BVR&MT – Sản xuất lúa theo hướng tiên tiến giúp giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm ô nhiễm môi trường, tăng năng suất, chất lượng lúa. Trên thực tế, ở vùng đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, thông minh, VietGAP… trong vụ đông xuân 2021-2022 đã mang lại lợi nhuận cao hơn so với việc không áp dụng mô hình từ ba đến tám triệu đồng/ha.
Vụ đông xuân 2021-2022, khu vực đồng bằng sông Cửu Long xuống giống khoảng 1,5 triệu ha, năng suất ước đạt 72,51 tạ/ha, sản lượng ước đạt gần 11 triệu tấn. Qua thống kê, trong vụ đông xuân này, diện tích thực hiện cánh đồng lớn ước đạt 160 nghìn ha, giảm 20 nghìn ha so với vụ đông xuân trước. Nguyên nhân là do một số nơi sản xuất chưa có liên kết với doanh nghiệp cho nên đầu ra chưa bảo đảm, dẫn đến phát triển của cánh đồng lớn thiếu ổn định.
Mặc dù diện tích cánh đồng lớn giảm, nhưng hiện nay hầu hết các địa phương có hơn 22,4 nghìn ha mô hình sản xuất lúa nổi bật khác thay thế như: Mô hình sản xuất lúa được chứng nhận VietGAP với 839 ha, trong đó, tại Tiền Giang 369 ha và Long An là 470 ha; mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 45,89 ha tại Hậu Giang; mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với diện tích 6.168 ha, trong đó tại Trà Vinh 348 ha, Sóc Trăng 4.932 ha (thực hiện từ năm 2018 đến nay), Cà Mau 796 ha, Đồng Tháp 21 ha và Bến Tre 50 ha. Ngoài ra, còn có các mô hình canh tác lúa ứng dụng công nghệ cao tại Long An 6.640 ha…
Đặc biệt, trong vụ đông xuân 2021-2022, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Công ty cổ phần phân bón Bình Điền thực hiện chương trình canh tác lúa thông minh với 24 mô hình, 96 hộ dân thuộc 13 địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long tham gia đã mang lại diện mạo mới trong canh tác lúa ở khu vực này. Điều đáng nói, khi sản xuất theo mô hình lúa thông minh, lượng giống gieo sạ là 75,7 kg/ha, so với bình quân ruộng đối chứng giảm được 36,3 kg.
Hơn nữa, các ruộng thực hiện canh tác lúa thông minh đều có năng suất tăng so với mô hình đối chứng. Qua tổng hợp các mô hình phổ biến đạt mức tăng khoảng 10%, trong đó mô hình sản xuất tại Cầu Ngang (Trà Vinh) và Tháp Mười (Đồng Tháp), năng suất tăng hơn 20%. Bên cạnh đó, một số mô hình đã tiết giảm chi phí đầu tư hơn 3 triệu đồng/ha, cá biệt có mô hình giảm gần 8 triệu đồng/ha.
Nhờ vậy, lợi nhuận đã tăng lên từ 2 đến 4 triệu đồng/ha, một số mô hình có lợi nhuận gần 10 triệu đồng/ha như ở Gò Quao (Kiên Giang), Cầu Ngang (Trà Vinh), Châu Thành (Đồng Tháp). Theo đánh giá, hầu hết các mô hình sản xuất lúa đều giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hạn chế đốt rơm rạ, giảm ô nhiễm môi trường, giúp giảm lượng phân bón, tăng sức đề kháng cho cây, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật. Sản phẩm làm ra có đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho người dân, tạo được vùng nguyên liệu, hướng đến sản xuất bền vững.
Huyện Gò Công Tây là địa phương triển khai cho nông dân sản xuất lúa theo quy trình hữu cơ, liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu gạo ra nước ngoài. Trong đó, vụ đông xuân 2021-2022, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn HK triển khai mô hình “Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ an toàn, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định châu Âu” với diện tích 132 ha tại các xã Đồng Thạnh, Bình Phú, Thạnh Trị, Yên Luông…
Nông dân Nguyễn Hữu Việt, xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây, tham gia mô hình này cho biết: “Kết thúc vụ đông xuân 2021-2022, gia đình tôi thu hoạch được 8 tấn/ha, giá bán lúa tại ruộng 6.800 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, còn lãi được 10 triệu đồng”. Tham gia mô hình này, nông dân được hỗ trợ 100 kg lúa giống, 54 kg phân hữu cơ/ha. Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện còn tổ chức tập huấn đầu vụ, hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn nông dân bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình, ứng dụng các chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và trồng hoa trên bờ ruộng để thu hút thiên địch.
Ngoài ra, Công ty Trách nhiệm hữu hạn HK bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra, với giá cao hơn giá lúa trên thị trường bình quân 200 đồng/kg.
Hiện nay, tỉnh Tiền Giang có gần 370 ha lúa đạt chứng nhận VietGAP và 200 ha sản xuất theo hướng hữu cơ tại các huyện Cai Lậy, Gò Công Tây và Gò Công Đông. Khi sản xuất đạt chứng nhận VietGAP, hữu cơ, các mô hình đều sử dụng giống xác nhận, giảm lượng giống trong gieo sạ, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… so với sản xuất truyền thống cho nên giảm được chi phí mà hiệu quả lại cao. Điển hình là sản xuất lúa theo VietGAP, hữu cơ dù năng suất không tăng nhưng chất lượng lại tăng.
Ngoài ra, lúa ở các mô hình được doanh nghiệp cung ứng vật tư, kỹ thuật, giống đầu vào và bao tiêu đầu ra, giá cao hơn so với ngoài mô hình từ 100 đến 500 đồng/kg, lợi nhuận cũng cao hơn, trung bình khoảng 4,6 triệu đồng/ha/vụ, nông dân yên tâm sản xuất, cải thiện thu nhập, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng… Tuy nhiên, việc sản xuất lúa theo VietGAP, hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đòi hỏi kỹ thuật cao cho nên phần lớn người dân không mặn mà tham gia.
Hơn nữa, giá bán sản phẩm lúa theo VietGAP, hữu cơ thời gian qua bằng hoặc tăng 10% so với giá thị trường, song mức giá này chưa đáp ứng yêu cầu của người nông dân. Nhiều tổ chức được hỗ trợ chứng nhận VietGAP lần đầu nhưng không chứng nhận lại do không đủ kinh phí thực hiện. Nhiều mô hình sản xuất theo GAP nhưng chưa gắn kết được với doanh nghiệp, dẫn tới đầu ra sản phẩm không ổn định.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung rà soát vùng nguyên liệu để hỗ trợ đào tạo, tập huấn, chứng nhận VietGAP hay hữu cơ theo yêu cầu thị trường; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm được chứng nhận VietGAP, hữu cơ; chú trọng quảng bá, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì nhãn mác và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá, tiêu thụ những sản phẩm VietGAP, hữu cơ; kết nối với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ từng bước hình thành chuỗi cung ứng khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ…