BVR&MT – May mắn khi được gặp và trò chuyện cùng PGS, TS Nguyễn Hoàng Nghĩa trong chuyến thăm Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) trước đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, để rồi qua những câu chuyện với người đàn ông sinh năm 1953 có vẻ bề ngoài như một nghệ sĩ ấy, chúng tôi đã được chiêm ngưỡng một thế giới thật rộng lớn về rừng và đời sống của những loài cây.
Từng công tác trong ngành lâm nghiệp, là Viện trưởng Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và có hơn 40 năm gắn bó với rừng, một quãng thời gian đủ để PGS, TS Nguyễn Hoàng Nghĩa tự hào kể về rừng như trong bài hát Một đời người một rừng cây của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: “Khi nghĩ về một đời người/Tôi thường nhớ về rừng cây…”.
Trả nợ rừng
“Cây không biết nói, chỉ bất động. Đau nó cũng không biết kêu, chỉ lặng lẽ héo mòn”, PGS, TS Hoàng Nghĩa bắt đầu câu chuyện với chúng tôi về rừng bằng những suy tư nhiều chất chứa. Những câu chuyện hấp dẫn và cuốn hút về rừng mà ông kể, nhất là trong chọn giống và bảo tồn nguồn gien cây rừng, đều thể hiện tình yêu vẫn đang cháy trong hơi thở của người cả đời gắn bó với rừng và mang theo nhiều trăn trở.
Ông tâm sự, nỗi đau lớn nhất của người làm bảo tồn là chứng kiến loài con hay loài cây mà mình yêu quý đứng trước bờ vực tuyệt chủng. Con tê giác cuối cùng của Việt Nam bị giết chết vào tháng 4/2010 là thí dụ nổi bật trong những năm vừa qua. Không chỉ thế, trong khi có rất nhiều chương trình bảo tồn tầm cỡ quốc tế và quốc gia cho nhiều loài vật như tê giác, voi, hổ, cá voi… chúng ta vẫn chưa có chương trình bảo tồn cho một loài cây cụ thể. Nguy cấp như loài thủy tùng, chỉ còn gần 200 cá thể cây ở duy nhất hai vùng phân bố cuối cùng ở tỉnh Đắk Lắk mà nhiều năm qua cũng chỉ có vài ba bài báo nói tới”, PGS, TS Hoàng Nghĩa kể lại sau tiếng thở dài nhiều lo lắng.
Vậy nên trong các hoạt động bảo tồn, bảo tồn thực vật trở nên thật sự rất cấp thiết. Ông vừa đi vừa cho biết, trong chiến lược bảo tồn nguồn gien cây rừng có đưa ra bốn nhóm loài cho bảo tồn, trong đó hai nhóm quan trọng nhất là: Cây có giá trị khoa học cao, đang bị đe dọa (nhóm 1) và cây có giá trị kinh tế cao, đang bị đe dọa (nhóm 2). Cây nhóm 1 thường là các cây đặc hữu. Thí dụ cây đặc hữu Việt Nam thì chỉ gặp ở Việt Nam mà không gặp ở bất kỳ nước nào khác, còn cây đặc hữu Đông Dương thì chỉ gặp ở các nước Đông Dương và nó quý chính là vì thế. Nếu cây mất thì thế giới mất. Chẳng hạn loài thông hai lá dẹt (Pinus krempfii, cây lá kim họ thông), bách vàng (Xanthocyparis vietnamensis), sao lá hình tim (Hopea cordata, cây họ Dầu), chai lá cong (Shorea falcata, cây họ Dầu), sao mạng (Hopea reticulata) chỉ gặp ở nước ta. Cây nhóm 2 gồm các loài cây có giá trị kinh tế cao, vì thế mà bị khai thác cạn kiệt cần được bảo tồn. Đó là các loài như mun, mun sọc, sưa, trắc, cẩm lai, gõ đỏ, vù hương, vàng tâm, lim xanh, sến mật.., nếu không khẩn trương, bảo tồn thì chúng sẽ mất đi rất nhanh chóng trong một ngày gần đây.
Vì thế, sau khi thu thập thông tin về loài, biết loài thuộc về nhóm loài cây nào để có biện pháp bảo tồn phù hợp, những nhà khoa học như PGS, TS Hoàng Nghĩa sẽ đánh giá mức độ đe dọa. Mức độ đe dọa càng cao, càng ưu tiên cho bảo tồn. Tiếp đó, họ thu thập nguồn gien (thu hái hạt giống), rồi thử nghiệm gieo trồng. Sau đấy là bảo tồn bằng hình thức bảo tồn tại chỗ và bảo tồn chuyển chỗ. Và cuối cùng là tư liệu hóa. Nếu không làm công việc này, sẽ không ai biết sự tồn tại của loài, mức độ đe dọa của chúng, chúng ta đang bảo tồn cho loài nào, ở đâu. Các bài báo khoa học, các quyển sách về tài nguyên thực vật, phim ảnh… chính là để phục vụ mục tiêu cao cả này. Bởi nếu các bài báo đến được với đông đảo bạn đọc sẽ có sức ảnh hưởng rất lớn đến hiểu biết, tâm lý của bạn đọc cũng như cả cộng đồng.
