Luật sư trả lời bạn đọc (14/08/2018): Pháp luật về sa thải người lao động

BVR&MT – Chào luật sư, công ty Minh Thanh chúng tôi đang kinh doanh trong lĩnh vực cơ khí từ năm 2009. Ngày 20 tháng 7 vừa qua, chúng tôi có sa thải một nhân viên do có hành vi trộm cắp tài sản của công ty. Công ty chưa đưa vụ việc ra Hội đồng kỷ luật cũng như không đưa ra bằng chứng chứng minh hành vi trên. Vậy, công ty chúng tôi có vi phạm pháp luật hay không? Nếu có, công ty chúng tôi nên làm gì để thực hiện đúng luật?

Ý kiến của Hãng Luật TGS LawFirm:

Cảm ơn câu hỏi của Quý công ty đã gửi về cho chúng tôi, đối với nội dung câu hỏi là ngày 20 tháng 7 vừa qua, công ty bạn có sa thải một nhân viên do có hành vi trộm cắp tài sản của công ty. Công ty bạn chưa đưa vụ việc ra Hội đồng kỷ luật cũng như không đưa ra bằng chứng chứng minh hành vi trên. Vậy, công ty của bạn có vi phạm pháp luật hay không? Nếu có, thì nên làm gì để thực hiện đúng luật ?

Luật sư xin được trả lời như sau:

Vì trong câu hỏi bạn gửi về cho chúng tôi, bạn không đề cập rõ đến việc công ty bạn đã thành lập hội đồng kỷ luật hay chưa và nội quy lao động của công ty bạn như thế nào, vì thế, chúng tôi sẽ giả sử xảy ra 3 trường hợp như sau:

  • Trường hợp thứ nhất: Căn cứ Khoản 1 Điều 126 Bộ Luật lao động (BLLĐ) năm 2012 quy định “người có hành vi trộm cắp …gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của NSDLĐ thì có thể áp dụng hình thức kỷ luật sa thải”. Đồng thời, theo Điều 123 của BLLĐ 2012 quy định nguyên tắc đầu tiên để xử lý kỷ luật người lao động đó là “phải chứng minh được lỗi của người lao động”. Như vậy, nếu người lao động (NLĐ) có hành vi trộm cắp gây thiệt hại về tài sản cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) thì NSDLĐ có thể sa thải NLĐ đó nếu chứng minh được hành vi trộm cắp của NLĐ. Quay trở lại với công ty bạn, nếu trong nội quy của công ty quy định rõ việc áp dụng hình thức kỷ luật là sa thải đối với nhân viên có hành vi trộm cắp tài sản của công ty, đồng thời đưa ra bằng chứng chứng minh và đưa bằng chứng đó lên hội đồng kỷ luật thì việc sa thải nhân viên của công ty bạn là hoàn toàn đúng pháp luật.

    Ảnh minh họa.
  • Trường hợp thứ hai: Cũng theo Khoản 1 Điều 126 và Điểm a Khoản 1 Điều 123 của BLLĐ năm 2012, nếu trong nội quy của công ty bạn không ghi rõ áp dụng hình thức kỷ luật sa thải đối với nhân viên có hành vi trộm cắp tài sản của công ty, đồng thời công ty cũng không chứng minh được lỗi của người lao động thì việc công ty bạn sa thải nhân viên là trái pháp luật lao động. Trong trường hợp này, nếu người bị xử lý kỷ luật lao động có đơn khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền và cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại kết luận khác với nội dung quyết định xử lý kỷ luật lao động thì căn cứ Khoản 3 Điều 33 Nghị định 05/2015 NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của bộ luật lao động, công ty bạn phải “có nghĩa vụ thực hiện các quy định các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 42 của BLLĐ.” quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động .Tức là khi công ty bạn đưa ra quyết định sa thải NLĐ trái pháp luật và bị khiếu nại lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì sẽ bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền coi là trường hợp đơn phương chấm dứt hợp hợp đồng lao động trái pháp luật và công ty bạn phải bồi thường cho NLĐ.
  • Trường hợp thứ ba: Nếu trong nội quy của công ty bạn có quy định áp dụng hình thức kỷ luật sa thải với nhân viên có hành vi trộm cắp tài sản của công ty, đồng thời có bằng chứng chứng minh lỗi của người lao động nhưng không thành lập hội đồng kỷ luật và đưa bằng chứng lên thì công ty của bạn đã vi phạm về trình tự thủ tục khi áp dụng hình thức kỷ luật là sa thải NLĐ. Như vậy, quyết định sa thải của công ty bạn sẽ là vô hiệu và công ty của bạn phải hủy bỏ quyết định sa thải cũ theo khoản 2 Điều 33 Nghị định 05/2015 NĐ-CP và tiến hành trình xử lý kỷ luật người lao động đã quy định tại Điều 30 Nghị định 05 / 2015 NĐ-CP, cụ thể như sau:
  1. “Người sử dụng lao động gửi thông báo bằng văn bản về việc tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động cho Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên cơ sở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở, người lao động, …ít nhất 5 ngày làm việc trước khi tiến hành cuộc họp.
  2. Cuộc họp xử lý kỷ luật lao động được tiến hành khi có mặt đầy đủ các thành phần tham dự được thông báo theo quy định tại Khoản 1 Điều này. Trường hợp người sử dụng lao động đã 03 lần thông báo bằng văn bản, mà một trong các thành phần tham dự không có mặt thì người sử dụng lao động tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động, trừ trường hợp người lao động đang trong thời gian không được xử lý kỷ luật quy định tại Khoản 4 Điều 123 của BLLĐ.
  3. Cuộc họp xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản và được thông qua các thành viên tham dự trước khi kết thúc cuộc họp. Biên bản phải có đầy đủ chữ ký của các thành phần tham dự cuộc họp quy định tại Khoản 1 Điều này và người lập biên bản. Trường hợp một trong các thành phần đã tham dự cuộc họp mà không ký vào biên bản thì phải ghi rõ lý do.

           …

  1. Quyết định xử lý kỷ luật lao động phải được ban hành trong thời hạn của thời hiệu xử lý kỷ luật lao động hoặc thời hạn kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật lao động theo Điều 124 của BLLĐ, Quyết định xử lý kỷ luật lao động phải được gửi đến các thành phần tham dự phiên họp xử lý kỷ luật lao động”.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn
(Giám đốc hãng Luật TGS LawFirm)