Liên tiếp xảy ra cháy rừng ở Lào Cai

BVR&MT – Chiều 13/3, Văn phòng UBND thị xã Sa Pa (Lào Cai) cho biết, đã dập tắt đám cháy rừng xảy ra ở địa phương. Do thời tiết khô nóng, gió thổi mạnh nên vẫn bố trí một tổ công tác khoảng 20 cán bộ kiểm lâm và lực lượng dân quân xã Thanh Bình ở lại trên núi cao, đề phòng lửa bùng phát trở lại.

Phát đường băng khoanh vùng, cản lửa để dập tắt đám cháy rừng ở thị xã Sa Pa (Lào Cai).

Trước đó, vào tối 12/3, tại khu vực núi giáp ranh giữa xã Thanh Bình (Sa Pa) và xã Tả Phời (TP Lào Cai) xuất hiện một điểm cháy. Do thời tiết khô hanh, gió to, đám cháy lan rất nhanh thành đám cháy rừng lớn.

Phát hiện đám cháy, thị xã Sa Pa đã huy động hơn 300 dân quân các xã Thanh Bình, Mường Hoa, Bản Hồ cùng lực lượng kiểm lâm, bộ đội… thực hiện khoanh vùng, phát đường băng cản lửa, sử dụng các phương tiện tại chỗ dập lửa. Đến 10 giờ ngày 13/3, đã cơ bản khống chế được đám cháy.

Do thời tiết nóng khô, gió thổi mạnh nên thị xã đã bố trí tổ công tác khoảng 20 người, là cán bộ kiểm lâm và dân quân xã Thanh Bình ở lại điểm cháy trên núi cao, đề phòng lửa bùng phát trở lại.

Nguyên nhân vụ cháy bước đầu xác định, do một số hộ dân trong khu vực đốt nương không cẩn trọng, gây cháy rừng.

Trong tuần qua, tại Lào Cai liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng. Ngày 12/3, tại khu vực giáp ranh giữa thôn Phan Cán Sử và thôn Ngải Chồ, xã Y Tý, huyện Bát Xát xảy ra cháy rừng, đám cháy được khống chế vào lúc 22 giờ cùng ngày, làm thiệt hại một số diện tích rừng cây sơn tra và cây ăn quả của người dân địa phương. Ngày 8/3, tại thôn Giàng Tra, phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa xảy ra vụ cháy rừng phòng hộ tại đây, diện tích cháy khoảng hai héc-ta.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Sâm, Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Lào Cai cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường lực lượng, tổ chức rà soát, đánh giá, phân vùng trọng điểm, xác định những khu vực trọng yếu, đặc biệt đối với ba khu rừng đặc dụng là Vườn quốc gia Hoàng Liên, Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát và Khu bảo tồn thiên nhiên Văn Bàn, bố trí các chòi canh, chốt gác lưu động tại đây. Tổ chức người canh gác, quan sát thường trực 24/24 giờ vào thời điểm khô nóng như hiện nay, kiểm soát người ra vào rừng, phát hiện sớm các đám cháy, ứng phó, khoanh vùng, dập tắt kịp thời khi xảy ra.