BVR&MT – Cuối năm 2017, Trung Quốc tuyên bố đóng cửa thị trường buôn bán ngà voi nội địa. Giới bảo tồn đều hân hoan cho rằng hành động đó là bước tiến lớn trong hành trình giảm bớt nạn săn trộm voi. Trang tin tức China.org.cn còn đăng một bài bình luận nhan đề “Cần nỗ lực hơn để loại bỏ buôn bán ngà voi” với tuyên bố Trung Quốc đã làm xong phận sự, giờ đến lượt cộng đồng quốc tế theo bước. Tuy nhiên, nhà bảo tồn Karl Ammann lại đưa ra nhận định khác hẳn qua bài bình luận trên trang mongabay.com.
Bất cứ khi nào ở nhà và nhận được cập nhật hàng ngày của Google về nạn buôn bán động vật hoang dã, tôi luôn cảm giác rằng thật ra có điều gì đó vẫn đang xảy ra và rằng thế giới sau rốt cũng coi trọng câu chuyện buôn bán động vật hoang dã. Có cả mớ thông cáo cáo báo chí của các tổ chức phi chính phủ chia sẻ về các trường hợp thành công và cuối cùng, tôi có cơ hội kiểm nghiệm chúng bằng các chuyến quay phim hoặc điều tra ở Tây Phi, Trung Đông hay Đông Nam Á.
Thực tế khá chua chát khi bàn về vai trò của Trung Quốc trên thị trường buôn bán ĐVHD phi pháp và các biện pháp kiểm soát mà họ cố tình bẻ cong đi. Cường quốc châu Á này, theo mọi nhẽ, đứng đầu thế giới về nhu cầu tiêu dùng sản phẩm từ các loài quý hiếm. Thành thử những tin tức nghe có vẻ tích cực như trên chỉ phản ánh những gì mang tính chất cơ hội hơn là các hành động được thực thi hiệu quả.
Với trường hợp loài voi, ngà là sản phẩm ĐVHD quan trọng được nhắc tới nhưng Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu lớn nhất các loài thuộc bộ da dày từ châu Phi và châu Á (riêng các loài da dày châu Á thì ngay cả hoạt động “có mục đích thương mại” cũng bị coi là phi pháp theo công ước CITES). Da voi hiện cũng là sản phẩm thương mại chính yếu.
Trong các chuyến đi, tôi (Karl Ammann) thường ghé qua các đặc khu kinh tế và những đặc khu do Trung Quốc hoàn toàn kiểm soát ở những nước như Lào và Miến Điện, nơi sản phẩm từ ĐVHD phi pháp được bán tràn lan. Khách hàng chủ yếu là du khách Trung Quốc và họ sẽ mang những sản phẩm đó ngược trở lại nước nhà.
3 năm trước, sau khi làm thủ tục xong xuôi cho chuyến bay từ Hà Nội đến Quảng Châu, tôi quay được cảnh một cặp vợ chồng trong sảnh khởi hành khi người vợ lấy một bộ sưu tập đồ bằng ngà voi từ trong ví ra thử và tỏ vẻ đầy hãnh tiến. Tôi đi theo họ qua quầy kiểm soát hải quan ở Trung Quốc nhưng không có bất kỳ dấu hiệu nào về sự kiểm tra các sản phẩm này. Không như nhiều sân bay ở châu Phi hiện nay, tôi không hề thấy bóng dáng chó nghiệp vụ để tìm ra các sản phẩm bị cấm theo công ước CITES bị mang ra khỏi sân bay.
Buôn bán trên mạng, thị trường ngầm và xuyên biên giới
Từ cuối năm 2015, khi Trung Quốc tuyên bố chấm dứt việc buôn bán ngà voi hợp pháp ở thị trường nội địa, có hàng loạt bài báo trích lời các nhà bảo tồn coi đó là nhân tố thay đổi số phận loài voi. Tuy nhiên, đó chỉ là chiêu trò đánh bóng cho Trung Quốc khi mà các tổ chức NGO và thậm chí các nhà làm phim muốn khuyến khích những nhà làm luật của nước này thực thi điều đó.
Bằng chứng là tôi chưa thấy cây bút nào so sánh lệnh cấm mới này với những gì xảy ra vào năm 1993 khi Trung Quốc ra luật tương tự về buôn bán sừng tê giác tại nội địa. Áp lực săn trộm tê giác trong thập kỉ qua thậm chí còn tăng đột biến với hàng loạt vụ buôn bán vào Trung Quốc qua cửa ngõ Lào và Việt Nam. Có lý nào mọi thứ sẽ khác với ngà voi?
