Mã Yên Sơn

BVR&MT – Từ Hà Nội, ngược theo con đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, rẽ xuống nút Quốc lộ 279, đi qua di tích tâm linh Bảo Hà hơn mười cây số ta chạm Mã Yên Sơn. Đó là đỉnh con đèo của đoạn đường dài hơn hai chục cây số của đường Quốc lộ 279 nằm vắt ngang thắt lưng huyện Bảo Yên – Lào Cai nối từ bờ Tây con sông Chảy trong xanh với bờ Đông con sông Hồng đỏ nặng phù sa.


Đây là vùng đất trời cho huyện Bảo Yên, cho những ai muốn tận hưởng không khí rừng núi nơi đây. Với Mã Yên Sơn, đứng ở đỉnh đèo, quay về hướng Đông là thu được cả một một phần Bảo Yên trong tầm mắt, quay về hướng Tây là bắt gặp những cánh rừng ngút ngàn. Phía Đông, những ngọn gió mang hơi nước mát rượi từ sông Chảy thổi thốc lên ào ạt làm cho vạn vật luôn được ướp trong không khí trong lành, ẩm ướt. Phía Tây, những ngọn gió ấm mang hơi thở của sông Hồng và miền Tây nắng gió nương theo hẻm núi ùa lên náo nức.

Hai ngọn gió lành hợp lại, hòa vào nhau cộng với độ cao hơn 600 m so với mặt biển của đỉnh đèo khiến cho miền đất này dạt dào gió và gió. Về phía Tây, những xã quanh khu vực Mã Yên Sơn trong đó có Bảo Hà có một có một cái mỏ lộ thiên nổi tiếng, đó là rừng. Trước đây nghĩ đến Tây Bắc là nghĩ đến những câu cửa miệng “nước Bảo Hà, ma Trái Hút”, “cọp Bảo Hà, ma Trái Hút” “Nước Bảo Hà khoe mãi màu lá chết/ Gió Văn Bàn thông thống suốt mùa hanh”…. Nghe kể lúc đó với những đi qua hoặc gắn bó với đất này thì những cánh rừng cổ thụ bạt ngàn hai bên bờ sông Hồng, sông Chảy không chỉ là âm u, bí ẩn mà còn là sự kinh hãi. Kinh hãi bởi sự hoang vu, kinh hãi bởi thú dữ, bởi những giọt nước ngấm qua tầng tầng lá mục của những cánh rừng nguyên sinh. Những dòng nước màu đen, nguồn cơn sinh ra các bệnh ngã nước, sốt rét, gan, thận đã làm khốn khổ không chỉ những người cả gan nhập cư mà cả những người dân sở tại. Kinh hãi này còn xuyên cả vào những câu thơ viết về những người dân phu mở đường Hà Lào của cụ Phan Bội Châu trong bài Á tế Á ca nổi tiếng: “Lại nghe nỗi Lào Cai, Yên Bái/ So muôn người như giải lũ tù/ Ăn cho ngày độ vài xu/ Việc làm gian khổ, công phu lạ lùng/ Độc thay phong chướng nghìn trùng/ Nước sâu quẳng xác, hang cùng chất xương…”.

Thế rồi sau nhiều năm “kiên nhẫn” khai thác rừng, những cánh rừng lim, sâng, phay, dổi… ngút ngàn không làm mồi cho cưa búa thì cũng làm mồi cho thần lửa, màu xanh của rừng nhường chỗ cho những vạt núi đồi nham nhở, lở loét, nước Bảo Hà không còn làm cho người ta kinh sợ, hổ Bảo Hà chỉ còn trong dĩ vãng.

Cũng may, đất tốt, khí hậu tốt đã giúp cho những cây vầu, cây nứa bền bỉ đội đất ngoi lên, đất vẫn có màu xanh, con người vẫn còn có cái mà trông đợi, bấu víu. Sau nhiều năm làm thịt rừng, nhiều năm chịu đựng sự tàn phá của thiên nhiên, con người đã tỉnh ngộ, đã góp phần gìn giữ, trồng cây mong trả lại màu xanh cho đất.

Cũng may, những dự án lớn của Quốc gia về trồng cây gây rừng hợp lòng dân, hợp lòng đất, lòng trời nên màu xanh đã dần dần phủ kín núi, kín đồi. Từ trồng cây đến thu hoạch là cả một thời gian dài, hơn nữa hỗ trợ ra sao, trồng loại cây gì, khai thác thế nào rồi bán chác, giá cả, vận chuyển… là cả một lô bài toán nâng cao đặt ra trước mắt mà bản thân riêng người trồng rừng không tự giải được, hơn nữa thiên nhiên luôn tuân theo quy luật, ví dụ loại cây tạp như nứa, vầu thường cứ vài ba năm lại quy một lần. Mà nứa, vầu đã quy thì ngoài cháy rừng luôn tiềm ẩn còn phải mất vài ba năm mới hồi phục được rừng… Trong lúc biết bao những khó khăn đã và đang xảy ra với người trồng rừng thì kinh tế thị trường mở ra và lan tỏa tới tận thâm sơn cùng cốc, Nhà nước – Nhà nông – Nhà khoa học bắt tay vào cuộc. Các cơ sở chế biến lâm sản tại chỗ ra đời với sự phối hợp và giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương không chỉ gỡ nút thắt cho người trồng rừng mà còn làm cho rừng xanh trở lại.

Không chỉ lợi thế về rừng, về khí hậu, Mã Yên Sơn còn có lợi thế về hai chỉ địa chỉ du lịch biết bao du khách tìm đến. Đó là thị trấn Phố Ràng ở phía Đông, nơi cách đây hơn gần bẩy mươi năm đã nổi tiếng với Trận Phố Ràng của nhà văn Trần Đăng. Đó là Khu di tích đền Bảo Hà, đền Đôi Cô ở phía Tây, hai quần thể di lịch tâm linh lừng danh đất Bắc hàng năm thu hút hàng vạn khách thập phương hành lễ. Khách đi tham quan các di tích hay đi lễ đền chỉ cần rẽ ngang, cho xe bon bon trên đường con đường nhựa ephan chừng mười phút là được thấm đẫm không khí liêu trai, thấm đẫm sự điều hòa của trời đất.

Đứng trên đỉnh Mã yên Sơn, được hấp thụ khí trời, được đắm mình trong vòng tay núi non, đắm mình trong hơi thở của rừng, mọi ưu tư lo lắng thường ngày nhường chỗ cho những cảm xúc lâng lâng thoát tục thấy con người trong sáng hơn, gần nhau hơn, viễn cảnh một khu du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái náo nức trong đầu tôi, không biết đã có nhà đầu tư nào có tâm trạng như tôi.

Bài, ảnh: Nguyễn Thị Hảo