BVR&MT – Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 22/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, cho ý kiến về dự án Luật và các nội dung về phát triển kinh tế-xã hội.
Tại kỳ họp lần này, Chính phủ có Tờ trình đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước. Nguyên nhân là do việc Chính phủ chậm ban hành các Nghị định hướng dẫn các luật nêu trên.
Luật Khoáng sản có hiệu lực từ ngày 1/7/2011. Tuy nhiên, đến ngày 28/11/2013, Chính phủ mới ban hành Nghị định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản có hiệu lực thi thành từ ngày 20/1/2014, chậm hơn 2 năm 6 tháng.
Luật Tài nguyên nước có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Đến ngày 17/7/2017, Chính phủ mới ban hành Nghị định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2017 (Nghị định 82), chậm 4 năm 8 tháng.
Việc Chính phủ chậm ban hành các Nghị định hướng dẫn nêu trên đã làm cho các tổ chức, cá nhân phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước không có cơ sở thực hiện nghĩa vụ nộp tiền; các cơ quan quản lý nhà nước cũng không thu số tiền phải nộp.
Theo tờ trình, đến nay, Chính phủ cho rằng việc triển khai thu đối với số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước nêu trên là không khả thi, có nhiều khó khăn, vướng mắc, do đó kiến nghị Quốc hội cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước từ thời điểm Luật có hiệu lực đến thời điểm Nghị định có hiệu lực.
Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc chậm ban hành hai Nghị định nêu trên là trái với quy định tại khoản 2, Điều 11, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.
Việc chậm ban hành 2 Nghị định nêu trên cũng đã làm cho các tổ chức, cá nhân được cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước không tính được số tiền để thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước và sẽ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 5.000 tỷ đồng nếu Quốc hội cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước.
“Đây là số tiền không nhỏ trong điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn” – báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.
Trao đổi tại cuộc họp tổ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết đây là vấn đề tồn tại trước khi có Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.
“Đây là vấn đề tồn tại từ lâu về việc ban hành văn bản pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Trước khi có Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, tại thời điểm đó chúng ta chưa có quy định đánh giá tác động thật kỹ, kèm theo văn bản đánh giá khả thi mới cho trình luật. Sau quá trình này thì chúng tôi đã có những báo cáo rút kinh nghiệm, thay đổi về mặt nhận thức của cả một quá trình tồn tại trước đây liên quan đến các bộ luật, kèm theo các văn bản dưới luật” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.
Theo Bộ trưởng, vấn đề này Chính phủ, Quốc hội đều có trách nhiệm. “Nhẽ ra chúng ta phải cùng nhau đánh giá tác động, tuy nhiên thời kỳ đó thì chưa có quy định, tất cả đều hoan hỉ vì ý tưởng này hay thì đưa vào luật. Nhưng sau khi triển khai, Chính phủ mới thấy không chỉ có vấn đề về văn bản hướng dẫn, mà còn là vấn đề về mặt kỹ thuật, khối lượng rất lớn, không đơn giản để giải quyết ngay trong 1 năm, 2 năm” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà lý giải.
Còn theo Tờ trình của Chính phủ, tại thời điểm trình dự án Luật Khoáng sản (năm 2010) và Luật Tài nguyên nước (năm 2012), hồ sơ trình được thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Theo đó, Luật này không quy định trong hồ sơ trình dự án Luật phải có văn bản quy định chi tiết.
Trong quá trình xây dựng các Luật, việc đánh giá tác động của các chính sách nêu trên đã được thực hiện nhưng còn chưa toàn diện, cụ thể (riêng đối với thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản lần đầu được hình thành trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Khoáng sản). Do đó, Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã không lường trước được hết những khó khăn, phức tạp, nhất là các vấn đề liên quan đến kinh tế, các thông số kỹ thuật phức tạp.
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, ngân sách nhà nước sẽ thiệt hại gần 5.000 tỷ đồng nếu Quốc hội cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước.