BVR&MT – Mèo Vạc là huyện vùng cao biên giới và là một trong 6 huyện nghèo của Hà Giang được thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.
Trên mảnh đất huyện Mèo Vạc chủ yếu là đồi núi đá, địa hình chia cắt mạnh, nguồn đất và nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn…Bên cạnh đó, huyện Mèo Vạc là nơi cư trú chủ yếu của đồng các dân tộc thiểu số như Mông, Na Chí, Hoa, Nùng, Sán Dìu, Lô Lô…trình độ dân trí thấp là một trong những khó khăn lớn trong quá trình áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào chăn nuôi. Bên cạnh đó, khả năng nắm bắt thông tin thị trường và kết nối với thị trường của người dân huyện Mèo Vạc còn nhiều hạn chế; các loại hình dịch vụ phục vụ cho chăn nuôi còn chậm phát triển…. Tuy nhiên, trong những năm qua, ngành chăn nuôi gia súc (chủ yếu là chăn nuôi bò) gắn với trồng cỏ của huyện Mèo Vạc đã có những bước phát triển vượt bậc và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân xóa đói giảm nghèo bền vững và từng bước vươn lên làm giàu từ chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa.
Đối với huyện Mèo Vạc, nguồn đất phục vụ cho trồng trọt các loại cây trồng trong nông nghiệp gặp nhiều khó khăn (do đất chủ yếu là đá). Xuất phát từ thực tiễn đó, huyện Mèo Vạc đã xác định, muốn phát triển nông nghiệp phải dựa chủ yếu vào phát triển chăn nuôi gia súc gắn với trồng cỏ thâm canh; trong đó, phát triển chăn nuôi bò hàng hóa là mục tiêu chủ yếu. Mục tiêu của huyện Mèo Vạc phấn đấu trở thành huyện chăn nuôi gia súc hàng hóa (chủ yếu là chăn nuôi bò) lớn nhất của tỉnh vào năm 2020. Từ mục tiêu đó, huyện Mèo Vạc phấn đấu đến năm 2020, có tổng số đàn gia súc đạt trên 65.000 con, riêng đàn bò đạt trên 33.800 con; tổng thu nhập từ chăn nuôi bò hàng hóa đạt trên 38% tổng thu nhập về sản xuất nông nghiệp của toàn huyện.
Từ những giải pháp và quyết tâm, trong những năm qua, bằng việc thành lập các HTX, các tổ hợp tác phục vụ cho phát triển chăn nuôi gia súc; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ KHKT vào trong quá trình cải tạo và phát triển đàn bò; cho đến nay ngành chăn nuôi gia súc (chủ yếu là chăn nuôi bò) của huyện Mèo Vạc đã có những bước tăng trưởng đáng khích lệ, giá trị của ngành chăn nuôi (tính đến cuối năm 2017) chiếm trên 47% cơ cấu của ngành nông nghiệp (tăng 5,7% so với năm 2016). Ngoài ra, các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa gắn với mở rộng diện tích trồng cỏ luôn được ưu tiên thực hiện đã tạo điều kiện hình thành nên các gia trại và các trang trạng chăn nuôi bò hàng hóa tập trung với qui mô ngày càng lớn.
Ông Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Xuất phát từ điều kiện tự nhiên, để phát triển kinh tế, huyện Mèo Vạc phải tập trung phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa mà chủ yếu là chăn nuôi bò gắn với mở rộng diện tích trồng cỏ. Từ mục tiêu đó, trong những năm qua, huyện Mèo Vạc đã có nhiều chích sách nhằm khuyến khích người dân mở rộng qui mô chăn nuôi gia súc mà chủ yếu là chăn nuôi bò. Nhờ đó, thu nhập từ chăn nuôi gia súc nói chung và chăn nuôi bò nói riêng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân xóa đói giảm nghèo bền vững. Từ những thành công bước đầu, huyện Mèo Vạc xác định phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.
Văn Phú