BVR&MT – Chính quyền bang Sabah vừa thông qua Cục Động vật hoang dã của bang, Liên minh tê giác Borneo (BORA) và WWF Malaysia kêu gọi hai nước Indonesia và Malaysia cần tập trung vào việc tăng cường khả năng sinh sản các loài có nguy cơ tuyệt chủng, đặc biệt là tê giác Sumatra.
Điều này có nghĩa là các cá thể tê giác Sumatra còn lại sẽ được tạo điều kiện để đóng góp cho sự tồn tại của loài và mọi cá thể tê giác, dù sinh sản tối ưu hay không, chúng đều có thể đóng góp trứng, tinh trùng hoặc tế bào.
Với nỗ lực này, bang Sabah nhắc lại đề nghị cho phép Indonesia sử dụng trứng của cá thể tê giác Sumatra cuối cùng ở Malaysia, một cá thể cái có tên là Iman, hiện đang ở Khu bảo tồn động vật hoang dã Tabin.
Bộ trưởng Bộ Du lịch, Văn hóa và Môi trường Datuk Christina Liew cho biết điều này trong một tuyên bố do WWF-Malaysia phát hành.
“Malaysia cũng hỗ trợ chuyên môn và kinh nghiệm từ việc bảo tồn tê giác ở Sabah với hy vọng chúng ta có thể đảo ngược số phận tê giác Sumatra”.
Sự hợp tác của hai nước cũng cần được các nhà khoa học và chuyên gia thực địa hỗ trợ để cứu loài này khỏi sự tuyệt chủng.
Giáo sư Abdul Hamid Ahmad, Chủ tịch điều hành BORA cho biết hiện giờ mới bắt đầu sử dụng tinh trùng và trứng của các cá thể tê giác không thể sinh sản tự nhiên để thụ tinh trong ống nghiệm là khá chậm.
Theo giám đốc WWF-Malaysia Sophia Lim, tổ chức này sẽ huy động sự hỗ trợ từ mạng lưới WWF các nước để tạo thuận lợi cho sự hợp tác giữa hai chính phủ.
Năm 1985, vẫn còn tới vài trăm cá thể tê giác Sumatra nhưng bây giờ, số lượng đã giảm nhiều.
Sự suy giảm số lượng tê giác trong vài thập kỷ qua là do tê giác hoang dã không thể tìm được bạn đời và hầu hết các con cái hoang dã không thể sinh sản.
Tháng 5 năm nay, Iman trở thành con tê giác cuối cùng còn sống ở Malaysia sau cái chết của cá thể đực tên Tam.
Cái chết của Tam không chỉ là một hồi chuông cảnh tỉnh cho Malaysia mà còn là một tiếng kêu vang vọng khắp khu vực để đảm bảo rằng tê giác Sumatra không bị tuyệt chủng – con đường mà loài này gần như chắc chắn bước vào nếu tất cả không hành động ngay lập tức.
Các nhà bảo tồn tê giác Sumatra tin rằng đơn giản là không có đủ số lượng tê giác Sumatra còn sống trên thế giới để cứu loài này trừ khi con người thực hiện những hành động mang tính quyết định.
Một trong những cách thiết yếu hiện nay là áp dụng Công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART), giúp tăng khả năng sinh sản của những con tê giác Sumatra cuối cùng còn lại.
Nhật Anh (Theo NST)