BVR&MT – Thời gian qua, việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cây ăn quả ở các địa phương phía nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao uy tín sản phẩm và tăng kim ngạch xuất khẩu, qua đó cũng góp phần định hướng nông dân sản xuất chuyên nghiệp hơn, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu của thị trường.
Theo Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quang Hiếu, đến nay các địa phương phía nam có 4.587 mã số vùng trồng, 1.047 mã số cơ sở đóng gói, trong đó phần lớn các mã số vùng trồng cây ăn quả.
Định danh sản phẩm
Với diện tích cây ăn quả hơn 720.000 ha, chủng loại đa dạng, các địa phương phía nam có nhiều lợi thế để sản xuất loại cây trồng này. Hiện nay, cây ăn quả đang được các bộ, ngành, địa phương quan tâm phát triển nhằm tạo ra hiệu quả kinh tế cao thông qua nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Một trong những giải pháp đó là mở rộng cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, bởi đây là “tấm vé thông hành” giúp trái cây Việt Nam vươn xa ra thị trường quốc tế.
Thực tế đã chứng minh trong 6 tháng đầu năm 2023, nhiều cây ăn quả xuất khẩu tốt, thị trường tiêu thụ ổn định, giá cao, cho thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/ha. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, trên địa bàn tỉnh có diện tích cây ăn quả khoảng 40.919 ha, trong đó xoài 14.398 ha, nhãn 4.218 ha, cây có múi 6.535 ha… Đến giữa tháng 5/2023, có 504 mã số vùng trồng cây ăn quả được cấp với diện tích là 13.107 ha. Đối với cây sầu riêng, có 18 mã số được phê duyệt, diện tích 350,82 ha.
Còn tại tỉnh Tiền Giang, hiện nay có 271 mã số vùng trồng được cấp và đang hoạt động với diện tích 20.050 ha, trong đó có 70 mã mít, 77 mã thanh long, 32 mã xoài, 12 mã vú sữa, 66 mã sầu riêng… Đặc biệt có 96 mã số vùng trồng, diện tích 1.151 ha xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… với 6 loại cây trồng là chôm chôm, xoài, nhãn, vú sữa, thanh long, bưởi.
Việc cấp mã số vùng trồng đã tạo điều kiện cho nhiều loại trái cây tiêu thụ tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Theo đánh giá, các loại cây ăn trái trong vụ đều tăng từ 28-270 triệu đồng/ha tùy loại, trong đó cây sầu riêng sản xuất trái vụ cho thu nhập 2,4 tỷ đồng/ha.
An Giang là địa phương phát triển sản xuất cây ăn quả nhanh và đa dạng trong những năm gần đây. Đến nay, diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh là 19.295 ha, chủ lực là cây xoài, mít, cây có múi, nhãn… với sản lượng hằng năm dao động từ 220-225 nghìn tấn/năm, đóng góp rất lớn cho tăng trưởng của lĩnh vực trồng trọt.
Nhằm tạo điều kiện cho cây ăn quả phát triển, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã có nhiều giải pháp để cấp mã số vùng trồng đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu. Đến nay, tỉnh cấp được 235 mã vùng trồng cho cây xoài, diện tích 8.060 ha, hai mã chuối, bốn mã mít, năm mã nhãn…
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 70 vùng trồng cây ăn quả được cấp mã số đang hoạt động. Riêng mã số vùng trồng sầu riêng có hai mã được cấp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Thời gian qua, giá bán sầu riêng trên địa bàn trung bình từ 45.000-50.000 đồng/kg; thu nhập 600 triệu đồng/ha, trừ chi phí lợi nhuận khoảng 450 triệu đồng/ha.
Mở rộng cấp mã số vùng trồng
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, hết năm 2022 có 51.983 ha trồng cây ăn quả, trong đó có 60 mã số vùng trồng cây ăn quả với diện tích 2.822,7 ha và 23 mã cơ sở đóng gói được công nhận còn hiệu lực. Để thực hiện nghiêm, hiệu quả, đồng bộ các quy định của nước nhập khẩu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm… tại những mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu, ngày 9/5 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 71 về việc triển khai công tác thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
Mục đích nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, tăng cường năng lực quản lý, kiểm tra, giám sát, kiểm soát chất lượng, quản lý sinh vật gây hại tại những mã số vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp trong việc tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn trong nước và quốc tế về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm; đẩy mạnh chuyển đổi số đối với công tác quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm…
Tuy nhiên, theo đánh giá của các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn một số địa phương phía nam, việc cấp mã số vùng trồng hiện nay còn nhiều khó khăn như: Mã số vùng trồng tại một số nơi chưa được quản lý chặt chẽ, dẫn đến có trường hợp vi phạm trong khai thác, sử dụng mã số vùng trồng; kết cấu mã số vùng trồng chưa thể hiện loại sản phẩm cây trồng để nhận biết được mã số của loại cây trồng; hồ sơ đăng ký cấp mã số vùng trồng, cụ thể biên bản kiểm tra/giám sát vùng trồng chưa đề cập đến các chỉ tiêu về kiểm soát sinh vật gây hại theo quy định; một số nơi diện tích sản xuất không tập trung, nhỏ lẻ gây khó khăn cho việc cấp mã số cũng như khi liên kết sản xuất; nhận thức của người sản xuất về mã số vùng trồng và lợi ích mang lại còn mơ hồ; một số nơi người dân còn thiếu kiến thức về quy trình xây dựng và thực hiện các hồ sơ, thủ tục để được cấp mã số vùng trồng…
Hiện nay việc cấp, quản lý mã số vùng trồng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân cấp cho địa phương, vì vậy, mỗi địa phương cần tùy theo điều kiện và xây dựng các tiêu chuẩn cơ sở về việc quản lý và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để đáp ứng đầy đủ các điều kiện về kiểm dịch thực vật cũng như an toàn thực vật của nước nhập khẩu.
Mặt khác, việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu cần sự đồng bộ về quy trình thực hiện trong công tác quản lý mã số của vùng trồng, nhà đóng gói, nhà xuất khẩu, địa phương và cơ quan quản lý nhà nước, từ đó mới ngăn chặn được tình trạng đưa sản phẩm từ ngoài vào vùng được cấp mã số, đồng thời tránh tình trạng mạo danh mã số vùng trồng, sử dụng không đúng mã số làm ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt Nam.