Mỗi ngày cả nước thải hơn 67.877 tấn rác, việc thu gom xử lý còn lúng túng

BVR&MT – Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, từ đầu năm 2024 đến nay, mỗi ngày cả nước thải ra môi trường 67.877 tấn chất thải rắn sinh hoạt, song việc việc quản lý nguồn chất thải này còn phức tạp.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết từ năm 2019 đến nay, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tiếp tục gia tăng trên cả nước. Trong khi đó công tác thu gom, phân loại tại nguồn vẫn còn nhiều thách thức, chưa được triển khai phân loại đồng bộ.

Do vậy các tỉnh, thành phố cần khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân; bố trí quỹ đất và kinh phí đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trước ngày 1/1/2025.

Rác gia tăng, xử lý vẫn chủ yếu chôn lấp

Thông tin tại Hội thảo “Trao đổi về công tác triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương khu vực miền Bắc và miền Trung,” tổ chức ngày 16/8, ông Nguyễn Thành Lam – Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường nhấn mạnh việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt hiện còn khá phức tạp.

Số liệu của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho thấy lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trong năm 2019 là 64.658 tấn/ngày (trong đó lượng chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị là 35.624 tấn/ngày, nông thôn là 28.394 tấn/ngày). Đến nay, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh đã tăng lên hơn 67.877 tấn/ngày (trong đó lượng rác tại đô thị là hơn 38.143 tấn/ngày, nông thôn hơn 29.734,30 tấn/ngày).

Ông Lam cũng cho biết qua khảo sát thực tế, hiện nay công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt vẫn còn nhiều thách thức như: Việc triển khai phân loại rác tại nguồn chưa đồng bộ tại các địa phương; chưa cung cấp đủ dịch vụ thu gom tại nhiều khu vực nông thôn, miền núi; thiếu thiết bị thu gom vận chuyển đáp ứng yêu cầu; thiếu địa điểm tập kết, trung chuyển đáp ứng quy định dẫn đến tồn đọng chất thải rắn sinh hoạt kéo dài gây ô nhiễm môi trường, bức xúc cho người dân.

Trong khi đó cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên cả nước hiện mới có 1.548 cơ sở. Trong đó, cơ sở chôn lấp là 1.178 cơ sở (chiếm tới 76,10%), trong đó có nhiều cơ sở không hợp vệ sinh; cơ sở đốt chất thải rắn sinh hoạt là 340 cơ sở, chiếm 21,96%. Số còn lại là cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành mùn/phân hữu cơ là 30 cơ sở, chiếm tỷ lệ rất thấp là 1,94%.

Ngay như tại Hải Phòng – dù đã tích cực trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thế nhưng thực tế triển khai cũng còn khó khăn.

Ông Phạm Văn Thuấn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng cho biết theo thống kê, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại thành phố Hải Phòng hiện nay là 1.950 tấn/ngày. Để thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng đã thiết kế, in sổ tay và tờ rơi hướng dẫn phân loại tới tay người dân, song việc triển khai còn lúng túng.

Nguyên nhân theo ông Thuấn là bởi hiện còn nhiều bất cập giữa chính sách và thực tế phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Bên cạnh đó, phương tiện vận chuyển, thu gom hạ tầng phục vụ việc phân loại, tái chế xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại thành phố Hải Phòng cũng chưa đồng bộ…

Hội nông dân, hội phụ nữ đóng vai trò nòng cốt

Để hướng dẫn, hỗ trợ triển khai hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương theo quy định, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Hoàng Văn Thức cho biết ngày 2/11/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Ông Hoàng Văn Thức – Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Trong suốt gần 1 năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tập trung triển khai chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị – xã hội như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam để lan tỏa mạnh mẽ chính sách về phân loại chất thải rắn sinh hoạt đến cộng đồng.

“Trong tháng Bảy vừa qua, bộ tiếp tục có công văn đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ban hành các văn bản quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân; bố trí quỹ đất cho khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thực hiện việc giao đất kịp thời; bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt,” đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường nói.

Theo đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các nội dung trên phải được thực hiện tại các địa phương chậm nhất là ngày 31/12/2024.

Bà Nguyễn Thị Thủy – Phó Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) cho rằng thời gian tới các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền đưa luật đi vào cuộc sống; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn tuyên truyền đến nông dân; mỗi địa phương thành lập tổ, nhóm đội tuyên truyền; tập huấn quy trình thu gom, phân loại xử lý rác thải.

Về phía địa phương, ông Phạm Văn Thuấn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm ban hành định mức mức kinh tế – kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt để làm cơ sở cho các địa phương định giá tối đa áp dụng đối với chủ đầu tư, cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Cùng với đó, bộ cần sớm ban hành quy định về cơ chế hỗ trợ tài chính cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải từ Quỹ EPR – Đóng góp của các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế để hỗ trợ kinh phí các địa phương, các đơn vị nâng cao năng lực thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

“Thành phố sẽ phấn đấu đến năm 2026, 100% rác thải sinh hoạt được thu gom xử lý hợp vệ sinh, đóng cửa toàn bộ bãi rác mất vệ sinh. Thành phố sẽ tăng công suất về sản xuất mùn, phân lên 400 tấn/ngày vào năm 2025,” ông Thuấn nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ cần có một đề án, chương trình và dành kinh phí cho việc thu gom, xử lý, phân loại chất thải rắn sinh hoạt trong khu dân cư.

Ngoài ra, để triển khai hiệu quả công tác thu gom, xử lý, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các khu dân cư trên cả nước, các đại biểu đề xuất cần có sự vào cuộc của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, trong đó hội nông dân và hội phụ nữ đóng vai trò nòng cốt để tuyên truyền những chính sách, đường lối về xử lý chất thải rắn sinh hoạt./.

NGUỒNvietnamplus.vn
Tags:
CHIA SẺ