Thật ngạc nhiên bởi ông vốn lại là cử nhân sinh học, chuyên sâu về di truyền học và tốt nghiệp năm 1976 tại Trường đại học Khoa học Otvos Lorand ở Budapest (Hungary). Thế nhưng theo ông, chuyên ngành di truyền học hết sức quan trọng vì đây là cơ sở cho ông thực hiện song song hai nhiệm vụ quan trọng của cuộc đời là “chọn giống cây lâm nghiệp” và “bảo tồn nguồn gien cây rừng”. Nói ngắn gọn, nếu thiếu hiểu biết sâu về di truyền học thì khi nghiên cứu hoặc viết về bảo tồn sẽ dễ chung chung và không cụ thể. Cũng vì thế mà sau khi tốt nghiệp về nước, ông được phân công làm việc tại Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp và cụ thể là tại Phòng Nghiên cứu giống, đúng chuyên môn được đào tạo. Như vậy, từ gốc một nhà sinh học, ông chuyển thành nhà lâm nghiệp, gắn bó với rừng suốt 41 năm từ 1977 khi vào Viện đến khi về hưu năm 2018.
Chúng tôi đã hỏi ông, chuyên về lâm nghiệp, bảo tồn nguồn gien nhưng tại sao loài cây nào ông cũng biết và hiểu rõ như một nhà phân loại thực vật, PGS, TS Hoàng Nghĩa liền cười và trả lời: “Tôi làm về tài nguyên thực vật rừng, tìm hiểu về rất nhiều loài và giá trị của chúng, nhưng thực tế tôi lại không phải là nhà phân loại thực vật. Sở dĩ tôi biết về các loài là nhờ sự giúp đỡ của các đồng nghiệp, cộng tác viên chuyên ngành phân loại và mày mò tự học trong thực tiễn”.
Sinh ra ở một vùng quê nghèo của tỉnh Nam Định, từ bé đã gắn bó với cây lúa, cây ngô, từng đi bắt cá bắt cua, từng tắm và bơi trên dòng sông Đáy quê nhà cho nên với PGS, TS Hoàng Nghĩa, thiên nhiên là máu thịt, là cảm xúc và thân thiện như con người. Vì vậy khi vào rừng, ông luôn bị kích thích bởi các loài cây mang đầy giá trị mà chúng không nói lên được. Ông luôn trăn trở với suy nghĩ muốn giữ rừng và làm thế nào để bảo tồn các loài cây.
Nhờ đó, mặc dù mất 20 năm “đời cây, đời người” như ông nói, PGS, TS Hoàng Nghĩa đã chủ trì nhiều đề tài, dự án nghiên cứu giống quan trọng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và đưa vào sản xuất, trong đó có bốn giống nổi bật là keo lá tràm AA9 và AA1, keo lai AH1 và AH7. Riêng giống quốc gia keo lá tràm dòng AA9 rất được ưa chuộng ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ nhờ năng suất cao, có khả năng chống chịu và sinh trưởng nhanh, giúp người dân bớt được chi phí về bảo vệ thực vật và thu lợi nhuận lớn, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường do hạn chế thuốc bảo vệ thực vật.
Kho từ điển sống về cây rừng
41 năm gắn bó với rừng, đi hết 63 tỉnh, thành phố của đất nước, từ Trà Cổ (Quảng Ninh), Lũng Cú (Hà Giang) tới Mũi Cà Mau, thăm và điều tra nghiên cứu ở nhiều vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên như Ba Vì, Cúc Phương, Vân Long, Ba Bể, Hoàng Liên, Hang Kia – Pà Cò, Bạch Mã, Chư Mom Rây, Kon Ka Kinh, Ngọc Linh, Sông Thanh, Đắc Uy, Bidoup – Núi Bà, Yok Don, Bình Châu – Phước Bửu, Lò Gò – Xa Mát, U Minh Thượng, Vồ Dơi, cũng như ghé thăm hệ thống các đảo như Phú Quốc (Kiên Giang), Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), Phú Quý (Bình Thuận), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Nhơn Châu (Bình Định), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Cát Bà (Hải Phòng), một số đảo trên vịnh Hạ Long và Vườn quốc gia Bái Tử Long (Quảng Ninh), tất cả đã giúp PGS, TS Nguyễn Hoàng Nghĩa thu thập được nhiều tư liệu để công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và nước ngoài; xuất bản nhiều đầu sách mang tính định hướng tài nguyên thực vật và bảo tồn. Không sai nếu nói rằng ông như một kho từ điển sống về cây rừng và giải thích tại sao ông có thể viết được nhiều sách chuyên cho từng nhóm loài cây như “Các loài cây lá kim Việt Nam” (2004), “Cây họ Dầu Việt Nam” (2005), “Tre trúc Việt Nam” (2005) là các nhóm loài cây quan trọng của ngành lâm nghiệp, đôi khi cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Một số quyển sách khác cùng chủ đề là “Bảo tồn nguồn gen cây rừng” (1997), “Bảo tồn đa dạng sinh học” (1999), “Một số loài cây bị đe dọa ở Việt Nam” (1999 và 2006).
