BVR&MT – Tham tán Nguyễn Cảnh Cường cho rằng mọi quy định về chuỗi cung ứng hàng hóa nông nghiệp phải được xây dựng cẩn trọng, nhằm tránh tác động tiêu cực tới các hộ sản xuất cũng như các chi phí phát sinh.
Các quy định pháp luật và tiêu chuẩn quốc tế mới nhằm chống nạn phá rừng có thể trở thành hàng rào kỹ thuật đối với thương mại nông lâm sản, bao gồm càphê sản xuất tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Đây là chủ đề được thảo luận tại hội thảo Thách thức và cơ hội cho ngành cà phê thế giới trong bối cảnh Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) ban hành quy định pháp luật và tiêu chuẩn nhằm chống nạn phá rừng tại các nước đang phát triển, do Hiệp hội càphê Anh tổ chức tại London chiều 17/6 (giờ địa phương).
Tham tán công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Anh, Nguyễn Cảnh Cường đã tham dự và có bài phát biểu tại hội thảo.
Hội thảo tập trung thảo luận về các xu hướng, quy định và các tiêu chuẩn quốc tế nhằm chống nạn phá rừng, tác động của những quy định này đối với thương mại quốc tế nói chung và ngành càphê nói riêng.
Hội thảo cũng trao đổi về các thách thức đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và an toàn thực phẩm liên quan tới các quy định chống phá rừng, cũng như các cơ hội từ việc tuân thủ các quy định này.
Các diễn giả tại hội thảo đã cập nhật các quy định của Anh và EU nhằm chống nạn phá rừng, đặc biệt là các yêu cầu về an toàn thực phẩm và truy xuất sản phẩm; việc áp dụng và thực thi các quy định này cũng như chế tài xử phạt, theo đó có thể áp dụng lệ phí phá rừng, và các công ty của Anh hay EU vi phạm có thể bị phạt tiền lên đến 250,000 bảng Anh hoặc 4% doanh số.
Tham tán công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Anh, Nguyễn Cảnh Cường nhấn mạnh, là một trong những quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, Việt Nam luôn coi trọng việc bảo vệ rừng và chống nạn phá rừng, cũng như việc thực hiện các thỏa thuận, cam kết quốc tế nhằm ngăn chặn việc khai thác và buôn bán bất hợp pháp gỗ và các sản phẩm từ rừng, và đảm bảo nguồn gốc hợp pháp của các sản phẩm xuất khẩu.
Tham tán Nguyễn Cảnh Cường đã cập nhật các quy định pháp luật, chính sách và cam kết của Việt Nam nhằm bảo vệ rừng và chống nạn phá rừng, trong đó nổi bật các chính sách về sử dụng đất và rừng theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) nhằm đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, nhằm đảm bảo an ninh lương thực, ổn định kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thực hiện hiệu quả các cam kết về giảm phát thải của Việt Nam.
Ông Nguyễn Cảnh Cường cho hay các chính sách, quy định của Việt Nam ưu tiên giữ diện tích rừng hiện có, trồng lại tại các diện tích rừng bị mất và trồng rừng mới; phòng chống nạn khai thác và buôn bán gỗ bất hợp hợp pháp; cấm mọi hoạt động khai thác tại rừng tự nhiên từ năm 2016; đồng thời quy định về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam cũng như đảm bảo phát triển bền vững trong hoạt động chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm không phải gỗ.
Việt Nam cũng ký các thỏa thuận với EU về luật và quản lý rừng và mua bán hàng hóa là sản phẩm của rừng, có hiệu lực từ ngày 1/6/2019; và với Mỹ về ngăn chặn nạn khai thác và buôn bán gỗ bất hợp pháp, có liệu lực từ ngày 1/1/2021.
Đề cập tới những thách thức của các nhà sản xuất Việt Nam, ông Nguyễn Cảnh Cường nhận định giống như nhiều nước đang phát triển, các hộ gia đình Việt Nam sản xuất trên quy mô nhỏ với nguồn lực hạn chế, và vì vậy dễ chịu tổn thương.
Ông Cường cho rằng mọi quy định về chuỗi cung ứng hàng hóa nông nghiệp phải được xây dựng cẩn trọng nhằm tránh các tác động tiêu cực tới các hộ sản xuất cũng như tránh các chi phí phát sinh cho các bên tham gia chuỗi cung ứng.
Ông Nguyễn Cảnh Cường cũng nhấn mạnh, do Việt Nam đang thực thi VPA (Thỏa thuận đối tác tự nguyện giữa EU với một quốc gia sản xuất gỗ ngoài EU nhằm đảm bảo gỗ và các sản phẩm từ gỗ xuất khẩu sang EU có nguồn gốc hợp pháp) và FLEGT (Kế hoạch hàng động của EU về thực thi luật, quản trị và thương mại liên quan đến rừng nhằm giảm thiểu nạn đốn gỗ bất hợp pháp), các bên liên quan không nên đưa ra những quy định mới về chuỗi cung ứng có thể mâu thuẫn hoặc chồng lấn với các cơ chế, thỏa thuận mà Việt Nam đang thực hiện.
Ông cho rằng các nước phát triển như Anh cần xây dựng các chính sách và dự án nhằm hỗ trợ các quốc gia đang phát triển thực hiện sản xuất xanh để phát triển bền vững và phòng chống nạn phá rừng./.