BVR&MT – Ngày 24/2 các chuyên gia nhân quyền của Liên hợp quốc đã kêu gọi các quốc gia thành viên có hành động mạnh mẽ và khẩn trương để đảm bảo rằng mọi người dân trên thế giới đều được sống trong môi trường trong sạch, không bị ô nhiễm không khí.
Trong thông cáo báo chí do Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền (OHCHR) công bố, Đặc phái viên của Liên hợp quốc phụ trách vấn đề nhân quyền và tình trạng rác thải độc hại, ông Baskut Tuncak nói: “Ô nhiễm không khí là mối đe dọa nghiêm trọng đối với nhân quyền trên toàn thế giới và không khí bị nhiễm độc làm gia tăng nguy cơ con người mắc các chứng bệnh đột quỵ, tim mạch, ung thư và bệnh hô hấp, trong đó có cả bệnh hen suyễn.”
Sát cánh cùng ông Tuncak để đưa ra lời cảnh báo nêu trên là ông Dainius Puras, Đặc phái viên phụ trách chiến dịch đảm bảo cho mọi người dân có quyền được hưởng tiêu chuẩn cao nhất về sức khỏe thể chất và tinh thần, và ông John H. Knox, Đặc phái viên phụ trách vấn đề các nghĩa vụ nhân quyền liên quan đến việc thụ hưởng môi trường trong sạch, lành mạnh và bền vững.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 3 triệu người thiệt mạng do các chứng bệnh liên quan đến không khí ngoài trời bị ô nhiễm. Ngoài ra cũng ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy ô nhiễm không khí đã trở thành “thủ phạm” môi trường gây tử vong nhiều nhất thế giới.
Các chuyên gia cảnh báo rằng “trẻ em, phụ nữ mang thai, người già, người sức khỏe yếu và người sống trong các cộng đồng nghèo là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước tình trạng ô nhiễm không khí.”
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), hiện có 300 triệu trẻ em – chiếm gần 1/7 tổng số trẻ em trên toàn thế giới – sống ở những khu vực bị nhiễm độc không khí ngoài trời trầm trọng nhất.
Các chuyên gia nhấn mạnh các quốc gia “không thể tiếp tục phớt lờ mối đe dọa này nữa” và “có nghĩa vụ phải ngăn chặn và kiểm soát tình trạng ôn nhiễm không khí nghiêm trọng.”
Các chuyên gia nêu bật sự cần thiết của hợp tác xuyên biên giới để tăng cường việc thông qua những biện pháp phòng ngừa và kiểm soát trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp và giao thông.
Các chuyên gia kết luận rằng “tăng cường quản lý khí thải độc hại của các ngành công nghiệp và xe cơ giới, củng cố các các tập quán quản lý và tái chế rác thải, đồng thời tăng cường sử dụng năng lượng tái sinh là những bước đi quan trọng để giải quyết hiệu quả các vấn đề về chất lượng không khí và sức khỏe cộng đồng”.