MT&ĐS – Năm 2016, những cánh đồng chết khô, đàn trâu bò chết khát, nước sạch đắt như vàng, nước biển tràn tới cửa nhà,… cuộc sống của người dân các vùng ĐBSCL, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ bị đảo lộn hoàn toàn; sản xuất nông nghiệp bị tàn phá bởi hạn hán, xâm nhập mặn. Thiệt hại nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm qua, ước tính lên tới hơn 15.000 tỷ đồng.
Những tháng đầu năm 2016, trong khi người dân ở các tỉnh miền Bắc hứng chịu những đợt rét kỷ lục thì người dân các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, ĐBSCL lại chịu cảnh hạn mặn lịch sử do bị ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino.
Trong đợt hạn mặn ấy, những cánh đồng trù phú ở ĐBSCL, Nam Trung Bộ, bị “thiêu rụi”, cây cối hoa màu chết khô do thiếu nước. Ở Tây Nguyên, những đồi cà phê bạt ngàn đã “chết cháy” và hóa thành củi cũng là do thiếu nước.
Trong khi đó, nhiều vùng nuôi tôm thì tôm không lớn nổi do nước mặn xâm nhập, những vùng nuôi hàu thì hàu chết, trâu bò cũng chết khát vì thiếu nước. Những tháng đầu năm, chẳng khó khăn gì để thấy hình ảnh người dân ứa nước mắt khi nhìn hàng ngàn tấn hàu chết do xâm nhập mặn hay ngồi thẫn thờ trên cánh đồng lúa đang chết cháy và có nguy cơ trắng tay, ôm nợ vì ngập mặn.
Cuộc sống của người dân ở những vùng này bị đảo lộn hoàn toàn. Để cứu được những cây lúa, cây cà phê,… họ phải ngày đêm đào giếng bơm nước ngọt tưới cho cây trồng đang dần chết khát, phải mua rơm khô với giá đắt đỏ để cho bò ăn vì đồng ruộng đã chết khô. Thậm chí, người dân còn phải mua nước sạch dùng cho sinh hoạt. Đơn cử như tỉnh Bến Tre, nước ngọt còn được ví như vàng ròng bởi tiền người dân bỏ ra mua nước ngọt sinh hoạt đắt gấp nhiều lần tiền bỏ ra mua gạo ăn.
Tại thời điểm đó, trong hội thảo với các đối tác phát triển và nhà tài trợ ứng phó khẩn cấp tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long ngày 15/3/2016, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT khi đó, ông Cao Đức Phát thừa nhận, ngoài thiệt hại về lúa, cây ăn quả, hoa màu, thủy sản, chăn nuôi,… đời sống của người dân cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do thiếu nước sạch.
Ông Phát dẫn chứng, ở Hà Nội nước sạch chỉ có 5.000 đồng/m3 nhưng ở Bến Tre, người dân đang phải mua nước sinh hoạt với giá 60.000-80.000 đồng/m3. Các trường học, khách sạn, bệnh viện cũng không có nước sạch, nhiều nơi còn phải dùng nước mặn loãng để làm nước sinh hoạt hàng ngày.
Thực tế, theo số liệu của Vụ Kinh tế Nông nghiệp, hạn mặn khiến các khu vực bị ảnh hưởng nặng là Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và ĐBSCL. Cụ thể, khu vực Nam Trung Bộ đã có gần 23.000ha đất lúa phải dừng sản xuất do thiếu nước. Các tỉnh có diện tích thiệt hại lớn nhất là Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hoà.
Thiếu nước và hạn hán ảnh hưởng lớn đến diện tích cây công nghiệp ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ với tổng tổng diện tích lần lượt là 15.823ha và 28.000ha.
Tính đến hết tháng 5, số hộ thiếu nước sinh hoạt là 288.259. Thiệt hại về lúa lên tới 249.944 ha, hoa màu 18.960 ha, cây ăn quả 30.522 ha, cây công nghiệp 149.704 ha, thủy sản là 6.857 ha,… Ước tính hạn hán, xâm nhập mặn đã làm thiệt hại khoảng 15.183 tỷ đồng.
Thiên tai đã tàn phá ngành nông nghiệp, dẫn đến hậu quả là tăng trưởng âm 0,18% trong 6 tháng đầu năm.
Thủy điện ngăn dòng, sông Mekong cạn nước
Câu chuyện biến đổi khí hậu, nhiệt độ trái đất nóng lên, nước biển dâng cao không còn quá xa lạ, bởi Việt Nam là một trong những nước phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất do có diện tích bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam.
Điều nghiêm trọng hơn, sông Mekong – nguồn nước mẹ trong thời kỳ bùng nổ của các đô thị châu Á, người ta nhìn thấy đó còn là nguồn điện mẹ. Thế là, vai trò tưới tiêu, điều hòa nước của dòng Mekong bị chuyển đổi với tốc độ chóng mặt.
Những đập thuỷ điện lớn, ngoài việc phá không gian sống của dân bản địa và hệ sinh thái chính nơi nó được xây dựng, còn điều phối lại nước ở hạ nguồn. Khu vực này là nơi sinh sống của hàng chục triệu con người, một tỷ lệ lớn phụ thuộc vào tài nguyên nước.
Cảnh báo đó đã thành hiện thực khi những tháng đầu năm 2016, biến đổi khí hậu cộng với việc ngăn dòng Mekong để làm thủy điện đã để lại những hậu quả nặng nề cho ĐBSCL.
Thế nhưng, chỉ khi những cánh đồng dần chết cháy do mưa ít, không có nước ngọt từ thượng nguồn đổ về, xâm nhập mặn đã đến cửa nhà dân thì chúng ta mới bắt đầu “ngồi” lại để cùng bàn các giải pháp đối phó với “chống hạn, chống mặn”.
Trong lúc còn ngồi họp bàn về việc trồng cây gì, nuôi con gì, chuyển đổi mùa vụ ra sao, quản lý thủy lợi trữ nước ngọt, xây cống ngăn mặn như thế nào,… thì tình hình hạn mặn vẫn phó mặc cho “trời” và trông chờ phía trên thượng nguồn sông Mekong xả đập thủy điện.
Giải pháp trước mắt, bà con vùng hạn mặn được cứu đói 15kg gạo/người/tháng. Bên cạnh đó, xây dựng cấp bách hệ thống dẫn nước, chở nước đến cho người dân, hỗ trợ thiệt hại 2 triệu đồng/ha để người dân mua giống trồng vụ lúa sau đối với vùng lúa chết.
Cũng may, trong lúc nguy cấp, tới giữa tháng 3/2016, thủy điện trên thượng nguồn đã tiến hành xả nước. Hạn mặn ở các tỉnh ĐBSCL nhờ đó được đẩy lùi.
Bên cạnh đó, cuối tháng 4, đầu tháng 5, tại các tỉnh miền Tây cũng xuất hiện những “cơn mưa vàng” giúp giảm độ mặn trên những con sông và cứu nhiều diện tích hoa màu đang có nguy cơ bị chết cháy.
Tuy nhiên, về lâu dài, theo chuyên gia nông nghiệp cần chấp nhận và nên coi hạn mặn là bạn, biến hạn mặn thành lợi thế để làm giàu. Tư duy hạn mặn là kẻ thù không còn phù hợp nữa. Rất cần một kịch bản cụ thể, giải pháp hiệu quả để người dân có thể chung sống cùng với hạn mặn. Bởi, trong những năm tới, biến đổi khí hậu còn phức tạp hơn nhiều.
Anh Tuấn