BVR&MT – Cuộc sống của bà con ở hai thôn Kon Lanh Te và Kon Vol1 thuộc xã Đăk Rong, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai sau hơn 13 năm tái định cư vẫn không có nhiều thay đổi: thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, thậm chí người dân phải mua từng khối nước từ chính nhà máy thủy điện mà hơn một thập kỷ trước họ đã phải nhường đất, di dân để thi công xây dựng.
Hệ lụy tái định cư thủy điện Gia Lai – Kon Tum (kỳ 1): Phố mọc giữa rừng
Hệ lụy tái định cư thủy điện Gia Lai – Kon Tum (kỳ 2): “Phố” tái định cư
Hệ lụy tái định cư thủy điện Gia Lai – Kon Tum (kỳ 3): Đầu không xuôi, đuôi không lọt
“Cuộc sống người dân ở đây rất khó khăn, nước sinh hoạt phải mua của Thủy điện Vĩnh Sơn với giá gần 4.000 đồng/m3, bà con hai tháng trả tiền một lần. Trước đây, ở làng cũ có nhiều đất, gần bờ suối, nước bơm thoải mái, trồng cây gì cũng cho thu hoạch nhưng từ khi chuyển đến nơi ở mới thiếu nước nên trồng trọt không năng suất, dùng nước máy để tưới cây thì tốn kém trong khi nước suối đến mùa tưới cũng cạn chặc” – anh Đinh Văn Vào, 26 tuổi, thôn Kon Lanh Te tâm sự.
“Tiếp xúc cử chi có nói miết, nước ngày xưa bảo không phải mua giờ phải mua rồi, thời điểm nhiều nhà dùng còn không đủ nước, những hôm cúp điện là phải đi ra suối gùi nước về dùng, còn tranh nhau mới có nước, mỗi tháng nhà mình dùng khoảng 200.000 đồng (cả điện, nước) nhưng mỗi làng này phải mua nước, các làng khác đâu phải mua” – anh Vào cho biết.
Kon Lanh Te và Kon Vol1 là hai thôn tái định cư phục vụ dự án hồ chứa công trình thủy điện Vĩnh Sơn (còn gọi đập Hồ C). Năm 2004, gần 80 hộ dân thuộc hai thôn đã rời làng để nhường đất cho chủ đầu tư dự án – Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh. Tuy nhiên, ngoài những ngôi nhà khang trang mà nay đã xuống cấp cùng hệ thống trường học, nhà rông, khu vui chơi cho trẻ em được xây dựng khi đó thì bà con “rất đói cái bụng” vì thiếu đất sản xuất và thiếu nước. Cũng chính vì sinh kế khó khăn, bấp bênh mà nhiều người dân đã phá rừng và khai thác lâm sản ngoài gỗ.
“Có nhà đẹp nhưng đói cái bụng là không thích, phá rừng thì không dám, trước đây có người đi phát rừng làm rẫy bị bắt đi tù rồi. Bà con chủ yếu đi rừng kiếm lá kim tuyến, củ ngọc cẩu và mật ong đem bán” – một người dân thôn Kon Lanh Te tâm sự. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế thì rừng ở Kon Lanh Te đã bị phá khá nhiều bởi thiếu đất rẫy nên bà con chủ yếu sống dựa vào rừng.
“Sau 08 năm kể từ khi ở huyện Kon Plông (Kon Tum) về đây “bắt vợ” thấy cuộc sống của bà con không có gì thay đổi. Thôn có kiến nghị làm nông thôn mới, làm ruộng lúa nước thì mùa mưa bị ngập, đường giao thông đi lại khó khăn, kiến nghị miết về nước dùng cho bà con nhưng đến nay vẫn vậy” – anh A Sen, Chi Hội trưởng Hội Nông dân thôn Kon Lanh Te cho biết. |
Về vấn đề thiếu đất sản xuất, ông Đinh Nao, Chủ tịch UBND xã Đăk Rong cho hay mặc dù người dân đã nhiều lần kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc cử tri HĐND tỉnh nhưng chưa được giải quyết. Đất sản xuất của bà con chủ yếu là vùng bán ngập nên khi thủy điện đóng nước là ngập, giờ chưa có cách giải quyết, vùng bán ngập diện tích hơn 300 ha do ngày xưa nơi đây là hẻm, ven suối, giờ chặn nước dâng lên nên ngập, chủ yếu là đất nông nghiệp.
