Lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học với phát triển du lịch bền vững

BVR&MT – Việt Nam là một trong những quốc gia có sự đa dạng sinh học lớn nhất thế giới, với khoảng 10% số loài trong khi diện tích đất chỉ chiếm chưa tới 1% trên thế giới.

Vì vậy, nhu cầu quản lý một cách bền vững các khu vực được ưu tiên bảo tồn, tăng cường tài chính để bảo tồn đa dạng sinh học là rất cần thiết cho tương lai của nền kinh tế. Bởi đa dạng sinh học là vốn tự nhiên quan trọng để phát triển nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch của Việt Nam.

Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là điểm cuối cùng của lãnh thổ Việt Nam, nơi du khách có thể ngắm nhìn mặt trời mọc ở biển Đông và lặn ở phía biển Tây.

Một hợp phần của ngành du lịch

Du lịch là động lực tạo việc làm, xuất khẩu và đầu tư. Du lịch dựa vào thiên nhiên là một hợp phần của ngành du lịch, được định nghĩa là du lịch có trách nhiệm tại các khu vực tự nhiên, nhằm bảo tồn môi trường và nâng cao phúc lợi cho người dân địa phương.

Nếu được quản lý tốt, du lịch dựa vào thiên nhiên sẽ là một trong những thành phần kinh tế có đóng góp lớn nhất cho nguồn tài chính để duy trì hệ thống các khu vực được bảo tồn tại một số quốc gia. Chỉ tính riêng năm 2016, tổng mức đóng góp của du lịch và lữ hành vào GDP của Việt Nam là 18,4 tỷ USD, chiếm 9,1% tổng GDP trong năm 2016.

Chính vì vậy, tại Tuần lễ Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) lần thứ 6 tại Đà Nẵng (từ 23 – 29/6), Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) đồng tổ chức Hội nghị “Bảo tồn đa dạng sinh học và Du lịch bền vững” nhằm thúc đẩy các hoạt động bảo tồn và du lịch ở Việt Nam, đồng thời học tập những kinh nghiệm của thế giới về cách quản lý bền vững các khu vực được bảo tồn và phát triển hoạt động du lịch đảm bảo việc sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên mang lại hiệu quả kinh tế và đóng góp cho bảo tồn đa dạng sinh học.

Phó Chủ tịch WB Axel van Trotsenburg cho rằng, Việt Nam cần tăng cường năng lực quản lý bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên bền vững theo hướng tối đa hóa hiệu quả các nguồn lực hiện có, mặt khác thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn gắn với du lịch bền vững ở Việt Nam.

San hô Favia speciosa dưới Vịnh Bái Tử Long.

Các hệ sinh thái của Việt Nam có ý nghĩa to lớn trong đời sống tự nhiên và con người không chỉ ở phạm vi của quốc gia, mà còn ở phạm vi khu vực và toàn cầu. Các giá trị dịch vụ hệ sinh thái này là nền tảng cho du lịch bền vững, góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị dịch vụ hệ sinh thái.

Một trong những minh chứng sống động là GEF và UNDP đã tài trợ cho dự án “Tạo các liên kết: Các kết nối và quản lý bền vững trong bảo tồn thiên nhiên ở Kon Ka Kinh và Kon Cha Rang” thuộc tỉnh Gia Lai. Mục tiêu lâu dài là bảo tồn đa dạng sinh học độc đáo của Khu vực Cảnh quan ưu tiên Trung Trường Sơn của Việt Nam, trong đó Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng là 2 địa điểm đa dạng sinh học có tầm quan trọng toàn cầu.

Kết quả mà dự án mang lại là tăng cường năng lực thể chế cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai về quản lý và bảo vệ rừng, nâng cao nhận thức cộng đồng địa phương, những người ra quyết định, các nhà khoa học và các nhà tài trợ về những giá trị bảo tồn độc đáo của khu bảo tồn; thiết lập nền tảng cho quản lý rừng bền vững và chứng nhận quản lý rừng ở các lâm trường Đắc Rông và Trạm Lập, hướng tới duy trì sự toàn vẹn của hành lang rừng giữa Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.

Hoàn thiện môi trường pháp lý

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định: Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực hoàn thiện môi trường pháp lý để phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là cộng đồng dân cư địa phương.

Với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, mối quan hệ đối tác hiệu quả giữa các quốc gia, Chính phủ với các tổ chức và doanh nghiệp cũng như sự tham gia của tất cả các bên liên quan sẽ đưa du lịch sinh thái, du lịch dựa vào thiên nhiên ở Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng trong tương lai, là chất xúc tác cho sự thay đổi tích cực trong bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững ở Việt Nam.

Loài Voọc chà vá chân nâu đang sinh sống trên bán đảo Sơn Trà.

Chính phủ Việt Nam đã có nhiều hành động để đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, cụ thể: Việt Nam là thành viên của nhiều công ước và cam kết quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học như Công ước Đa dạng sinh học (CBD), Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (RAMSAR ), Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITIES)…

Hệ thống chính sách, pháp luật trong nước về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cũng ngày càng hoàn thiện. Việt Nam đã ban hành và triển khai các luật rất quan trọng để bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học như Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Thủy sản, Luật Du lịch, Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cùng nhiều văn bản hướng dẫn thi hành.

Nhiều khu bảo tồn của Việt Nam có tầm quan trọng toàn cầu và khu vực được công nhận gồm 8 khu ramsar, 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 2 khu di sản thiên nhiên thế giới, 1 khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 5 khu vườn di sản ASEAN.

Hiện nay tại Việt Nam, có hơn 180 khu bảo tồn thiên nhiên và 63 vùng chim quan trọng (IBA). Đây là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch sinh thái. Theo thống kê của Viện nghiên cứu phát triển du lịch, các vườn quốc gia và khu bảo tồn tại Việt Nam thu hút trên 30% lượng khách du lịch hàng năm.

Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Việt Nam hướng đến mục tiêu đến năm 2020, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, loài, nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm được bảo tồn và sử dụng bền vững, góp phần phát triển đất nước theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việc lựa chọn các giải pháp lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch bền vững đối với phát triển kinh tế – xã hội, huy động sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, phát triển các mô hình du lịch sinh thái, du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên đã và đang được Việt Nam thực hiện.