Luật sư trả lời bạn đọc: Tranh chấp công chăm sóc cây trồng trên đất lâm nghiệp

BVR&MT – Độc giả hỏi: Tôi có làm đơn ra tòa để đòi lại đất lâm nghiệp của gia đình tôi bị lấn chiếm. Vụ việc tòa đã điều tra và hòa giải yêu cầu gia đình ông A trả cho gia đình tôi.

Ảnh minh họa.

Nhưng có một việc thế này, lúc gia đình ông A khai thác cây, gia đình tôi đã yêu cầu trả đất và tôi đã làm đơn lên UBND xã yêu cầu giải quyết nhưng vì ông A lúc đấy đang làm cán bộ xã nên vụ việc không được giải quyết. Nay ông A về hưu, gia đình tôi mới kiện. Nhưng lúc kiện tôi lại không ghi trong đơn nội dung đòi công chăm sóc cây gần 3 năm nay (ông A tiếp tục trồng cây từ thời điểm tôi làm đơn gửi UBND xã đến nay đã gần 3 năm), vì lúc gia đình ông A trồng cây, gia đình tôi đã làm đơn và đến tận nhà ông A yêu cầu trả đất nhưng ông vẫn trồng cây. Vì quá bức xúc nên khi gia đình ông A trồng cây xuống, gia đình tôi cứ tiến hành chăm sóc gần 3 năm nay, cây phát triển tốt và gia đình ông A không nói gì, đến nay tòa giải quyết buộc gia đình tôi thanh toán trả cho ông A 30 triệu tiền cây trên đất. Tôi không đồng ý, vì nhà ông A chỉ trồng cây xuống mà không chăm sóc. Nếu tính tiền giống cây và công trồng chỉ 15 triệu.

Vậy nay tôi muốn bổ sung đơn đòi công chăm sóc có được không? (hiện tôi vẫn giữ lá đơn gửi UBND xã có đóng dấu nhận đơn của xã nhưng không giải quyết). Liệu gia đình tôi có đòi được công chăm sóc hay vẫn phải thanh toán số tiền 30 triệu? Việc tôi làm đơn gửi UBND xã nhưng không được giải quyết mà vẫn để gia đình ông A trồng cây vào đất tôi có vi phạm không ?

Ý kiến của Luật sư Hãng Luật TGS LawFirm:

  1. Cơ sở pháp lý:

Luật đất đai năm 2013; Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

  1. Nội dung tư vấn:

Theo thông tin quý khách hàng cung cấp, có thể căn cứ vào Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 để kháng cáo. Với thông tin chia sẻ trên là Tòa án đã xét xử và đưa ra quyết định gia đình bạn phải trả lại cho Ông A 30 triệu đồng tức là giá trị số cây Ông A trồng trên đất đã chiếm. Tuy nhiên gia đình quý khách không đồng ý với quyết định của Tòa án và yêu cầu Ông A bồi thường tiền chăm sóc cây. Như vậy, căn cứ vào Điều 271 Bộ luật Dân sự 2015: “Đương sự,… cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm,… của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm”. Tức là, nếu không đồng ý với quyết định của tòa án cấp sơ thẩm, bạn hoàn toàn có quyền làm đơn kháng cáo gửi lên Tòa án cấp phúc thẩm yêu cầu giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.

Vì bạn không nói rõ thời gian mà tòa án cấp sơ thẩm ra quyết định gia đình bạn phải bồi thường 30 triệu cho ông A đến nay là bao nhiêu ngày, cho nên chúng tôi giả sử có hai trường hợp xảy ra:

Trường hợp 1: Gia đình bạn gửi đơn kháng cáo quá hạn, tức là thời hạn kháng cáo đối với bản án cấp sơ thẩm là 15 ngày tuy nhiên gia đình bạn hiện nay muốn kháng cáo nhưng quá thời hạn đó thì gia đình của bạn vẫn có quyền kháng cáo, theo Điều 275 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015:

” 1. Kháng cáo quá thời hạn quy định tại Điều 273 của Bộ luật này là kháng cáo quá hạn. Sau khi nhận được đơn kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi đơn kháng cáo, bản tường trình của người kháng cáo về lý do kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ (nếu có) cho Tòa án cấp phúc thẩm.

  1. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng gồm ba Thẩm phán để xem xét kháng cáo quá hạn. Phiên họp xem xét kháng cáo quá hạn phải có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp và người kháng cáo quá hạn. Trường hợp người kháng cáo, Kiểm sát viên vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp. 
  2. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc kháng cáo quá hạn, ý kiến của người kháng cáo quá hạn, đại diện Viện kiểm sát tại phiên họp, Hội đồng xét kháng cáo quá hạn quyết định theo đa số về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn và phải ghi rõ lý do của việc chấp nhận hoặc không chấp nhận trong quyết định. Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định cho người kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm và Viện kiểm sát cùng cấp; nếu Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận việc kháng cáo quá hạn thì Tòa án cấp sơ thẩm phải tiến hành các thủ tục do Bộ luật này quy định “.

Trường hợp hai: Trong thời hạn 15 ngày kể từ sau ngày tuyên án, gia đình bạn gửi đơn kháng cáo lên tòa án cấp phúc thẩm thì căn cứ vào Điều 166 Luật đất đai năm 2013: Quyền chung của người sử dụng đất

” …

  1. Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất.

  1. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai “.

Nếu gia đình bạn đã thực hiện việc chăm sóc cây trồng trong 3 năm thì có thể hưởng thụ thành quả do mình tạo ra và chỉ cần trả gia đình Ông A 15 triệu đồng tiền giống cây trồng theo khoản 2 điều 166 Luật đất đai 2013. Việc bạn làm đơn gửi UBND xã nhưng không được giải quyết mà vẫn để gia đình ông A trồng cây vào đất là không vi phạm pháp luật. Bởi bạn đã thể hiện ý chí của mình không đồng tình với hành vi của ông A bằng cách yêu cầu ông A trả lại đất và gửi đơn tố cáo đến UBND.

Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn

Giám Đốc

Hãng Luật TGS LawFirm

Địa chỉ: Số 9 Ngách 6A – Ngõ 6 – Phạm Văn Đồng, Q.Cầu Giấy, TP. Hà Nội

Số di động: 0918 368 772

Email: contact@newvisionlaw.com.vn