Thú vị nhất là đầu những năm 2000, PGS, TS Hoàng Nghĩa có ý tưởng tập hợp ảnh của các loài thực vật để đưa vào bộ sách “Át lát cây rừng”, mỗi loài được mô tả đơn giản bằng tiếng Việt và tiếng Anh với hình ảnh đặc trưng đại diện là cây, lá, hoa, quả. Ông không rõ đã có nhà nghiên cứu nào xuất bản cuốn sách tương tự như vậy ở Việt Nam chưa cũng như không biết có phải ông là người đầu tiên có ý tưởng này và thực hiện được hay không nhưng cái hay là người đọc rất dễ nhận biết từng loài vì có đủ các ảnh mầu mà không cần phải đọc kỹ mô tả. Và ý tưởng này đã trở thành hiện thực khi năm 2007, ông xuất bản tập đầu tiên của bộ “Át lát cây rừng”. Từ năm 2007 tới nay, tám tập “Át lát cây rừng Việt Nam” (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) cho tổng số 950 loài của 138 họ thực vật đã được Nhà xuất bản Nông nghiệp và Nhà xuất bản Bản đồ xuất bản. Ngoài ra, năm 2015, Vườn Thụ mộc quốc gia Hàn Quốc cũng tài trợ in hai tập “Thực vật rừng Việt Nam” của ông, gồm 846 loài và tổng cộng 1.778 trang. Phần lớn ảnh đều do cá nhân ông chụp tại hiện trường, bên cạnh ảnh của một số đồng nghiệp, bạn bè gửi tặng để giúp ông hoàn thành việc in sách.
Theo PGS, TS Hoàng Nghĩa, thu thập ảnh thực vật nói chung đã khó, ảnh của cây rừng còn khó hơn nhiều lần. “Bạn phải lần tới nơi có cây, đúng mùa có hoa hoặc có quả, mà thường có hoa thì lại chưa có quả hoặc có quả thì hết mùa hoa. Muốn có đủ ảnh của cả hoa và quả, thì bạn phải đi lại vài ba lần, mà phải đi vào rừng, có khi cách chỗ bạn ở hàng nghìn ki-lô-mét, rất mất thời gian và công sức. Đó là chưa kể cây rừng thường cao to, có khi thấy hoa hay quả mà đành chịu đứng nhìn. Nếu thuê được người địa phương trèo cây lấy mẫu thì không sao nhưng những rủi ro vì gió, mưa, kiến hay ong đốt và rơi ngã là rất lớn hay mẫu vật không đẹp hoặc bị hỏng…”, ông chia sẻ.
Hiện PGS, TS Hoàng Nghĩa đang có bộ sưu tập ảnh cho khoảng 1.500 loài thực vật Việt Nam và ước muốn của ông là xuất bản toàn bộ chúng vào một tập cho tiện tra cứu. Điều ông băn khoăn là không phải loài nào cũng có đủ các ảnh đại diện và đẹp, nhiều loài chụp được ảnh hoa mùa này nhưng mùa sau quay lại chụp ảnh quả thì cây đã bị chặt mất hoặc đơn giản là bị chết hoặc không có điều kiện quay lại. Rồi việc tìm nguồn tài trợ để in ấn thật sự khó khăn trong điều kiện dịch Covid-19 hiện nay.
Mải mê trong cuộc trò chuyện, được ông giới thiệu cho từng loài cây nhưng rồi chúng tôi cũng đành phải chia tay PGS, TS Hoàng Nghĩa ở điểm dừng chân tại Vườn thực vật Cúc Phương trong Vườn quốc gia Cúc Phương. Mong rằng ông có thể thực hiện được dự định về một cuốn sách mới về các loài thực vật Việt Nam, để lưu giữ những tư liệu mà ông đã dành cả đời người thu thập, với mong mỏi được trả nợ rừng cùng ý nghĩ “Có một cây là có rừng/ và rừng sẽ lên xanh rừng giữ đất quê hương” (Một đời người một rừng cây).