BVR&MT – Mỗi năm, Việt Nam thải ra biển khoảng 0,28-0,73 triệu tấn rác thải nhựa (6% tổng lượng nhựa thải ra biển của thế giới), đứng thứ 4 trong danh sách các quốc gia có lượng nhựa thải ra biển nhiều nhất.
Phần lớn chất thải rắn tiếp nhận tại các bãi chôn lấp không được phân loại tại nguồn. Một lượng đáng kể chất thải nhựa được tái chế tại các làng nghề Việt Nam, như Trung Văn, Tân Triều, Tiên Dược (Hà Nội) và Minh Khai (Hưng Yên).
Tại các làng nghề này, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là các nguồn nước mặt. Không chỉ tái chế nhựa thải lấy từ các nguồn trong nước, các làng nghề này còn nhập khẩu phần lớn nguyên liệu nhựa thải từ nước ngoài.
Một số thành phố ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều chất thải nhựa trôi nổi trên biển từ các nguồn chất thải đô thị, sinh hoạt, nông nghiệp, bệnh viện, nuôi trồng thủy sản và giao thông vận tải biển.
Chỉ tính riêng tại thành phố Hạ Long, mỗi ngày cơ quan chức năng thu gom khoảng 7 tấn chất thải rắn để đưa vào bờ xử lý. Sau 3 chiến dịch thu gom rác từ năm 2016 đến 2019, tại 4km của Vịnh Hạ Long đã thu được 4 tấn rác thải, chủ yếu là chất thải nhựa và túi nylon.
Tại Cát Bà, trên 50% số lượng phao xốp nuôi trồng hải sản trong tình trạng cũ hỏng, rách vụn, trôi nổi xung quanh khu vực nuôi trồng thủy sản; 4,1% chất thải nhựa từ các nhà hàng và 7,9% chất thải nhựa từ các khách sạn không thể tái chế.
Huyện Cát Hải thu vớt lượng 10m3/ngày rác trôi nổi trên Vịnh, trong đó có 70% là nhựa.
Tại thành phố Đà Nẵng, năm 2019, 8-10% số rác thải rắn được thu gom là túi nylon và chai nhựa. Chính quyền thành phố đã nghiêm cấm người dân, du khách đem thức ăn xuống bãi biển, từ đó hạn chế túi nylon, chai nhựa tràn ra biển.
Hầu hết các nguồn thải từ nước mưa đều xả ra biển, sông hoặc ao hồ. Ngoài ra, chất thải do các hoạt động dịch vụ ven bờ biển thải trực tiếp xuống bãi cát và được cuốn ra biển khi thủy triều lên.
Giải pháp hàng đầu là giảm thiểu và tái sử dụng
Theo nghiên cứu của nhóm tác giả Lê Thị Hoàng Oanh, Trần Thị Lan Anh và Nguyễn Thị Phương Loan thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, những biện pháp tái chế chất thải nhựa được chia thành 4 nhóm là sơ cấp, thứ cấp, tam cấp và tứ cấp.
Sơ cấp là xử lý cơ học mảnh nhựa có lịch sử rõ ràng để tạo thành sản phẩm có tính chất tương đương; thứ cấp là xử lý cơ học nhựa đã sử dụng, tạo ra sản phẩm có chất lượng thấp hơn ban đầu; tam cấp thu hồi những thành phần của nhựa và phụ gia; tứ cấp tức là thu hồi năng lượng từ nhựa thải.
Tái chế sơ cấp rất đơn giản, chi phí thấp, nhưng chỉ áp dụng cho loại nhựa nhất định, vừa sạch vừa không nhiễm các hóa chất.
Việc sản xuất chai nhựa mới từ chai nhựa cũ là một ví dụ. Cụ thể, tái chế thứ cấp là quá trình xử lý vật lý nhựa thải, tạo ra các hạt theo phương pháp đùn thông thường sau khi tách nhựa ra khỏi các tạp chất khác.
Quá trình này liên quan đến việc thu gom, phân loại, làm sạch, sấy khô, làm nhỏ, tạo màu hoặc kết dính, ép viên, đùn nhựa để tạo ra sản phẩm cuối cùng.
Tái chế tam cấp, hay tái chế hóa học, hoặc tái chế nguyên liệu nhằm phân hủy nhựa thành các đơn vị cấu trúc hay các mảnh có khối lượng phân tử thấp khác, sau đó tái tạo.
Tái chế tam cấp rất hữu ích vì nó tuần hoàn vật chất, giảm sử dụng năng lượng và nguyên liệu cho quá trình sản xuất nhựa. Tuy vậy, tái chế tam cấp không phổ biến rộng rãi do tốn năng lượng và chưa bền vững về mặt kinh tế.
Còn tái chế tứ cấp hay thu hồi năng lượng là phương pháp hiệu quả nhất để giảm thể tích nhựa thải, tuy nhiên lại phát thải ra các chất độc trong khí thải và tro thải nên đòi hỏi phải kiểm soát chặt chẽ và không được ủng hộ theo quan điểm sinh thái.
Tiến sỹ Lê Thị Hoàng Oanh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định, về khía cạnh kỹ thuật, kinh tế, môi trường và xã hội, Việt Nam cần ưu tiên hàng đầu nhóm biện pháp giảm thiểu và tái sử dụng chất thải nhựa. Đặc biệt, chúng ta có cơ hội áp dụng các biện pháp thân thiện sinh thái trong quản lý nhựa.
Các biện pháp tái chế nhựa sơ cấp, thứ cấp và tứ cấp đã và đang được thực hiện tại Việt Nam, nhưng cần đầu tư lớn về công cụ kiểm soát ô nhiễm thứ cấp và các công cụ khác, như pháp lý, kinh tế và giao tiếp.
Việt Nam là quốc gia có lượng phát thải nhựa ra biển lớn hàng đầu thế giới, do hoạt động quản lý và xử lý chất thải nhựa còn nhiều bất cập.
Nhựa thải ở khu vực ven biển do các hoạt động đánh bắt cá và du lịch là nguồn thải trực tiếp vào đại dương, bên cạnh nguồn từ đất liền được vận chuyển theo các con sông ra biển.
Giống với các nước trên thế giới, hình thức tái chế sơ cấp, thứ cấp và tứ cấp được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam, nhưng khả năng kiểm soát ô nhiễm thứ cấp còn hạn chế.
Việt Nam nên đẩy mạnh việc khuyến khích tái sử dụng và tạo ra các vật liệu thay thế nhựa có nguồn gốc sinh học hoặc có thể phân hủy sinh học./.