sông Mê Kông kêu gọi Trung Quốc và các nước Đông Nam Á chia sẻ thêm dữ liệu về các hoạt động thủy điện có thể góp phần làm mực nước lên xuống bất thường trên các tuyến đường thủy quan trọng.
Sự thay đổi của mực nước đã ảnh hưởng đến giao thông thủy, hệ sinh thái sông và sự ổn định của bờ sông trong khu vực, nơi hàng chục triệu người phụ thuộc vào Mê Kông để kiếm sống.
Trong một báo cáo được công bố mới đây, MRC cho biết các đập thủy điện đã giữ lại nước vào đầu mùa khô năm nay dù việc xả nước đã phần nào kích hoạt lưu lượng nước cao hơn mức trung bình trong 5 tháng đầu năm.
Tình trạng khô hạn trong hai năm qua tiếp tục tác động tiêu cực đến các dòng nước theo mùa và làm gián đoạn chu kỳ lũ lụt trên hồ Tonle Sap – nguồn sinh kế quan trọng của phần lớn người dân Campuchia.
Cũng theo báo cáo, trong khi các khu vực của Thái Lan và miền bắc Campuchia chứng kiến lượng mưa kỷ lục trong tháng 4 và tháng 5 thì dòng chảy của sông Mê Kông không tăng đáng kể trong giai đoạn này.
Ông An Pich Hatda, Giám đốc điều hành MRC cho biết: “Cả Trung Quốc và các nước thành viên nên thông báo bất kỳ thay đổi lớn nào đã được lên kế hoạch trong hoạt động của các dự án thủy điện và chia sẻ thông tin đó với Ban Thư ký MRC”. Năm ngoái, Trung Quốc đã đồng ý chia sẻ dữ liệu mực nước và lượng mưa quanh năm với MRC, đồng thời cam kết thông báo cho Ủy hội và các nước thành viên về bất kỳ sự thay đổi bất thường nào của mực nước.
Báo cáo cũng dự báo lượng mưa trung bình trong tháng Sáu cao hơn so với hai năm qua nhưng thấp hơn lượng mưa trung bình ở Campuchia, khu vực Tây Nguyên của Việt Nam và Nam Lào trong tháng Bảy.
Tú Linh (Theo Reuters)