BVR&MT – Thông tin từ Phòng khám Động vật hoang dã Sở thú Taronga (Sydney, Úc) cho hay một chú rùa biển xanh được giải cứu từ một bãi biển ở Sydney đã ăn nhiều nhựa đến nỗi phải mất sáu ngày để đào thải hết nhựa ra ngoài.
Chú rùa con nặng 127 gram đã được tìm thấy trong tư thế nằm ngửa trên bãi đá gần bờ biển Tamarama, Sydney. Chú rùa bị thiếu mất một chân, một cái chân khác bị sứt và mai thì bị thủng một lỗ.
Các nhân viên chăm sóc cho biết ngoài những vết thương này, chú rùa có vẻ đang ở trong tình trạng sức khỏe tốt và không gặp khó khăn khi bơi.
“Nhưng sau đó chú rùa bắt đầu đi vệ sinh và thải ra nhựa liên tục trong sáu ngày. Không có phân, chỉ toàn là nhựa,” Sarah Male, y tá thú y tại Taronga cho biết.
“Chú rùa thải ra nhựa với tất cả các kích cỡ, màu sắc và bố cục khác nhau. Một số loại nhựa thì cứng, một số rất sắc nhọn và một số còn có chữ được viết lên đó. Đây là tất cả những thứ mà chú rùa nhỏ bé tội nghiệp đã ăn phải. Có rất nhiều nhựa xung quanh chú và đó cũng là món ăn đầu đời của những chú rùa vừa mới nở này.”
Mặc dù sức khỏe đã có nhiều tiến triển, nhưng có thể chú rùa phải mất cả một năm để có thể trở lại vùng biển hoang dã.
Bệnh viện thú y cho biết, kích thước nhỏ bé của những chú rùa non khiến chúng dễ bị con mồi tấn công, do đó họ muốn nuôi lớn để giúp các sinh vật này có cơ hội sống sót. Ngoài kích thước, nhiệt độ đại dương cũng là một yếu tố quan trọng – nhiệt độ nước ấm hơn sẽ tốt hơn cho sự phát triển của rùa.
Phòng khám động vật hoang dã của Taronga chăm sóc khoảng 80 con rùa biển mỗi năm – nhiều con được tiếp nhận trong tình trạng bị thương sau khi vướng vào dây câu hoặc do nuốt phải lưỡi câu và nhựa.
“Nếu mỗi người trong chúng ta dành một chút thời gian để nhặt một chút rác thôi – không nhất thiết phải nhặt ở bãi biển – thì mới có thể hy vọng để thay đổi thực trạng hiện nay,” Sarah Male nói.
Các bang New South Wales, Queensland và Tây Úc đều đã ban hành các lệnh cấm nghiêm ngặt hơn đối với các loại nhựa sử dụng một lần. Nhưng đôi khi quy mô của vấn đề là quá lớn.
Mỗi năm có hơn 8 triệu tấn nhựa được thải ra các đại dương trên khắp thế giới. Phần lớn rác đổ ra biển theo dòng chảy của sông, bị vứt dọc theo bờ biển hoặc bị tàu đánh cá bỏ lại.
Một nghiên cứu thực hiện ở bãi biển của đảo Henderson – một trong những nơi xa xôi nhất thế giới – đã tìm thấy gần 38m các mảnh nhựa nằm rải rác trên cát.
Tuy nhiên một tín hiệu đáng mừng là Báo cáo công bố hồi tháng 6/2022 của Tổ chức Khoa học và nghiên cứu công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO) – Úc cho hay các nỗ lực của chính quyền địa phương đã đạt được những hiệu quả nhất định khi ghi nhận tình trạng ô nhiễm nhựa ở các bờ biển Úc đã giảm 30%.