BVR&MT – Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch bền vững cần sử dụng tốt nhất các tài nguyên môi trường đóng vai trò chủ yếu trong phát triển du lịch, giúp bảo tồn di sản thiên nhiên và đa dạng sinh học tự nhiên. Bên cạnh đó, cũng cần bảo tồn các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống, đóng góp vào sự hiểu biết và chia sẻ văn hóa.
Măng Đen – Vẻ đẹp của núi rừng Tây Nguyên: Bài 1 – Vùng du lịch sinh thái Quốc gia đang vươn mình
Măng Đen – Vẻ đẹp của núi rừng Tây Nguyên: Bài 2 – Thế mạnh đầu tư du lịch sinh thái nghỉ dưỡng
Để phát triển tiềm năng đó, UBND tỉnh Kon Tum đã có Quyết định số 1607/QĐ – UBND, ngày 28/12/2016, phê duyệt đề án “Phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2020” trên cơ sở khai thác lợi thế của Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, hệ thống di tích lịch sử cách mạng, kiến trúc tôn giáo và một số lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum tại các di tích lịch sử cách mạng như: Ngục Kon Tum, Ngục Đăk Glei, di tích Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh, di tích Chư Tan Kra, các điểm du lịch thác Pa Sỹ, Vườn hoa Thanh Niên, Hồ Đăk Ke, các làng du lịch cộng đồng…
Theo đó, để tăng sức hút mạnh mẽ hơn đối với vùng du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen, ông Phạm Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Trong những năm qua, chính quyền huyện Kon Plông đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư với nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm quảng bá hình ảnh cũng như tiềm năng lợi thế của Măng Đen để thu hút các nhà đầu tư.
“Măng Đen có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú, độc đáo, thể hiện bản sắc văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, như: Văn hóa luật tục, văn hóa cư trú, văn hóa lễ hội, văn hóa cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục, dệt thổ cẩm, đan lát… là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nhằm mang lại lợi ích thiết thực về vật chất và tinh thần cho người dân và cộng đồng xã hội góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống”, ông Thắng nhấn mạnh.
Đáp lại những chủ trương của huyện Kon Plông, nhiều dự án biệt thự nghỉ dưỡng tại Măng Đen đã đưa ra những cách thức để việc phát triển dự án, bảo vệ hệ sinh thái cũng như lưu giữ những nét văn hóa truyền thống luôn song hành. Hầu hết các khu biệt thự nghỉ dưỡng đều đưa ra những thiết kế đảm bảo tính sáng tạo nhưng vẫn thân thiện với môi trường và những không gian rộng nhằm tổ chức những hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào địa phương.
Qua đó, hướng tới đảm bảo tạo cơ hội bình đẳng cho mọi đối tượng xã hội được tham gia vào hoạt động du lịch từ khâu hoạch định chính sách, quy hoạch đến xây dựng sản phẩm, quyết định tham gia cung cấp dịch vụ và hưởng lợi từ hoạt động du lịch. Phát huy tối đa vai trò chủ động, tích cực của cộng đồng, tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần và tăng cường trách nhiệm với quê hương.
“Để phát triển du lịch một cách bền vững cần có sự kết tinh từ sự sáng tạo của con người và sự tôn trọng, bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn văn hóa bản địa. Những người làm du lịch tại ĐăkKe – Măng Đen Resort tự tin mang lại cho du khách những trải nghiệm dịch vụ chu đáo, thân thiện với môi trường trong một không gian được bao bọc bởi những đồi thông xanh mát, hồ nước trong xanh và những không gian văn hóa mang âm hưởng trầm hùng của xứ sở Tây Nguyên hùng vĩ”, đại diện Công ty cổ phần Khánh Dương – Măng Đen chia sẻ.
Có thể nói, với cách làm du lịch khoa học và sáng tạo, đã và đang được phối hợp nhịp nhàng từ chủ trương đến thực tiễn, từ chính quyền đến doanh nghiệp và người dân, tin tưởng rằng trong tương lai, phát triển du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao tỷ trọng đóng góp trong nền kinh tế; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm và giảm nghèo bền vững đối với huyện Kon Plông cũng như tỉnh Kon Tum.
Đức Long