Cũng theo ông Nao, nguyên nhân của việc thiếu đất sản xuất và đất ở cho bà con là do ngày xưa khi thực hiện tái định cư không tính toán quy hoạch, bà con đã kiến nghị lên huyện, thông qua huyện làm việc với chủ đầu tư nhưng không được giải quyết.
Liên hệ với Ban quản lý dự án về thực trạng này thì ông Huỳnh An, Phó Ban quản lý dự án cho biết: “Bà con người đồng bào chỉ thích làm rẫy chứ không muốn làm lúa nước, ruộng ở vùng bán ngập đã giao hết cho dân canh tác, họ vẫn canh tác ở đó, chỉ mùa mưa mới bị ngập”?!.
Tính đến đầu tháng 08/2017, toàn tỉnh Gia Lai có 55 dự án thủy điện, trong đó 35 thủy điện đang vận hành với công suất trên 286 MW, 06 thủy điện đang triển khai đầu tư xây dựng với công suất hơn 52 MW, 14 thủy điện có trong quy hoạch nhưng chưa có chủ trương đầu tư với tổng công suất 45,4 MW, 17 thủy điện đã loại ra khỏi quy hoạch với tổng công suất 44,65 MW và 02 thủy điện đã dừng hoạt động công suất 0,405 MW. |
“Quan điểm của huyện là không xây dựng thủy điện nào nữa”
Trước những hệ lụy hậu tái định cư các dự án thủy điện, ông Võ Văn Phán, Chủ tịch UBND huyện K’Bang khẳng định: “Quan điểm của huyện là không xây dựng thủy điện nào nữa”.
Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch huyện Phạm Xuân Trường cho biết: “Vừa rồi UBND tỉnh họp thông qua quy hoạch thủy điện 2025 tầm nhìn 2035 và chủ trương là dừng các công trình thủy điện gây mất rừng, mất đất nhiều cũng như tác động xấu tới môi trường…”.
Cũng theo ông Trường, hiện trên địa bàn huyện K’Bang có 04 thủy điện đi vào vận hành, trong quá trình thi công, xây dựng, hàng chục thôn đã nhường đất cho thủy điện và di dời đến nơi ở mới nhưng hầu hết đều thiếu đất ở, đất sản xuất, đặc biệt ở khu vực Kon Lanh Te chắc chắn sẽ lấn rừng do thiếu đất. Do đó, “chúng tôi đề nghị các chủ đầu tư thủy điện phải tạo ra quỹ phúc lợi xã hội để có nguồn kinh phí cần thiết hỗ trợ bà con hậu tái định cư”.
“Khi đặt vấn đề với họ, họ nói Hội đồng quản trị có cổ đông, người đồng ý, người không, nhưng làm sao phải thuyết phục được mọi người, phải đưa ra chủ trương. Vừa rồi, lãnh đạo Bộ NN&PTNT vào khảo sát và có nói sắp tới đề xuất với EVN nên làm thế. Làm gì thì làm, tất cả các công trình thủy điện phải quan tâm đến người dân và chính quyền địa phương” – vị Phó chủ tịch huyện nhấn mạnh.
Ông Trương Văn Minh, Phó Ban quản lý Dự án tái định cư – tái định canh huyện Kon PLông cũng rất ủng hộ ý kiến này. Ông dẫn chứng: các khu tái định cư những năm đầu có thể ổn định nhưng vài ba năm sau có thể xuống cấp, nếu có quỹ phúc lợi thì sẽ hỗ trợ tốt cho bà con, đặc biệt, cần có quỹ đất dự phòng cho người dân tái định cư, thường các dự án có tính quỹ đất dự phòng 10% nhưng chưa đủ, ví như dự án thủy điện Thượng Kon Tum triển khai năm 2009, sáu năm sau mới tái định cư, vậy trong những năm đó cần có quỹ đất để bà con có thể sinh sống, sản xuất.
Về phía chủ đầu tư, Công ty thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh cho biết nếu địa phương đề nghị đóng góp xây dựng quỹ phúc lợi xã hội thì công ty sẵn sàng tham gia. Trong khi đó, dưới góc độ nhà khoa học, PGS.TS Nguyễn Danh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Gia Lai, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 13 nhấn mạnh: Để giảm thiểu tác động môi trường và xã hội từ việc triển khai các dự án thủy điện, trước khi thực hiện, phải có ý kiến phản biện độc lập của các nhà khoa học để đưa ra những đánh giá khách quan, đặc biệt phải được sự chấp nhận của người dân. Chủ trương của Đảng và Nhà nước là người dân tái định cư ở nơi mới phải tốt hơn nơi ở cũ nhưng các chủ đầu tư có thực hiện được như vậy?
Văn Hoàng