BVR&MT – Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao dự án xử lý ô nhiễm nước tại một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây. Bộ trưởng mong muốn được hợp tác với Nhật Bản để cùng nhau chuyển giao công nghệ, xử lý ô nhiễm trên các con sông tại Việt Nam.
Trưa ngày 30/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có chuyến thị sát khu vực thí điểm xử lý nước bằng công nghệ Nano Bioreactor Nhật Bản tại Hồ Tây của Công ty cổ phần cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE).
Tại khu vực thị sát, TS. Yamamura Tadashi – Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản đã công bố kết quả thí nghiệm tại một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây, gồm 5 kết quả chất lượng nước tại 2 khu thí điểm đều đạt hiệu quả theo quy chuẩn Việt Nam 08; mùi hôi thối tại sông Tô Lịch giảm 200 lần, mùi tanh hôi của Hồ Tây giảm 30 lần.
Phân hủy vi khuẩn có hại tại sông Tô Lịch giảm đến 61 triệu lần. Tại Hồ Tây, việc kích hoạt sinh vật có lợi theo đánh giá của Trung tâm Điều tra tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng lên 738 lần, tổng vi sinh vật hiếm khí tăng 47 lần. Bùn hữu cơ tại sông Tô Lịch cách đầu đường Hoàng Quốc Việt 50m giảm 91,3 cm – 15cm.
“So sánh chi phí, chúng tôi đã báo cáo với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việc xây dựng các nhà máy thu gom nước thải, chúng tôi không phản đối. Tuy nhiên để xây dựng chúng ta cần mất một thời gian khá dài, sẽ tốn hàng trăm tỷ đồng, người dân phải chịu đựng mùi hôi thối từng đấy năm. Chính vì thế chúng tôi đã đề xuất việc xử lý một dòng sông an toàn”, TS. Yamamura Tadashi cho hay.
Tại buổi thị sát, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao dự án xử lý ô nhiễm nước tại một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây. Bộ trưởng mong muốn được hợp tác với Nhật Bản để cùng nhau chuyển giao công nghệ, xử lý ô nhiễm trên các con sông tại Việt Nam.
Theo Bộ trưởng, với công nghệ của Nhật Bản, bước đầu đã giải quyết được 3 mục tiêu: xử lý mùi, xử lý bùn và một số chất cơ bản. Trao đổi thêm với chuyên gia Nhật Bản về hiện trạng hiện nay, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay, nguồn thải của Việt Nam khác với Nhật Bản.
Cụ thể, thành phần kim loại nặng trong nước rất nhiều; thêm nữa, các con sông chủ yếu là kênh nước thải (chuyên gia Nhật Bản đang xử lý đến 90% nước thải). Bên cạnh đó, Việt Nam rất chú trọng đến kinh tế nên Bộ trưởng yêu cầu các chuyên gia nhanh chóng tính toán các chi phí và công bố trong thời gian sớm nhất để Việt Nam có thể tiến hành đầu tư công nghệ xử lý, giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước tại các khu vực đông dân cư và những vùng có cảnh quan đặc biệt.