BVR&MT – Sông Mê Kông hùng vĩ là trái tim và linh hồn của Đông Nam Á. Hàng triệu sinh kế gắn liền với con sông, đặc biệt là về an ninh lương thực, năng lượng và nước. Tuy nhiên, chính sự giàu có đa dạng sinh học nhất bậc nhất hành tinh cùng tính chất xuyên biên giới của con sông khiến Mê Kông bị xoáy vào mối đe dọa chưa từng có: chính trị thủy văn.
Những năm gần đây, mực nước thấp lịch sử ở Mê Kông đã tàn phá các cộng đồng như ở Tonle Sap của Campuchia – nơi từng duy trì nghề cá nước ngọt trù phú nhất trái đất. Nhưng không riêng Tonle Sap chịu trận. Những hình ảnh tương tự về lòng sông khô cạn, cá chết và các trang trại bị phá hủy đã được các cộng đồng khắp Đông Nam Á chia sẻ, thậm chí khiến Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha phải huy động quân đội để hỗ trợ miền Bắc và Đông Bắc khi bị hạn hán vào năm 2019.
Năm ngoái, hai báo cáo đưa ra những nhận định khác nhau về lý do tại sao sông Mê Kông đang bị đe dọa. Nghiên cứu đầu tiên của công ty tư vấn Eyes On The Earth khẳng định hoạt động xây đập của Trung Quốc ở thượng nguồn là nguyên nhân làm giảm mực nước sông trong mùa mưa và mùa khô cũng như gây ra những biến động bất thường. Tuy nhiên, nghiên cứu của Đại học Thanh Hoa lại cho rằng các kiểu thời tiết và El Nino là nguyên nhân gây ra hạn hán và mực nước thấp. Có vẻ như các động cơ chính trị đã đảm bảo kết quả các nghiên cứu được sử dụng để thúc đẩy một câu chuyện theo một hướng nào đó, tuy nhiên, điều không thể phủ nhận là trò chơi ngoại giao về nước đã phá hoại nền quản trị nước xuyên biên giới và ảnh hưởng đến hàng triệu người trong quá trình này.
Khi lo ngại về tình trạng khô hạn của sông Mê Kông tiếp tục gia tăng, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tháng 9/2020 cam kết nước này sẽ bắt đầu chia sẻ dữ liệu thủy văn với các quốc gia hạ nguồn trong suốt cả năm thay vì chỉ mùa mưa và đó là một động thái đáng hoan nghênh.
Nhưng tuần trước, người dân địa phương ở Chiang Saen nhận được một điều bất ngờ không mấy dễ chịu trong năm mới khi ghi nhận mực nước sông Mê Kông đã giảm trở lại. Dự án Giám sát đập Mê Kông (Mekong Dam Monitor) được hình thành vào tháng 12/2020 cung cấp một bức tranh rõ ràng hơn. Sử dụng các cảm biến từ xa và hình ảnh vệ tinh, dự án xác nhận mực nước giảm “hơn một mét” trong khoảng thời gian từ ngày 2 đến ngày 4/1 do hồ chứa đập Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam tích nước từ ngày 31/12.
Ngày 5/1, sau khi dữ liệu được công khai, Bắc Kinh cuối cùng cũng thông báo cho Trung tâm Quốc gia Điều hành Nước của Thái Lan rằng đập Cảnh Hồng sẽ giảm tỷ lệ xả nước xuống 47% từ ngày 5 đến 24/1 để “bảo trì lưới điện”, trái ngược với lời hứa trước đó của họ là chia sẻ dữ liệu thủy văn và thông báo trước cho các quốc gia hạ nguồn về hoạt động đập.
Điều rõ ràng là một dòng sông Mê Kông khỏe mạnh đòi hỏi sự hợp tác chung giữa tất cả các quốc gia mà nó chảy qua. Tuy nhiên, sự hiện diện của các cơ quan nhà nước và ngoài nhà nước cùng những chương trình nghị sự khác nhau khiến việc này trở thành nhiệm vụ khó khăn.
Hiện tại, hai cơ quan là Ủy hội sông Mê Kông (MRC) và Hợp tác Mê Kông-Lancang (MLC) đang đi đầu trong nỗ lực chữa lành dòng sông nhưng cách tiếp cận đều một chiều và chỉ tập trung vào cải thiện dự báo hạn hán để không xảy ra tình trạng mực nước sông thấp. Mặc dù điều này là quan trọng nhưng cũng cần khẩn trương hạn chế các tác động tiêu cực từ hoạt động đập và các dự án thủy điện đối với hệ sinh thái mong manh này.
Các cơ quan độc lập cũng thực hiện các nghiên cứu riêng và lưu ý rằng hoạt động xây đập chưa từng có đã gây ra tình trạng đói phù sa và ảnh hưởng đến sinh sản của cá. Trên thực tế, tác động của các con đập là rất rõ ràng khi nước sông Mê Kông ở hạ lưu trong hơn so với màu nâu đỏ thông thường.
Tuy nhiên, hoạt động và xây dựng các đập bổ sung vẫn không giảm, không chỉ ở Trung Quốc mà cả Lào – quốc gia đang có kế hoạch xây dựng nhiều con đập nhằm thực hiện chiến lược trở thành “Cục pin của châu Á” để xuất khẩu điện mặc dù không có người mua rõ ràng. Thái Lan là khách hàng tiềm năng nhưng hiện quốc gia này cũng đang dư thừa điện và Covid-19 và điều này khiến nhu cầu sẽ giảm hơn nữa.
Rõ ràng, các con đập sẽ không biến mất, vì vậy cần cải tiến quy trình hiện tại để tình trạng như những năm qua không tái diễn.
Nói một cách thẳng thắn, cần có một quá trình dựa trên sự đối thoại, có đi có lại và lòng tin giữa tất cả các đối tác. Nếu Trung Quốc thực sự nghiêm túc trong việc đạt được “Cộng đồng chung vận mệnh châu Á”, thúc đẩy hòa bình, phát triển và thịnh vượng trong khu vực thì nước này phải cải thiện cách truyền thông. Trong khi đó, các quốc gia hạ nguồn phải xích lại gần nhau và đóng vai trò là một đối trọng với sự thống trị chiến lược của Trung Quốc ở thượng nguồn.
Chỉ sau khi thiết lập một cách tiếp cận dựa trên quy tắc thì mới có thể có trách nhiệm giải trình và một triển vọng thay thế cho tương lai của sông Mê Kông và khu vực.
Nhật Anh (Theo Bangkok Post)