BVR&MT – Tbong ngồi trong bóng râm của căn chòi tạm bợ trên bờ hồ Tonlé Sap, quanh anh là mấy đứa trẻ tò mò.
“Cá quả, cá trê, cá tai tượng… Trước đây, cách đây rất lâu, hồ có rất nhiều cá”, anh vừa nói vừa nheo mắt vì nắng.
Nhưng mọi thứ thay đổi chóng vánh. Các loài cá suy giảm, thực vật đang chết dần và toàn bộ hệ thống sông Mê Công tan rã. Đối với những đứa trẻ tụ tập quanh Tbong, một Tonlé Sap trù phú chỉ còn trong chuyện kể.
Nằm ở trung tâm lưu vực hạ nguồn sông Mê Công, Tonlé Sap là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á. Hồ và vùng ngập lũ xung quanh được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển vào năm 1997, là nơi sinh sản, cung cấp nguồn thức ăn và là nơi thu hoạch hàng trăm loài cá và các sản phẩm thủy sản khác.
Nhưng năm nay, mực nước giảm xuống mức kỷ lục.
Marc Goichot, Cố vấn cao cấp cho Chương trình Mê Công của WWF nói: “Mực nước khắp hạ nguồn Mê Công chưa bao giờ xuống thấp như thế kể từ khi thành lập Ủy hội sông Mê Công (MRC) năm 1995, mà nước lại có màu xanh khác thường [do mất trầm tích lơ lửng].”
“Nước màu xanh có thể tốt cho vùng biển Caribbean nhưng với sông Mê Công thì điều đó không mang tính tự nhiên và là tin xấu. [Điều đó] là một thay đổi lớn trong hệ sinh thái sẽ gây ra hàng loạt tác động như: phơi bày các loài thủy sản dễ bị tổn thương trước những loài săn mồi, làm suy yếu bờ sông và không còn mang lại những chất dinh dưỡng phong phú cần thiết cho các cánh đồng lúa, rừng ngập mặn và cá”.
Cuộc khủng hoảng khí hậu đã làm trầm trọng thêm vấn đề khiến cả Jeremy Clarkson, người dẫn chương trình truyền hình Grand Tour nổi tiếng cũng lần đầu tiên thừa nhận ảnh hưởng của khủng hoảng khí hậu trong khi giới khoa học đã cảnh báo về những thay đổi trong lưu vực sông Mê Công từ nhiều thập kỷ.
Ý tưởng về việc xây đập ở hạ nguồn sông Mê Công bắt nguồn từ Chiến tranh Lạnh khi Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc coi thủy điện là một chiến lược tiềm năng để phát triển kinh tế. Việc xây đập rộ lên vào đầu những năm 2000, ở thời điểm đó, MRC ước tính bốn quốc gia thành viên – Campuchia, Việt Nam, Lào và Thái Lan – có thể thu lợi khoảng 30 tỷ đô la.
Nhưng chỉ mấy năm sau, MRC nhìn lại các dự báo và thừa nhận thiệt hại về môi trường đến từ đến các con đập lớn hơn bất kỳ lợi ích tiềm năng nào.
Bất chấp những cảnh báo này, Trung Quốc hiện vận hành tám đập lớn còn các quốc gia hạ nguồn sông Mê Công vẫn kiên trì với các kế hoạch riêng về xây đập thủy điện. Tính riêng Lào và Campuchia đã có hơn 140 đập được lên kế hoạch trên dòng chính và các dòng nhánh Mê Công.
Các đập thủy điện chia nhỏ Mê Công thành các hồ chứa, ngăn dòng chảy trầm tích giàu dinh dưỡng xuống hạ nguồn, thay đổi hình dạng và độ sâu của lòng sông, bờ sông. Theo WWF, từ năm 1992 đến 2014, tải lượng trầm tích lơ lửng ở lưu vực Mê Công đã giảm hơn một nửa.
Khi trầm tích bị chặn, nước biển xâm nhập vào sâu hơn, đe dọa hệ sinh thái nước ngọt mỏng manh của Mê Công. Con sông ăn vào bờ và lòng sông để lấy lượng trầm tích thay thế nhưng lại bị những người khai thác cát lấy nốt trầm tích còn lại nên vấn đề càng trầm trọng hơn.
Các con đập cũng ngăn chặn khoảng 160 loài cá di cư đường dài trong lưu vực sông.
“[Cá] cần phải đi xa về thượng nguồn (phía bắc Lào) để đẻ trứng, còn cá con cần phải quay trở lại vùng ngập nước mênh mông ở đồng bằng sông Cửu Long và hồ Tonlé Sap để kiếm ăn. Bất kỳ trở ngại nào cho cuộc di cư này đều khiến chúng có nguy cơ tuyệt chủng rất cao”, Goichot phân tích.
Các loài cá lớn có lộ trình di cư dài hơn và do đó bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Năm 2010, quần thể cá tra dầu giảm 90% sau chỉ một thập kỷ.
“Cá tra Xiêm bị tuyên bố tuyệt chủng vào năm 2013. Trong số 692 loài cá nước ngọt được biết đến còn tồn tại ở vùng hạ nguồn sông Mê Công, 68 loài (10%) đang bị đe dọa tuyệt chủng ở cấp độ toàn cầu và thêm 22 loài (3%) ở mức sắp bị đe dọa”, MRC nêu rõ trong báo cáo Tình hình Lưu vực năm 2018.
Sự suy giảm không chỉ do thay đổi môi trường. Thị trường chợ đen về cá nước ngọt Tonlé Sap là một ngành nghề phát triển mạnh ở mức quốc tế.
