BVR&MT – Với sự phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, đến nay khu vực kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) đã xuất hiện nhiều loại hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả; từng bước khẳng định vị trí, vai trò trong nền kinh tế quốc dân. Mặc dù vậy, trong bối cảnh nền kinh tế cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhất là dưới tác động của dịch Covid-19, những điểm yếu vốn tồn tại từ lâu của khu vực này sẽ lại bộc lộ nếu không có thêm các trợ lực hợp lý, kịp thời.
Nâng giá trị, tạo chỗ đứng cho sản phẩm
Trong số hơn 25 nghìn HTX, gần 130 nghìn tổ hợp tác trên cả nước, chiếm tới 64% (tương đương với hơn 16.200 HTX) là HTX nông nghiệp. Con số này cho thấy, lĩnh vực nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển KTTT. Tuy nhiên, đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp vẫn còn khá bấp bênh, sức tiêu thụ còn hạn chế, sức cạnh tranh kém, dẫn đến nông sản thường bị lép vế ngay trên sân nhà, chưa nói đến xuất khẩu. Vì vậy, theo chia sẻ của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, trong điều kiện hội nhập hiện nay, để phát triển kinh tế hợp tác, HTX, con đường tất yếu là xây dựng những HTX kiểu mới gắn với doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần bảo đảm hiệu quả sản xuất.
Thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam đã xây dựng các HTX sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị tại 63 tỉnh, thành phố, hỗ trợ kinh tế 14 mô hình phát triển sản xuất, hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho tám mô hình. Ðồng thời Liên minh HTX các tỉnh phối hợp các sở, ngành, địa phương hỗ trợ gần 600 mô hình phát triển theo chuỗi. Ðến nay đã có hơn 1.700 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, công nghệ cao (tăng 15,2% so cùng kỳ năm 2019), trong đó có 1.147 HTX nông nghiệp phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm. Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh nhận định, đến nay, mô hình HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của quốc gia, vùng, địa phương đang ngày càng mở rộng, trở thành xu thế tổ chức sản xuất để HTX nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững. “Chuỗi giá trị nông sản phát triển mạnh ở khâu sản xuất và tăng trưởng mạnh về thị trường. Tuy nhiên, khâu tổ chức phân phối còn yếu, liên kết giữa HTX và các tác nhân trong chuỗi giá trị chưa bền vững” – ông Nguyễn Văn Thịnh phân tích rõ.
Theo PGS, TS Ðào Thế Anh, Phó Viện trưởng Khoa học nông nghiệp Việt Nam, nhiều HTX, doanh nghiệp đã tự nguyện hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp bởi họ nhận thức được việc phát triển giá trị theo chuỗi sẽ giúp cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy vậy, các HTX và doanh nghiệp nhỏ khi tham gia chuỗi cũng đang gặp không ít khó khăn, thách thức khi chi phí đầu tư vào sản xuất, giao dịch cao, công nghệ chế biến thấp, chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chưa kể, hệ thống hạ tầng còn thiếu đồng bộ, thiếu các trung tâm đầu mối lớn để bán và giới thiệu sản phẩm. Vì vậy, để thúc đẩy chuỗi giá trị đối với HTX cần có chính sách thu hút đầu tư vào khu vực HTX nông nghiệp như: thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, sinh viên các trường đại học khi ra trường có thể về làm cho các HTX; cần đầu tư xây dựng thương hiệu, kết nối thị trường và sản xuất, sơ chế, chế biến theo tiêu chuẩn đặt hàng của thị trường xuất khẩu cũng như tiếp tục miễn thuế cho các HTX nông sản khi xuất khẩu.
Cục trưởng Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Ðức Thịnh cũng nhấn mạnh một số giải pháp thúc đẩy khuyến khích các HTX tham gia liên kết chuỗi giá trị. Ðó là cần xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi về tín dụng, đất đai, thuế, hỗ trợ bồi dưỡng đào tạo, xúc tiến thương mại và ứng dụng khoa học – kỹ thuật, công nghệ mới, đầu tư kết cấu hạ tầng, bảo hiểm nông nghiệp, phòng ngừa rủi ro. Cụ thể, chính sách đất đai là rào cản mà nhiều HTX, liên hiệp HTX đang gặp phải trong quá trình xây dựng chuỗi giá trị xuất khẩu. Việc miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi hoàn thiện vùng chuyên canh nông sản xuất khẩu, tạo vùng nguyên liệu ổn định, cung cấp cho thị trường.
Giải tỏa “cơn khát” vốn
Thiếu vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất cũng đang tạo lực cản lớn đối với KTTT, HTX, đòi hỏi các giải pháp mạnh mẽ, kịp thời. Ðơn cử như HTX Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường tham gia liên kết chuỗi giá trị thịt lợn sạch ở tỉnh Nam Ðịnh, hiện nay đang thực hiện cả bốn khâu liên kết: liên kết cung ứng vật tư đầu vào; tổ chức sản xuất cho các thành viên; giết mổ lợn; cung ứng thịt lợn cho cửa hàng bán lẻ thực phẩm sạch. HTX đóng vai trò tác nhân chính điều phối các hoạt động liên kết trong chuỗi. Ưu điểm khi tham gia hình thức liên kết này, HTX hoàn toàn chủ động trong việc tổ chức sản xuất dựa trên khả năng của các thành viên và HTX, đồng thời có thể chủ động lựa chọn các đối tác liên kết cung ứng đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra sao cho thành viên và HTX có lợi nhất. Tuy nhiên, thách thức lớn hiện nay là rất khó tiếp cận vốn từ các ngân hàng do không có tài sản thế chấp để đầu tư thiết bị giết mổ, bảo quản, vận chuyển thịt lợn sạch cũng như đầu tư xây dựng nhà xưởng, quầy bán lẻ tại trụ sở của HTX.
