BVR&MT – Liều vắc xin tăng cường sử dụng công nghệ mRNA (Pfizer, Moderna) tăng nhiều kháng thể nhất so với 5 loại khác.
Các quan chức Anh trích dẫn nghiên cứu COV-Boost khi thông báo sẽ ưu tiên sử dụng vắc xin Pfizer và Moderna trong chiến dịch tiêm liều tăng cường của nước này.
Theo đó, 6 trong số 7 loại vắc xin tăng cường đã thúc đẩy khả năng miễn dịch khi các mũi tiêm trước là Pfizer. Trong khi đó, cả 7 loại đều tăng khả năng miễn dịch nếu các mũi tiêm trước đó là AstraZeneca.
“Liều thứ ba sẽ có hiệu quả khi dùng các loại vắc xin mà chúng tôi đã thử nghiệm và ở nhiều dạng kết hợp khác nhau”, Giáo sư Saul Faust, nhà miễn dịch học tại Đại học Southampton và trưởng nhóm thử nghiệm, thông báo.
Nghiên cứu cho thấy, một liều hoặc nửa liều Pfizer hay một liều Moderna tăng rất hiệu quả mức kháng thể và tế bào T, bất kể người tiêm ban đầu dùng Pfizer hay AstraZeneca.
Khi được sử dụng làm mũi tăng cường, AstraZeneca, Novavax, Johnson & Johnson và Curevac sẽ tăng kháng thể cho vắc xin ban đầu, mặc dù ở mức độ thấp hơn. Tuy nhiên, trong khi tăng cường kháng thể ở những người ban đầu được tiêm vắc xin AstraZeneca, Valneva không tạo ra sự thúc đẩy cho Pfizer.
Các mũi tiêm tăng cường cũng tạo ra phản ứng lớn hơn của tế bào T chống lại các biến thể Beta và Delta, có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể lâu dài hơn.
“Phản ứng của tế bào T dường như rộng hơn đối với tất cả các biến thể. Điều này cho chúng ta hy vọng các loại vắc xin hiện tại có thể xử lý được biến thể của virus trong nguy cơ nhập viện và tử vong, nếu không ngăn ngừa được nhiễm bệnh”, Giáo sư Faust nói.
Nghiên cứu đã tiến hành trước khi có sự xuất hiện của biến thể Omicron. Giáo sư Faust cho biết ông đã chia sẻ các mẫu với Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh để tạo ra dữ liệu về Omicron.