Rõ ràng đây là một chủ đề nhạy cảm với người dân ở hồ nên nhông ai muốn nói tới. Chủ thuyền không chắc chắn về những gì đã làm để kiếm sống, những người bán hàng ở chợ quên giá bán cá, một số người thậm chí không còn nhớ đã mua cá ở đâu. Điều này có thể do họ không chắc chắn rằng mình có bắt cá một cách hợp pháp hay không.
Nhiều thủ phạm là người dân địa phương, họ phải đánh bắt lậu vì cùng quẫn. Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc chỉ ra rất nhiều cách đánh bắt bất hợp pháp bằng thuốc nổ, bằng điện, chất độc và lưới trái phép.
Người dân cũng thường phớt lờ các lệnh cấm đánh bắt cá trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 10 khi một số khu vực nhất định bị hạn chế để cho phép cá đẻ trứng.
Rất nhiều loài cá bất hợp pháp lớn hơn bắt được ở Tonlé Sap được đưa ra nước ngoài tiêu thụ với giá cắt cổ ở những nhà hàng đặc sản, nhất là những loài cá được cho là mang lại may mắn và có tính cường dương. Việc buôn bán những con cá này bị cấm theo cả luật pháp quốc tế và nội địa của Campuchia nhưng việc thực thi còn yếu.
Tác động của buôn bán chợ đen bên cạnh việc xây đập, khai thác cát và các hoạt động khác của con người ngày càng trở nên rõ ràng.
Là một trong những nước có lượng cá nội địa lớn nhất thế giới, Campuchia phụ thuộc phần lớn vào sông Mê Công để đảm bảo an ninh lương thực. Trên khắp lưu vực hạ nguồn Mê Công, tỷ lệ chất đạm từ cá nước ngọt trong khẩu phần gấp 2,2 đến 8,6 lần trung bình thế giới.
Đối với những người sống gần Tonlé Sap, cá trước đây không mất tiền nhưng giờ họ phải mua với giá ngày càng tăng. Theo Vannak, một người bán cá ở chợ Xiêm Riệp, giá mua cao hơn gấp đôi vài năm trước.
“5 hay 10 năm trước, [chúng tôi đã mua] một cân cá với giá 4.000 hoặc 5.000 riel (1,20 đô la)”, anh vừa nói vừa chỉ vào con cá đang nướng. Bây giờ thì cá quả con (tiếng địa phương là trey rors) cũng có giá 10.000 riel/kg.
Tbong nhớ lại thời kỳ chỉ cần đặt lưới vào rừng ngập mặn là cá sẽ tự mắc vào.
“Bây giờ, khi tôi đi đánh cá, không chỉ một hai ngày đã được mà phải ở ròng rã trong hồ khoảng 10 hoặc 15 ngày”.
Khi cá tự nhiên ngày càng hiếm, ngư dân lập ra các trang trại nuôi trồng thủy sản trong hồ, trong khi Campuchia cũng chuyển sang tìm các nguồn chất đạm thay thế. Những điều này có khả năng gây ra tác động sinh thái đáng kể.
“Các nguồn khác, có thể là thịt bò, đậu nành hoặc nuôi trồng thủy sản, tất cả đều sử dụng đất và nước [và] chúng gây ô nhiễm. Có nghĩa là các lựa chọn khác để sản xuất nguồn đạm sẽ gây áp lực lớn hơn đối với đất đai và có thể sẽ thúc đẩy chuyển đổi rừng nhiều hơn, cạnh tranh cao hơn với việc sử dụng nước của Campuchia”, theo Goichot.
Các chuyên gia cho biết những gì đang xảy ra ở Tonlé Sap là một dấu hiệu rất thực tế về những gì sẽ xảy ra cho toàn lưu vực Mê Công nếu việc khai thác tài nguyên tiếp tục không được kiểm soát. Phản ứng đưa ra còn rất chậm.
“MRC đã tương đối thành công trong việc tạo ra kiến thức nhưng không thành công trong việc tìm được tiếng nói chung hoặc sự đồng thuận với các quyết định quan trọng, đặc biệt là thủy điện hoặc quản lý trầm tích”, Goichot chua chát nhận xét.
Một số chiến lược được đưa ra. Năm 2017, Thủ tướng Việt Nam đã ký Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2100. Các tổ chức môi trường cũng tiếp tục thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn giữa chính phủ và doanh nghiệp.
Theo sáng kiến Resilient Asian Deltas (tạm dịch: Hồi phục các đồng bằng châu Á), WWF đang nỗ lực đảm bảo đầu tư tài chính và chính sách “xây dựng gắn với tự nhiên” khi hoạch địch các dự án phát triển. Theo một sáng kiến khác, tổ chức này cũng đang thực hiện chiến lược quản lý nguồn nước.
“Các sáng kiến này nhằm mục đích đánh động và lôi kéo các ngành cùng hành động tập thể để cùng giải quyết các thách thức của Mê Công chứ không chỉ bo bo lo cho mình, và cuối cùng có thể sẽ tạo được ảnh hưởng tích cực đến việc quản trị các hệ thống sông”.
Kiểu quản trị này không chỉ cần thiết cho tương lai của sông Mê Công mà đã rất cấp bách. Theo một nghiên cứu của MRC được thực hiện từ năm 2012 đến 2017, sinh khối dòng sông sẽ giảm 35-40% vào năm tới nếu không hành động nào được thực hiện.
“Phát triển thủy điện đến năm 2040 sẽ xóa bỏ cá di cư ở phần lớn sông Mê Công. Không có loài cá di cư nào sống sót được trong các hồ chứa được lên kế hoạch đến năm 2020 và 2040”, báo cáo cảnh báo.
Goichot kết luận: “Hệ hệ sinh thái sông Mê Công rõ ràng đang trải qua những thay đổi lớn rất đáng lo ngại. Chúng ta còn cách một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng bao xa?”.
Nhật Anh (Theo Guardian)