BVR&MT – Vụ việc cơ quan chức năng thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Triệu Tạ Mềnh, sinh năm 1991, trú tại thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang để điều tra về hành vi hiếp dâm nữ du khách tại một bungalow trên địa bàn đã đặt ra rất nhiều vấn đề về trật tự an toàn xã hội và quản lý địa bàn du lịch nói riêng, an ninh tại cơ sở nói chung.
Trước hết, dư luận hoan nghênh, đồng tình với quy trình xử lý ra quyết định của các cơ quan chức năng là đúng pháp luật, nhanh chóng: Cơ quan công an thụ lý đơn tố giác tội phạm của nạn nhân ngay sau sự việc; viện kiểm sát cùng cấp làm rõ các căn cứ pháp lý nhanh chóng và ra quyết định phê chuẩn kịp thời.
Vụ việc xảy ra ngày 19/9 thì đến ngày 21/9 đã có quyết định phê chuẩn lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp đối với đối tượng Triệu Tạ Mềnh. Và tại Cơ quan điều tra Công an huyện Hoàng Su Phì, đối tượng bước đầu đã thừa nhận hành vi hiếp dâm. Trong bối cảnh lực lượng công an chính quy được tăng cường về xã, nhất là các xã vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, đây tiếp tục là bài học kinh nghiệm tốt cho việc nắm địa bàn, tham mưu xử lý khẩn trương, đúng pháp luật các vụ việc mất an ninh, các vụ trọng án xảy ra trên địa bàn.
Sự việc cũng đặt ra vấn đề quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch dưới dạng homestay, bungalow trong quản lý nhân viên thường xuyên, hợp đồng, thời vụ; nắm vững các quan hệ làng xóm, họ hàng trong cơ sở dịch vụ; việc duy trì thường xuyên khai báo tạm trú, tạm vắng cho khách lưu trú; kỹ năng tự kiểm tra phòng ốc, khóa cửa, các thiết bị an toàn (báo cháy, báo động khi có nguy cấp); khóa phòng, camera an ninh phục vụ lưu trữ và truy xuất dữ liệu khi cần; trách nhiệm và nghiệp vụ của đội ngũ nhân viên cơ sở lưu trú. |
Thực tế đã cho thấy công tác nắm địa bàn của cơ quan chức năng, quản lý địa bàn của chính quyền thôn bản, xã phường là rất quan trọng trong việc phối hợp nhận tin báo, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường, xác định, khoanh vùng và truy bắt nghi phạm sớm. Đồng thời thực tế đó cũng cho thấy, nếu không quản lý tốt, không thượng tôn pháp luật, khách quan, công tâm trong xử lý tin báo, tin tố giác tội phạm thì những sự việc tương tự như trên sẽ có thể bị ém đi, “chìm xuồng” hoặc tiêu cực sẽ xảy ra làm phức tạp vụ việc, việc liên đới trách nhiệm bao che sẽ làm mất cán bộ cơ sở…
Ở góc độ bảo vệ nạn nhân, việc công khai, minh bạch quá trình thụ lý, điều tra vụ việc cũng góp phần bảo vệ danh dự, phẩm giá của nạn nhân, bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật. Nếu có sự bao che, lấp liếm bằng các thủ đoạn bất chính, kể cả đánh tráo khái niệm, vu vạ cho nạn nhân, thì sẽ càng làm cho vụ việc phức tạp và gây khó khăn cho quá trình điều tra. Ở đây, nạn nhân vượt qua nỗi sợ hãi và mặc cảm thông thường để công khai vụ việc cho thấy sự dũng cảm đó cần được tôn trọng và bảo vệ.
Bởi không như các tội phạm khác, tội phạm hiếp dâm, cưỡng dâm trong nhiều trường hợp vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật mà ngoài lý do thủ phạm có những quan hệ xã hội và thủ đoạn tinh vi để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật, còn có lý do từ phía nạn nhân do xấu hổ, do bị đe dọa trả thù mà im lặng…
Ở đây, sự lên tiếng, đồng hành của luật sư, hội liên hiệp phụ nữ, báo chí để chung tay bảo vệ người bị hại bên cạnh vai trò của các cơ quan bảo vệ pháp luật là rất quan trọng. Sự lên tiếng của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hoàng Su Phì đề nghị Công an huyện Hoàng Su Phì và các cơ quan chức năng nhanh chóng làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nạn nhân là kịp thời và hoàn toàn đúng đắn. Xã hội chỉ có thể ngày một tốt đẹp hơn khi bớt đi những sự thờ ơ, buông xuôi, trở thành “tiếp tay” cho cái ác và thay vào đó là thêm nhiều tiếng nói chính trực đưa cái ác, cái xấu ra ánh sáng công lý.
Du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch ở nhà dân dưới dạng homestay, bungalow đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, góp phần đem lại sự phát triển tích cực của ngành, của kinh tế-xã hội các địa phương, nhưng vẫn còn những vấn đề, khía cạnh xã hội cần tiếp tục nghiên cứu, chấn chỉnh. Đó là vẫn còn tình trạng thiếu chuyên nghiệp trong dịch vụ ăn nghỉ tại cơ sở lưu trú, những sự cố mất an toàn, an ninh tại điểm du lịch; sự thiếu chuyên nghiệp của hướng dẫn viên du lịch trong giới thiệu về lịch sử đất nước, vùng miền; tình trạng nữ hướng dẫn viên du lịch bị khách du lịch gạ tình, quấy rối tình dục… thậm chí bị xâm hại.
Để tự bảo vệ mình, bảo vệ thương hiệu của đơn vị du lịch, bảo vệ hình ảnh và môi trường trong lành của du lịch các địa phương và du lịch Việt Nam, nỗ lực xóa đi những “điểm đen” đó không chỉ là bổn phận của mỗi cá nhân, đơn vị tham gia vào du lịch mà còn là trách nhiệm của chính quyền địa phương, các cơ quan bảo vệ pháp luật và của cả cộng đồng.