BVR&MT – Thực hiện cơ chế giá sẽ làm thay đổi nhận thức của xã hội, từ thủy lợi ”phục vụ” sang thủy lợi ”dịch vụ”, gắn trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ thủy lợi và bên sử dụng dịch vụ thủy lợi.
Theo tinh thần cải cách hành chính và minh bạch việc sử dụng dịch vụ công, Luật Thủy lợi đã có sự thay đổi lớn khi chuyển sang cơ chế giá. Việc này giúp người sử dụng dịch vụ thủy lợi hiểu rõ bản chất nước là hàng hóa, coi dịch vụ thủy lợi là chi phí đầu vào trong sản xuất, nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, thời gian vừa qua, thủy lợi Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu, minh chứng bằng việc đã phục vụ rất tốt cho nền kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp. Tuy vậy, ngành thủy lợi cũng còn hạn chế từ nội tại như những thể chế trong quản trị nước chưa được tối ưu, quản lý tổng hợp nguồn nước, quản lý thống nhất theo lưu vực sông, chuyển nước thành hàng hóa, vận hành theo thị trường…
Cùng với đó là những thách thức phải đáp ứng được những yêu cầu mới, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần làm giảm nhẹ những tác động do sử dụng tài nguyên thiên nhiên, hay sự phát triển của thượng nguồn…
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cũng nhận định, trước yêu cầu đổi mới nền kinh tế, đặc biệt là đổi mới nền nông nghiệp, đòi hỏi thủy lợi phải có tầm nhìn đa chiều, huy động được nguồn lực và tìm động lực mới cho thủy lợi.
Thực hiện Chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam, trong giai đoạn 2009-2016, nhiều hệ thống thủy lợi lớn đa mục tiêu đã được xây dựng như Cửa Đạt, Ngàn Trươi-Cẩm Trang, Bản Mồng, Tả Trạch, Vân Phong…; kiên cố hóa trên 65.000 km/235.000 km kênh (25,7%); sửa chữa, nâng cấp hàng trăm hồ chứa các loại; nâng cấp hàng nghìn km đê sông, kè, đê biển, xây dựng các khu khu neo đậu tránh trú bão, hệ thống cụm tuyến dân cư tránh ngập lũ…
Luật mới được thông qua cũng nhấn mạnh việc Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện đầu tư xây dựng hoặc hợp tác đầu tư xây dựng công trình thủy lợi theo hình thức đối tác công tư. Theo Luật Thủy lợi, Nhà nước đầu tư cho công trình lớn, quan trọng đặc biệt và ở những nơi đặc biệt, nơi có điều kiện khó khăn. Người sử dụng dịch vụ thủy lợi có trách nhiệm đầu tư, quản lý, khai thác công trình thủy lợi quy mô nhỏ, thủy lợi nội đồng. Nhà nước có chính sách hỗ trợ phù hợp cho từng đối tượng, trong từng trường hợp cụ thể.
Cùng với các quy định của pháp luật về thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư đã được Chính phủ quy định, thì tại Điều 15 của Luật Thủy lợi quy định, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thực hiện đầu tư xây dựng hoặc hợp tác đầu tư xây dựng công trình thủy lợi theo hình thức đối tác công tư.
Đây là nội dung quan trọng của Luật Thủy lợi, thể hiện tư tưởng xã hội hóa, là cơ sở rất quan trọng để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư công trình thủy lợi. Việc thu hút nguồn vốn đầu tư này sẽ không giới hạn, phụ thuộc vào quy mô công trình thủy lợi.
Luật Thủy lợi mới được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Luật gồm 10 chương, 60 điều, quy định về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch thủy lợi; đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; quản lý, khai thác công trình thủy lợi và vận hành hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi; dịch vụ thủy lợi; bảo vệ và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi; thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thủy lợi; trách nhiệm quản lý nhà nước về thủy lợi.