BVR&MT – Hiện nay theo số liệu thống kê về tài nguyên rừng, Việt Nam có khoảng 6 triệu ha rừng dễ cháy, bao gồm các loại: rừng thông, rừng tre nứa, rừng bạch đàn, rừng khộp, rừng tràm, rừng phi lao… Cùng với đó, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và khó lường ở Việt Nam đang làm nguy cơ tiềm ẩn về cháy rừng và cháy lớn ngày càng nghiêm trọng.
Theo số liệu thống kê của Cục Kiểm lâm trong vòng 40 năm qua từ năm 1963 đến năm 2002, tổng số vụ cháy rừng trên 47.000 vụ, diện tích thiệt hại khoảng 633.000 ha, thiệt hại về tiền ước tính hàng trăm tỷ đồng mỗi năm; Ngoài ra còn làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái cùng với đó là những thiệt hại do lũ lụt gây ra, bên cạnh vùng hạn hán thiếu nước trầm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất tác động không nhỏ đến đời sống của con người.
Trong những năm gần đây công tác phòng cháy chữa cháy rừng đã được các chủ rừng, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn quan tâm chú trọng, vì vậy thiệt hại rừng do cháy rừng gây ra có phần giảm đáng kể. Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp trong 02 năm gần đây: Năm 2016, cả nước đã xảy ra hàng chục vụ cháy rừng, diện tích thiệt hại khoảng 3000 ha; năm 2017 cả nước xảy ra 182 vụ cháy, diện tích thiệt hại khoảng 350 ha.
Theo thống kê các vụ cháy rừng xảy ra ở Việt Nam có nguyên nhân chủ yếu trên 90% là do con người, khoảng vài phần trăm là do thiên tai. Còn lại các nhân tố cộng hưởng làm cho cháy rừng xảy ra như: Vật liệu cháy – tầng thảm mục dày, đặc biệt các vật liệu cháy tinh (nhỏ, dễ bắt lửa), nhiệt độ khô hanh kết hợp với gió làm cho ngọn lửa bùng phát và lan nhanh, mặt khác do việc trồng rừng thuần loài để phát triển kinh tế, quá trình trồng rừng không chú trọng đến việc xây dựng các đai xanh hoặc đai trắng để cản lửa cũng là nguyên nhân dẫn đến khó khăn cho công tác chữa cháy.
Qua việc cháy rừng ở Hà Tĩnh cho thấy công tác phòng cháy còn nhiều hạn chế mà tồn tại bấy lâu nay như cả khu rừng rộng lớn bao quanh nhà dân, khu dân cư, cây xăng mà không có hệ thống băng đai xanh hoặc băng trắng phòng cháy; chữa cháy vẫn dùng phương tiện thô sơ để dập lửa như cành cây, dao phát, can đựng nước, máy thổi gió cộng với thời tiết khô nóng, gió lào làm ngọn lửa bùng phát và lan nhanh không kiểm soát nổi; một mặt vừa chữa cháy vừa phải di dời dân sống xung quanh ra khỏi khu vực cháy và sau 03 ngày chữa cháy huy động khoảng 15.000 người, đám cháy mới được khống chế, ước thiệt hại khoảng vài chục ha.
Thời gian qua mặc dù chúng ta đã có Nghị định số 09/2006/NĐ-CP, ngày 16/01/2006 của Chính phủ quy định về Phòng cháy và Chữa cháy rừng, Quyết định số: 197/2005 QĐ/BNN- KL ngày 27 tháng 1 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành kèm theo hướng dẫn xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cấp tỉnh; chế tài xử phạt vi phạm hành chính nếu để xảy ra cháy rừng,… Tuy nhiên hiệu quả của phương án phòng cháy và chữa cháy rừng chưa cao. Để thực hiện tốt có hiệu quả phương án phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô cao điểm nhất là khu vực Miền Trung và Tây Nguyên cần phải thực hiện một số giải pháp sau:
(1). Hệ thống quản lý phải chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương về lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy rừng; khi có cháy xảy ra công tác chỉ đạo, điều hành được xuyên suốt qua đó công tác phòng cháy, chữa cháy mới đạt hiệu quả cao.
(2). Chính quyền địa phương, kiểm lâm cùng với chủ rừng phối hợp chặt chẽ, chủ động thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục, nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; đối với người dân sống gần rừng, có nương rẫy phải có cam kết khi xử lý thực bì, báo cho kiểm lâm địa bàn và chủ rừng biết, phải tuân thủ nghiêm ngặt phòng cháy chữa cháy.
(3). Hàng năm các đơn vị chủ rừng phải xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT; kiểm lâm kiểm tra giám sát thường xuyên trong việc xây dựng và thực hiện phương án.
(4). Khi xây dựng phương án trồng rừng cần phải có phương án phòng cháy như tạo băng xanh xen kẽ hoặc băng trắng xen kẽ, có thể kết hợp với đường vận chuyển lâm sản sau; khu nào có điều kiện thuận lợi có thể tạo ra hồ chứa nước làm nguồn nước chữa cháy sau này.
(5). Một số vùng có điều kiện thuận lợi có thể đốt trước có điều khiển trước khi vào mùa khô; đốt các thảm thực bì dưới tán rừng để giảm vật liệu cháy vào mùa khô (ở Lâm Đồng trước khi vào mùa khô thường xử lý vật liệu cháy dưới tán rừng thông).
(6). Theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết thường xuyên nhất là trên hệ thống cảnh báo cháy rừng của Cục Kiểm lâm, qua đó xác định được cấp dự báo cháy rừng để có biện pháp phòng ngừa.
(7). Lực lượng kiểm lâm cùng với đơn vị chủ rừng và địa phương hàng năm phải tổ chức diễn tập công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; xây dựng lực lượng chữa cháy rừng chuyên trách.
(8). Cần phải tăng cường đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cả về các hạng mục phòng cháy và các dụng cụ chữa cháy, qua đó nâng cao hiệu quả chữa cháy rừng.
(9). Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các lực lượng liên ngành như kiểm lâm, chủ rừng, quân đội, công an… trong bảo vệ và phòng chống, chữa cháy rừng.
(10). Trong mùa khô cao điểm cần duy trì chế độ thường trực 24/24 nhằm kiểm soát chặt chẽ; giảm thiểu nguy cơ bị cháy rừng hoặc phát hiện địa điểm cháy kịp thời. Khi phát hiện đám cháy nhanh chóng huy động lực lượng để tham gia chữa cháy, xử lý kịp thời không để cháy lan.
(11). Tăng cường chế độ đãi ngộ cho lực lượng tham gia chữa cháy, qua đó động viên khuyến khích các lực lượng tham gia chữa cháy; có chế độ khen thưởng cho cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc trong việc phòng chống và chữa cháy rừng đồng thời xử lý nghiêm minh những người gây ra cháy rừng.
Hoàng Đình Quang (Sở Nông nghiệp & PTNT Lâm Đồng)