BVR&MT – Xín Mần, Hoàng Su phì là hai huyện phía Tây của tỉnh Hà Giang, nơi cư trú của các dân tộc Nùng, Dao đỏ, La Chí, Cờ Lao,… là miền đất chứa đựng những nét văn hóa nguyên sơ đậm đà bản sắc. Trái với sắc đá kiên cường của các huyện Cao nguyên đá, hai huyện phía Tây chìm trong sắc xanh êm dịu của núi rừng. Dưới chân Đèo Gió và Đỉnh Tây Côn Lĩnh là những nếp nhà sàn, những thảm ruộng bậc thang ngút ngàn vang khúc nhạc hoang sơ không kém phần hấp dẫn với du khách thập phương.
Đến miền Tây Hà Giang là hòa mình vào trời mây và núi rừng, là thưởng ngoạn những nét đặc sắc văn hóa bản địa của các dân tộc ít người vẫn còn được lưu giữ gần như nguyên vẹn. Xín Mần thuộc diện khó khăn nhất trong các huyện miền núi, nơi đây có những địa danh xa xôi và hoang sơ, ít bị tác động bởi cuộc sống bên ngoài, như: Quảng Nguyên, Cốc Rế, Thu Tà, Pà Vầy Sủ, Nàn Xỉn,… bà con người Nùng, Mông, Phù Lá vẫn giữ nếp sống và phong tục cha ông để lại tạo dấu ấn riêng cho địa phương. Trước những biến động của cuộc sống hiện đại, Xín Mần vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc, đó là điểm nhấn để phát huy giá trị văn hóa phục vụ kinh tế – xã hội và du lịch. Nếu ai từng vượt qua Đèo Gió, cảm nhận sự mát lạnh tinh khôi của trời đất và thiên nhiên, rồi đến Cốc Pài – thị trấn nơi rẻo cao bên dòng sông Chảy, ngược lên Nàn Ma với những nương lúa nếp chín vàng dưới thảo nguyên Suôi Thầu miên man sẽ không thể nào quên. Đến Xín Mần là cảm nhận những nét văn hóa nguyên bản, hòa mình vào cuộc sống của đồng bào dân tộc sinh sống trên mảnh đất còn nhiều gian nan nhưng kiên cường này. Sự khó khăn về địa hình, giao thông lại tạo sức hút, tiềm năng cho hoạt động du lịch khám phá, trải nghiệm, và khám phá những giá trị cổ xưa của bà con dân tộc. Năm 2019, lượng du khách đến với Xín Mần đạt 29.136 lượt; trong đó, khách quốc tế là 4.092 lượt, doanh thu đạt 14 tỷ 568 triệu đồng.
Nếu mùa Đông là mùa đẹp nhất ở Cao Nguyên đá với sắc tím biêng biếc của Tam giác mạch thì miền Tây đẹp nhất vào mùa Thu. Mùa vàng Hoàng Su Phì bắt đầu từ giữa tháng 9 khi những con cá Chép ruộng được bà con tháo nước bắt về. Ruộng bậc thang bắt đầu chín rộ ở Nậm Ty, Bản Luốc, Tả Sử Chóong, Nàng Đôn,… các thôn xóm, nếp nhà nép mình bên bờ ruộng, nương lúa vang vọng tiếng gọi nhau vào mùa. Chạy dọc theo những con đường bê tông liên thôn uốn lượn dưới tán rừng nhuộn vàng lá Thu và ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang đa hình khối là sự thưởng ngoạn khó quên của những người từ nơi thị thành tới. Hệ thống ruộng bậc thang Hoàng Su Phì được du khách khắp nơi đánh giá là đẹp nhất Việt Nam bởi sự đa dạng về quần thể ruộng trải dài ở các xã, được tạo tác từ bàn tay của bao đời người dân miền đất “Vỏ cây vàng”. Mùa nước đổ hay mùa lúa chín đều khiến những du khách, những nhiếp ảnh gia từ khắp mọi miền Tổ quốc tìm đến và say đắm bởi vẻ đẹp của con người và thiên nhiên tạo tác. Tập quán nuôi cá Chép ruộng vẫn được duy trì, những khu ruộng ngay sát nhà được đồng bào đắp bờ chắc chắn để thả cá là điểm nhấn thu hút du khách đến mảnh đất này chiêm ngưỡng và trải nghiệm.
Hoàng Su Phì là quê hương của người Dao đỏ, người La Chí; giống như các dân tộc ít người vùng cao phía Bắc, bà con ở đây làm nhà ngay cạnh khu ruộng của mình, những xóm nhỏ từng cụm 5 – 6 nóc nhà trên một quả đồi, xung quanh là ruộng bậc thang. Lối đi giữa các gia đình là những con đường mòn quanh co bên rìa những thửa ruộng, một khoảng vườn để trồng rau, một khóm chuối, vài ba cây mận, lê, đào tạo sự hài hòa cho khung cảnh thanh bình, nên thơ của miền núi. Những địa danh như: Chiêu Lầu Thi, Bản Phùng không chỉ mang vẻ đẹp nguyên sơ của thiên nhiên mà còn là những cái nôi văn hóa của người dân tộc Dao đỏ, La Chí. Ở các địa phương này, cuộc sống của người dân hài hòa với thiên nhiên và những phong tục đặc sắc riêng có của dân tộc.
Về miền Tây của Hà Giang là hòa vào những cung bậc cảm xúc và đắm chìm trong không gian văn hóa nguyên bản với những giá trị xưa cũ vẫn được bảo tồn.