BVR&MT – Trong 6 tháng, Vinasing lắp đặt được 64 nhà vệ sinh, là điều đáng ghi nhận. Trong quá trình lắp đặt, những phát sinh, bất cập sẽ được ngành chức năng, địa phương, chủ đầu tư phối hợp giải quyết.
Chiều ngày 7/3, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Lê Minh Thơ, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và truyền thông Vinasing cho biết: Sau 6 tháng triển khai, đơn vị đã thi công và lắp đặt được 64 nhà vệ sinh (NVS). Trong đó, đã bàn giao 43 NVS cho Công ty vệ sinh môi trường đô thị Hà Nội. Hiện có 10 NVS đã hoàn thiện lắp đặt điện nước, đủ điều kiện vận hành từ 21/2/2017.
Như vậy, số lượng NVS của Công ty Vinasing được đưa vào sử dụng đến nay mới chỉ bằng 1%, so với con số 1.000 nhà vệ sinh mà doanh nghiệp này nhận, theo chủ trương xã hội hóa NVS của thành phố Hà Nội.
Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Triển khai dự án, Công ty Vinasing đã khảo sát và ký biên bản thống nhất với UBND phường, xã và Tổng công ty Vận tải Hà Nội được 416/528 vị trí đủ điều kiện lắp đặt nhà vệ sinh.
Tuy nhiên khi thực hiện, chính quyền một số địa phương chưa phối hợp tốt trong công tác bàn giao mặt bằng, nhiều hộ dân và cơ quan, tổ chức xung quanh khu vực dự kiến lắp đặt phản đối, yêu cầu ngừng thi công khi đang tiến hành lắp đặt như: Hè phố đường Văn Cao, tường rào Cung thể thao Quần Ngựa (số nhà 32 Văn Cao); vỉa hè Hồ Hàm Long, vườn hoa ven Hồ Tây, đối diện 121 Yên Hoa; vườn hoa Hồ Tây khu vực 322 Lạc Long Quân…
Về phía nhà đầu tư cũng chưa phối hợp tốt với cơ quan, đơn vị quản lý để xin cấp phép và thi công đấu nối đường điện, cấp nước và thoát nước thải. Việc khảo sát xác định chính xác hệ thống công trình ngầm tại các vị trí lắp đặt gặp khó khăn dẫn đến nhiều vị trí khi thi công đào móng phải lấp lại do vướng công trình ngầm.
Ông Lê Văn Thơm thừa nhận: “Do mới thi công trong lĩnh vực này nên đơn vị chưa tính hết điều kiện khách quan như xả nước. Do đó, đơn vị thiết kế thêm bơm cao áp để tăng áp lực nước. Đơn vị đã sản xuất được 165 NVS, nhưng do khó khăn về vị trí nên mới lắp đặt được 64 NVS. Trong quý I/2017, doanh nghiệp phấn đấu lắp 100 NVS. Đến cuối năm 2017, sẽ lắp đặt được 250 NVS”.
Trước khi Vinasing triển khai dự án, trên địa bàn Hà Nội hiện có 371 NVS và trong 5 năm qua, thành phố không xây mới được NVS nào. Do đó, NVS công cộng trên địa bàn còn thiếu, nhất là khu vực công cộng như điểm đỗ xe buýt, khu di tích, vườn hoa, công viên, khu vực chợ… Điều này chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân và khách du lịch.
Trong điều kiện còn khó khăn từ ngân sách, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định chủ trương đầu tư các NVS công cộng bằng hình thức xã hội hóa, đổi lại Vinasing sẽ được quảng cáo tại một số cầu vượt.
“Trong 6 tháng, Vinasing lắp đặt được 64 NVS là điều đáng ghi nhận. Trong quá trình lắp đặt, những phát sinh, bất cập sẽ được ngành chức năng, địa phương, chủ đầu tư phối hợp giải quyết”, ông Lê Văn Dục, giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết.
Để đạt tiến độ như cam kết, Sở Xây dựng kiến nghị các quận huyện giao trách nhiệm cụ thể UBND các phường phối hợp với Vinasing triển khai lắp đặt và có chế tài xử lý với lãnh đạo địa phương gây khó khăn cho lắp đặt.
“Đối với NVS đã bàn giao cho Công ty TNHH môi trường đô thị Hà Nội sẽ xây dựng cơ chế duy trì, quy trình vận hành. Tạm thời đến hết quý II/2017 phục vụ không thu phí, từ quý III/2017 sẽ thực hiện thu phí theo mức phí thành phố quy định”, ông Lê Văn Dục cho biết thêm.