BVR&MT – Trước các yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt về việc giảm phát thải khí CO2, Việt Nam và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã đề ra chiến lược lâu dài để làm giàu nguồn carbon, hạn chế tối đa những tác động xấu tới môi trường sống, làm cho trái đất “xanh” và thân thiện hơn. Trong đó, tạo tín chỉ carbon và hình thành thị trường carbon là những nội dung rất cụ thể, thiết thực với nhiều lợi ích.
Từ xu thế tất yếu…
Tín chỉ carbon là chứng nhận để giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải lượng khí nhà kính, cụ thể là khí CO2. Nó đại diện cho quyền phát thải một tấn CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2 (tCO2e) vào bầu khí quyển. Là giấy phép hoặc chứng chỉ có thể mua bán, cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn carbon dioxide hoặc tương đương với một loại khí nhà kính khác.
Mục tiêu chính của việc tạo ra tín chỉ carbon là giảm lượng khí thải carbon dioxide và các loại khí nhà kính khác từ các hoạt động công nghiệp, nhằm giảm tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Đồng thời là chứng nhận để giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải lượng khí nhà kính, cụ thể là khí CO2.
Còn thị trường tín chỉ carbon là một hệ thống giao dịch cho phép các tổ chức mua bán quyền phát thải khí nhà kính, cụ thể là CO2. Một khoản tín dụng carbon có thể trao đổi được tương đương với một tấn carbon dioxide hoặc lượng tương đương của một loại khí nhà kính khác được giảm thiểu.
Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu, thông qua vào năm 1997. Theo đó, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết.
Tại Việt Nam, ngày 7/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Nghị định này quy định cụ thể về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước.
Theo đó, Đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam” đã xác định giai đoạn đến hết năm 2027 sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon. Chủ trương đến năm 2025 sẽ thí điểm và năm 2028 chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Việc phát triển thị trường carbon trong nước tập trung vào giao dịch bắt buộc của việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính của các doanh nghiệp và trao đổi trong thị trường carbon trong nước, định hướng kết nối với thị trường quốc tế. Để triển khai lộ trình này cần có sự chuẩn bị về hạ tầng, kỹ thuật, năng lực kiểm kê và báo cáo của doanh nghiệp. Theo đó, cả nước có gần 2.000 doanh nghiệp bắt buộc phải kiểm kê khí nhà kính và đáp ứng hạn ngạch phát thải. Theo xu hướng thực hiện mục tiêu NetZero, nhu cầu tín chỉ carbon tự nguyện trên thế giới đang tăng lên, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Theo thống kê của Công khung ước LHQ về biến đổi khí hậu, nước ta có khoảng 40 triệu tín chỉ carbon. Song, trên thực tế con số này cao hơn nhiều, bao gồm các loại hình như rừng, biển, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng… đều tạo ra tín chỉ carbon.
Theo đánh giá của các chuyên gia, dự kiến trong tương lai, mỗi năm nước ta có khoảng 10,8 triệu tín chỉ carbon tự nguyện được cung cấp, kèm theo đó là nhu cầu trao đổi, mua bán cao. Việc hình thành thị trường carbon giúp nắm bắt những cơ hội trong việc giảm phát thải carbon một cách hiệu quả, tăng khả năng tương thích với các cơ chế định giá quốc tế.
Dù Việt Nam chưa vận hành thị trường tín chỉ carbon chính thức, việc chuyển giao kết quả giảm phát thải được thực hiện thông qua các thỏa thuận đàm phán song phương giữa các bên liên quan theo thị trường tự nguyện song hàng trăm dự án tín chỉ carbon theo các tiêu chuẩn quốc tế độc lập đang được triển khai khá rộng khắp.
Không chỉ dễ dàng sớm đạt mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính, việc sớm vận hành thị trường tín chỉ carbon sẽ đem lại nguồn tài chính lớn, có thể lên đến hàng tỷ USD để tiếp tục vận hành, phát triển các dự án tiềm năng…
..đến lợi ích trước mắt và lâu dài
Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong các nước tạo tín chỉ carbon và đã thu được khoản tài chính khá lớn nhờ bán tín chỉ này. Theo đó, Ngân hàng Thế giới (WB) vừa chi 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) để mua 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng tại các tỉnh Bắc Trung Bộ. Đây là tín hiệu tích cực, là động lực để nước ta thúc đẩy giao dịch tín chỉ carbon, tiến tới lập sàn giao dịch carbon, tạo nguồn tài chính cho đất nước.
Giá trung bình WB mua là 5 USD/tín chỉ carbon, khá cao nhưng WB vẫn để lại cho VN tới 95% để đóng NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định về giảm phát thải khí nhà kính). Một phần khoản tiền này sẽ quay lại hỗ trợ các địa phương Bắc Trung Bộ trong việc nghiên cứu, xây dựng chính sách bảo vệ, phát triển rừng, bảo đảm sinh kế cho người dân giữ rừng. Đây là khoản hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong bảo vệ, phát triển rừng, giảm phát thải khí nhà kính.
WB có một quỹ về hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng tại các quốc gia có diện tích rừng lớn và thay vì đưa tiền tài trợ cho, họ yêu cầu Việt Nam phải cam kết bảo vệ, phát triển rừng, lượng hấp thụ carbon khu vực rừng mà WB đã mua và không được bán cho đối tác khác. Đến nay, nước ta có hơn 100 dự án đã được cấp tín chỉ carbon để giao dịch trên sàn quốc tế.
Các doanh nghiệp, tổ chức trên cả nước đang có khoảng 41 triệu tín chỉ carbon, đứng thứ 5 trong các nước tạo tín chỉ carbon. Theo các chuyên gia, Việt Nam là một cường quốc, thậm chí vượt xa nhiều quốc gia trong khu vực về số lượng dự án carbon.
Phú Thọ là tỉnh miền núi, có diện tích rừng tự nhiên khá lớn, là một trong những điều kiện thuận lợi để tạo tín chỉ carbon. Thêm đó, việc tỉnh chủ trương phát triển các ngành công nghiệp theo hướng ưu tiên các dự án có hàm lượng công nghệ cao, năng lượng sạch, thân thiện với môi trường, cùng quan điểm không đánh đổi tăng trưởng kinh tế đơn thuần mà tác động xấu đến môi trường.
Chính những điều này sẽ giúp tỉnh có cơ hội tạo nhiều tín chỉ carbon để có thể tham gia thị trường, từ đó có thêm nguồn kinh phí đáng kể để tái đầu tư cho các nguồn tạo tín chỉ carbon, góp phần xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội bền vững.