BVR&MT – Tính đến 11 giờ 20 phút, ngày 22/9, tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum xảy ra 7 trận động đất có độ lớn từ 2,7 đến 4,4 độ richter. Cấp độ của trận động đất này không gây rủi ro thiên tai.
Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, cấp độ 7 trận động đất xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum sáng ngày 22/9 không gây rủi ro thiên tai.
Cụ thể, trận động đất có độ lớn 4,4 độ richter xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum vào lúc 7 giờ 45 phút 47 giây, ngày 22/9, tại tọa độ: 14,833 độ Vĩ Bắc – 108,303 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu: 8 km.
Trận động đất có độ lớn 2,7 độ richter xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum vào lúc 5 giờ 4 phút 29 giây, ngày 22/9, tại tọa độ: 14,819 độ Vĩ Bắc – 108,263 độ Kinh Ðông, độ sâu chấn tiêu: 8,1km.
Ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết: Động đất có thể được phân làm hai loại: Có nguồn gốc tự nhiên và do hoạt động của con người. Động đất tự nhiên hình thành do quá trình tích lũy năng lượng phát sinh bởi các đứt gãy kiến tạo hoặc ở vùng có phun trào núi lửa tạo nên. Trong khi đó, động đất kích thích do hoạt động của con người như xây dựng các hồ chứa, đập thủy điện, khai thác mỏ, vụ nổ hạt nhân…
Qua quan trắc, nguyên nhân của hiện tượng trên liên quan đến động đất kích thích do hồ chứa. Việc phát sinh động đất kích thích hồ chứa phụ thuộc vào hoạt động địa chất kiến tạo, thể tích hồ chứa, độ cao, tốc độ và tần suất tích nước. Hiện tượng động đất kích thích từng xuất hiện tại Thủy điện sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) năm 2012 và đến nay vẫn còn động đất ở đây. Các trận động đất lớn thường kèm theo tiền chấn và dư chấn nên động đất sẽ thường xuất hiện theo chuỗi.
Dự báo động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, nhưng khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ richter. Cần triển khai ngay các nghiên cứu chi tiết hơn để đánh giá hoạt động động đất ở khu vực này.
Ông Nguyễn Xuân Anh lưu ý, trong tương lai, động đất có thể sẽ xuất hiện và gây ra hậu quả lớn, nhất là nếu xảy ra ở các khu vực đông dân cư và có các công trình trọng điểm. Do đó, việc đánh giá nguy hiểm động đất là rất cần thiết và cần được cập nhật hằng năm để phục vụ thiết thực cho công tác quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, thiết kế kháng chấn cho các loại công trình từ trọng điểm đến khu dân cư.
Viện Vật lý Địa cầu sẽ tiếp tục khảo sát, quan trắc, nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận. Bên cạnh đó, Viện sẽ thông báo kịp thời về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này./.