BVR&MT – Vài năm gần đây, giống bưởi đỏ đã trở thành cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân tại Thôn Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh, Hà Nội). Mỗi năm, mô hình trồng bưởi đỏ đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng, giúp cải thiện đời sống cho bà con, mở ra hướng đi phát triển kinh tế mới tại địa phương.
Huyện Mê Linh được biết đến là “thủ phủ hoa” lớn nhất Hà Nội, thu nhập người dân nơi đây chủ yếu nhờ vào nghề trồng hoa và canh tác rau. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, mô hình trồng bưởi đỏ đang được người dân tập trung phát triển rộng rãi bởi giống cây dễ trồng, phù hợp với điều kiện tự nhiên, giá bán lại cao hơn so với các giống bưởi khác.
Nguồn gốc bưởi đỏ Đông Cao có từ cách đây khoảng 60 năm về trước, do một người dân trong vùng đem về trồng. Thời điểm đó, bưởi đỏ có giá trị bằng một đấu gạo, bởi sự độc, lạ về màu sắc và chất lượng quả bưởi.
Mặc dù quý hiếm là vậy nhưng có thời kỳ giống bưởi gần như bị thất truyền do bưởi Diễn lên ngôi khiến diện tích trồng bưởi đỏ bị thu hẹp. Đến sau này, nhận thấy giá trị về kinh tế của giống bưởi đỏ, người dân mới quay trở lại trồng và duy trì nguồn gen.
Bưởi đỏ rất lạ và đặc sắc, khi còn non thì có màu xanh, khi già quả có màu vàng, tới lúc chín sẽ chuyển sang một màu đỏ căng mịn trông rất đẹp mắt. Bên trong quả bưởi, tép bưởi có màu hồng đào, múi nào múi nấy căng mọng, vị bưởi thơm dịu không đắng.
Bưởi được chia làm 2 dòng thu hoạch theo thời kì, vào tháng 8, 9, 10 dòng bưởi có vị dôn dốt, chua nhẹ, dòng thu hoạch từ tháng 10 đến Tết sẽ có vị ngọt dịu mọng nước. Bưởi Đỏ Đông Cao không chỉ đẹp về sắc mà còn có hương thơm nồng nàn. Do chất lượng mẫu mã độc đáo cùng hương vị đặc biệt nên giống bưởi này có giá trị cao hơn nhiều giống bưởi khác.
Ông Lương Văn Phương – Giám đốc HTX bưởi đỏ Đông Cao cho biết: “Gia đình tôi đang sở hữu cây bưởi “Tổ” 60 năm tuổi do cha tôi (cụ Lương Văn Vy) để lại. Nhận thấy được giá trị kinh tế của cây bưởi đỏ, tôi đã cùng thành viên trong HTX mở rộng diện tích trồng nhằm bảo tồn và phát triển thương hiệu cho bưởi đỏ Đông Cao”.
Theo nghiên cứu khoa học trong bưởi đỏ có nhiều vitamin C và hàm lượng chất Lycopen giúp ngăn ngừa ung thư, giảm căng thẳng, tốt cho hệ tim mạch. Đây là chất dinh dưỡng rất quý duy chỉ có ở loại bưởi đỏ Đông Cao Việt Nam. Chính vì thế, giá của bưởi đỏ cao hơn hẳn so với những loại bưởi khác.
Được biết, vào các dịp lễ Tết, bưởi đỏ được người tiêu dùng ưa chuộng. Năm nào cũng cháy hàng, không đủ số lượng để bán, phần lớn khách hàng đều phải đặt từ 2-3 tháng trước Tết.
Để có được quả bưởi chất lượng, đòi hỏi việc chăm sóc cây từ khi còn nhỏ rất quan trọng. Trước khi trồng cây giống, đất phải được xử lý kỹ, luống phải đạt tiêu chuẩn đô cao, đảm bảo khoảng cách trồng. Người dân sử dụng phân hữu cơ để bón, trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cho ra những quả bưởi to, ngon, sạch.
Vườn bưởi của ông Phương hiện có gần 2.000 cây, một cây bưởi sẽ cho khoảng 200 – 250 trái mỗi vụ. Giá bưởi dao động từ 40.000 – 90.000 đồng/quả, vào các dịp lễ Tết giá có thể tăng gấp đôi. Mỗi năm, gia đình thu hoạch khoảng 4.000 quả bưởi, “đút túi” vài trăm triệu đồng nhờ giống bưởi đỏ quý hiếm.
Chia sẻ với phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, ông Phạm Thành Đô – Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho biết: “Bưởi đỏ Đông Cao có nguồn gốc quý hiếm gắn liền với lịch sử văn hóa tại địa phương, đặc biệt đem lại giá trị cao về kinh tế, giúp nâng cao thu nhập cải thiện đời sống cho người dân. Hiện nay, huyện đang cùng bà con áp dụng kĩ thuật chăm sóc đặc biệt để sản phẩm bưởi đỏ đạt chất lượng cao hơn”.
Hiện nay, giống bưởi đỏ Đông Cao còn được nhân giống ở nhiều địa phương khác như: Phú Thọ, Yên Bái, Lạng Sơn và một số tỉnh ở phía Nam.
Song song với phát triển kinh tế, người dân cùng với các cấp, chính quyền địa phương sẽ mở rộng vùng trồng bưởi đỏ nhằm bảo tồn và duy trì giống bưởi quý hiếm. Đồng thời, đa dạng hóa các sản phẩm được chế biến từ bưởi đỏ, hướng đến thị trường xuất khẩu.
Đào Thúy