BVR&MT – Hôm nay, tại Hà Nội, Hội Chủ rừng Việt Nam đã phối hợp cùng với Trung tâm vì Con người và Rừng (RECOFTC) và Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức Hội thảo quốc gia về quyền hưởng dụng của các chủ rừng là hộ gia đình và cộng đồng nhằm đưa ra các kiến nghị đối với dự thảo số 5 của luật bảo vệ phát triển rừng sửa đổi.
Tham gia Hội thảo có đại diện lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, đại diện một số Chi cục Kiểm lâm, các chuyên gia nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ có liên quan; các chủ rừng là công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng, hộ gia đình, cộng đồng và các cơ quan truyền thông.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hứa Đức Nhị, Chủ tịch Hội chủ rừng Việt Nam, cho biết hiện nay cả nước có gần 1,5 triệu hộ gia đình, cá nhân (1.481 nghìn) được giao đất giao rừng, cùng với hàng trăm (632) các tổ chức là các Ban quản lý rừng đặc đụng, Ban quản lý rừng phòng hộ, các Công ty lâm nghiệp và các Tổ chức quản lý các khu rừng nghiên cứu khoa học và đào tạo. Tuy nhiên, các quy định trong luật 2004 và trong Dự thảo luật sửa đổi lại chỉ đề cập chủ yếu đến các chủ rừng là các hộ gia đình, cá nhân, các cộng đồng dân cư được giao đất giao rừng. Như vậy, rất nhiều các hộ gia đình, cá nhân làm rừng hiện nay nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của các quy định trong luật, như: những người trồng rừng trên đất của chủ rừng khác theo các quy định về khoán lâu dài (50 năm) theo Nghị định 01của Chính phủ (1992). Trong khi đó, số các hộ gia đình được giao khoán hay những người nhận khoán làm rừng hay bảo vệ rừng theo nghị định 135 sau này là rất nhiều và hiện cả những chủ rừng giao khoán và người nhận khoán đều gặp không ít những khó khăn và bất cập trong quản lý.
Ngoài ra, theo ông Nhị, gắn bó với rừng và có nhiều lợi ích từ rừng, ngoài các chủ rừng được giao đất giao rừng còn là hàng triệu hộ gia đình, nhiều cộng đồng dân cư không được giao đất giao rừng. Họ có thể là những cộng đồng dân cư đã gắn bó với rừng từ nhiều đời nay, nhưng những khu rừng đó hiện đã là rừng của các công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng hay của các chủ rừng khác và họ hiện là người ngoài cuộc và trở thành đối tượng xâm hại rừng tiềm tàng của các cơ quan quản lý và chủ rừng. Ông cũng bày tỏ mong muốn những bất cập này sẽ được xem xét và điều chỉnh trong Dự thảo mới của Luật Bảo về và Phát triển rừng.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Quang Tân, nguyên trưởng đại diện của Trung tâm Vì con người và Rừng tại Việt Nam, cho rằng nên bổ sung khái niệm “sở hữu rừng riêng” về các hình thức sở hữu rừng. Theo ông, thực tế cho thấy nhiều khu rừng giao cho hộ gia đình và cá nhân là rừng nghèo kiệt sau khai thác, chưa có rừng hoặc có những đám rừng rải rác, không tập trung. Tuy nhiên, sau một thời gian được các chủ rừng bỏ công sức và tiền của để xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung hoặc tự đầu tư làm giàu rừng bằng việc trồng rừng cây bản địa nên sau đó đã trở thành rừng tự nhiên. Vì vậy rừng trồng do hộ gia đình và cá nhân tự đầu tư và tự nhiên được phục hồi do tác động của hộ gia đình và cá nhân sau khi giao cần được coi là tài sản thuộc sở hữu riêng của họ.
Bên cạnh đó, ông Tân cũng đề xuất bổ sung quyền của hộ gia đình và cá nhân với rừng sản xuất là rừng tự nhiên và rừng sản xuất. Theo đó, hộ gia đình nên được quyền khai thác lâm sản trên diện tích rừng sản xuất được giao, được thuê theo phương án quản lý rừng bền vững được phê duyệt; được thực hiện và hưởng lợi từ các dịch vụ môi trường rừng… vì nguồn thu từ rừng là một động lực quan trọng cho người dân tham gia bảo vệ diện tích rừng tự nhiên và đầu tư phát triển rừng trồng.
Tại Hội thảo, ông Hoàng Xuân Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cũng đề xuất việc thừa nhận “khu bảo tồn do cộng đồng quản lý”. Đây là khái niệm khá mới nhưng đã được 17 quốc gia trên thế giới thừa nhận, trong đó tại khu vực Đông Nam Á khu bảo tồn do cộng đồng quản lý đã được thiết lập tại Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Philippin Theo ông Thủy, hiện nay trên thế giới có 209.000 khu bảo tồn – chiếm 15,4% diện tích trên toàn thế giới, trong đó, quản lý cộng đồng chỉ chiếm 1%. Tuy nhiên, cùng với xu hướng đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho bảo tồn thiên nhiên, tỷ lệ các khu bảo tồn và diện tích quản lý bởi cộng đồng đang có xu hướng tăng lên.
Ông Thủy nhận định, việc thừa nhận các khu bảo tồn do cộng đồng quản lý tại Việt Nam sẽ giúp thúc đẩy mục tiêu xã hội hóa ngành lâm nghiệp và xã hội hóa về bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo sự tham gia cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương trong công tác bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên. Ngoài ra, điều này cũng giúp mở rộng diện tích bảo tồn nhưng giảm chi phí đầu tư và quản lý của nhà nước, tạo nên các hành lang xanh, giúp giảm sức ép lên các khu bảo tồn trọng yếu và hỗ trợ chính phủ đạt được các mục tiêu của cam kết quốc tế như mục tiêu Aichi trong khuôn khổ Công ước Đa dạng sinh học CBD và công ước khung về biến đổi khí hậu (UNFCCC)… Về mặt xã hội, theo ông Thủy việc lập các khu bảo tồn cộng đồng quản lý sẽ giúp đảm bảo lợi ích chính đáng và nâng cao khả năng tiếp cận của người dân với nguồn tài nguyên; cải thiện mối quan hệ trong quản lý tài nguyên giữa các bên, duy trì kiến thức văn hóa bản địa, hài hòa lợi ích giữa bảo vệ rừng với đời sống văn hóa, tinh thần và góp phần đảm bảo sinh kế cho người dân địa phương.
Các đại biểu tại Hội thảo đều đồng thuận cho rằng cần tăng cường việc đảm bảo quyền lợi của các hộ gia đình và các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng, đặc biệt là quyền của các nhóm yếu thế thông qua các quy định về tăng quyền tiếp cận của người dân đối với rừng như quyền sở hữu, quyền khai thác, định đoạt tài sản…
Dự thảo số 5 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng dự kiến sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới vào tháng 5 tới đây.
Bạch Dương