Không chỉ thiếu vốn đầu tư dài hạn cho xây dựng nhà xưởng, kho chế biến, bảo quản…, vốn lưu động để quay vòng sản xuất, kinh doanh cũng đang là vấn đề khiến nhiều HTX lo lắng. Chủ tịch HÐQT kiêm Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa (Nam Ðịnh) Lê Văn Bản chia sẻ, bình quân từ lúc cá nhỏ đến khi thu hoạch, HTX cần bốn đến năm tấn cám/ngày. “Do khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, hiện các HTX thiếu vốn đều phải dựa vào các doanh nghiệp. Song với trung bình một bao cám (30% đạm) có giá 350 nghìn đồng, nếu mua “chịu”, HTX phải chi phí thêm cho mỗi bao 10 nghìn đồng cộng với lãi suất tùy từng thời điểm doanh nghiệp áp dụng. Ðiều này khiến gánh nặng chi phí càng đè nặng lên các thành viên” – ông Lê Văn Bản nói. Do vậy, HTX mong muốn các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho HTX được vay vốn lưu động lãi suất thấp để sản xuất, kinh doanh.
Ðồng quan điểm, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX (Liên minh HTX Việt Nam) Phạm Công Bằng cho biết, thực tế các HTX tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng rất ít và khó khăn. Theo khảo sát của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, chỉ có 0,5% số HTX tiếp cận được vốn vay của các tổ chức tín dụng, hơn 80% số HTX phải vay từ thị trường tín dụng phi chính thức như mua chịu vật tư, phân bón và vay với lãi suất rất cao và thời hạn ngắn từ thị trường. “Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều HTX quy mô nhỏ, thiếu tài sản thế chấp; các ngân hàng còn mặc cảm với HTX kiểu cũ, chưa đi sâu tìm hiểu, đánh giá về HTX kiểu mới để thực hiện các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định, ngại cho vay món nhỏ với chi phí dịch vụ cao” – ông Phạm Công Bằng chia sẻ.
Hiện nay, “bà đỡ” về nguồn vốn cho các HTX chủ yếu là Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam và 55 quỹ hỗ trợ phát triển HTX trực thuộc Liên minh HTX cấp tỉnh do ngân sách nhà nước cấp vốn điều lệ để hoạt động. Ðến tháng 7-2020, tổng vốn hoạt động là 2.011 tỷ đồng, đã cho vay đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu vốn của HTX. Các quỹ hoạt động có điều kiện thuận lợi là bám sát và nắm chắc tình hình hoạt động của HTX, chi phí làm thủ tục và thẩm định hồ sơ vay vốn thấp, đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời theo mùa vụ, kết hợp cho vay vốn với tư vấn, hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị và cung ứng các dịch vụ để HTX sử dụng có hiệu quả vốn vay, bảo đảm khả năng thu hồi nợ cả gốc và lãi. Tuy nhiên, các quỹ có vốn điều lệ ít, cơ chế hoạt động gặp vướng mắc và đang chờ nghị định được ban hành trong thời gian tới.
Ðơn cử như với Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX (Liên minh HTX Việt Nam), theo quy định tại Quyết định số 23 ngày 22-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ thì “Vốn điều lệ của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX do ngân sách nhà nước cấp từ nguồn chi đầu tư phát triển đến năm 2020 đạt 1.000 tỷ đồng”. Song đến hết tháng 7-2020, Quỹ mới được ngân sách nhà nước cấp vốn điều lệ 450 tỷ đồng. Ông Phạm Công Bằng cho biết thêm, với số vốn điều lệ được cấp 450 tỷ đồng, Quỹ đã sử dụng để cho vay các HTX với hiệu suất sử dụng vốn cao, đến hết ngày 31-7 dư nợ đạt 361 tỷ đồng (chiếm 80,2% vốn điều lệ), ước dư nợ đến ngày 30-9 đạt 447 tỷ đồng (chiếm 99,3% vốn điều lệ). Do đó, đến ngày 30-9, vốn điều lệ được cấp được sử dụng hết cho các HTX vay vốn theo mục tiêu hoạt động của Quỹ, nếu không được bổ sung vốn điều lệ, sau ngày 30-9, hàng trăm dự án đầu tư của các HTX đủ điều kiện cho vay nhưng không có nguồn để đáp ứng.
Như vậy có thể thấy, nhu cầu vay vốn hiện nay và trong những năm tới của HTX rất lớn. Trong khi khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng gặp nhiều khó khăn, trở ngại, việc đề xuất Chính phủ và các bộ liên quan cấp vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX từ vốn đầu tư công năm 2020 và giai đoạn 2021 – 2025 để mở rộng tín dụng hỗ trợ vốn cho HTX phát triển sản xuất, kinh doanh là thật sự cần thiết, góp phần bảo đảm ổn định đời sống cho xã viên cũng như sự phát triển bền vững của các HTX, một thành phần kinh tế quan trọng, không thể tách rời trong tổng thể nền kinh tế của nước ta.