Đầu mối của tôi tại một số điểm du lịch nổi tiếng như Luang Prabang ở Bắc Lào cho biết người Trung Quốc mua đứt hoặc thuê các tiệm bán đồ lưu niệm có trưng bày ngà voi hoặc sản phẩm từ ĐVHD. Các tiệm này thường phục vụ wifi miễn phí và cung cấp đường link đến cửa hàng ảo trên WeChat – phiên bản Trung Quốc của ứng dụng WhatsApp. Bằng cách đó, khách hàng có thể chào hàng với người mua ở quốc nội, ai thích mua thì đặt qua điện thoại.
Cuối tháng 12/2017, đầu mối của tôi tại các địa điểm du lịch ở biên giới Trung Quốc – Lào và Trung Quốc -Miến Điện có kể vể việc các thương lái tìm đến các kho ngà voi nguyên liệu thô và thiết bị mở xưởng (giờ thường được số hóa). Có lẽ họ đã được các nhà chức trách Trung Quốc cho biết trước rằng họ không nên dựa vào các khoản bồi thường nào một khi các hội thảo trong nước yêu cầu đóng cửa các xưởng tại Trung Quốc vì để nguyên thì hợp pháp nhưng nếu đem bán lại phi pháp, các kho ngà voi nguyên liệu không bị nhà nước phá hủy hay mua đứt mà sẽ được tuồn sang chợ đen – thị trường vượt xa thương mại hợp pháp.
Cuối tháng 11/2017, chúng tôi ghé một tiệm ngà voi ở Quảng Châu. Ngoài cửa có biển đề bán tiệm. Chủ tiệm cũng điều hành một xưởng sản xuất và nhân viên bán hàng xác nhận rằng các mặt hàng đang trưng bày sẽ được đưa về xưởng khi tiệm đóng cửa. Tuy nhiên, khi chúng tôi thẩm tra qua số điện thoại của tiệm trên WeChat thì lần ra được một cửa hiệu cho thuê và cả người chủ tiệm trước đó cùng với lời khẳng định rằng các mặt hàng trước đây hợp pháp vẫn được bán.
Có vẻ không luật lệ nào ở Trung Quốc cấm sở hữu sản phẩm ĐVHD nhập khẩu hoặc sản xuất bất hợp pháp khi mà người mua và người bán không bị bắt quả tang đang chuyển nhượng hay mang sản phẩm vượt biên. Không có vấn đề gì, cả về mặt luật pháp hay xã hội, khi đeo hoặc phô trương các sản phẩm đó như là biểu tượng giàu có và điều đó điều khiển cả thị trường.
Buôn bán trên mạng rõ ràng là lỗ hổng lớn để thúc đẩy và tiếp thụ sản phẩm từ ngà voi tại thị trường nội địa Trung Quốc. Năm 2018 này, sản phẩm làm từ da voi đã được đưa vào danh sách chào bán.
Đã xuất hiện nhiều hơn các sản phẩm từ ngà voi ma mút. Bạn có thể ung dung đi vào một cửa hàng ở sân bay Quảng Châu một khi qua được cửa hải quan và kiểm soát nhập cư. Ngà voi phi pháp thường được tiếp thị là ngà voi ma mút luôn có sẵn nhưng khách mua các món đồ nhỏ hơn dường như không thể phân biệt được.
Những thương lái ngà voi có uy tín nhanh chóng nắm bắt thị trường bán lẻ mới tại Trung Quốc cũng như việc buôn bán tại thị trường các nước láng giềng do Trung Quốc kiểm soát, coi đó là những cơ hội mới mẻ tuyệt vời. Điều này thể hiện qua số lượng chưa từng thấy du khách Trung Quốc mua các món hàng từ ngà voi mà không gặp rủi ro gì rồi đưa quay lại quốc nội. Nói cách khác, buôn bán nội địa đã chuyển sang online, sang thị trường ngầm hoặc xuyên biên giới.
Trang sức ngà voi rẻ tiền sản xuất đại trà
Thêm vào đó, ngày càng có nhiều máy móc điêu khắc và sản xuất đại trà trang sức ngà voi, từ vòng cho tới đũa. Đấy là một khía cạnh của câu chuyện mà bạn thường không đọc thấy ở những bài báo nghe có vẻ hay trên báo chí quốc tế: thị trường đã hạ tầm xuống phân khúc khách hàng mới với các sản phẩm đại trà ngày càng rẻ.
Năm 2016, một khảo sát của tổ chức phi chính phủ Save the Elephants có trụ sở ở Nairobi (Kenya) đã chỉ ra rằng giá ngà voi thô giảm gần như một nửa trong vòng 18 tháng, hàm ý rằng đó là hệ quả của nhu cầu sụt giảm vì thị trường nội địa của Trung Quốc sắp đóng cửa. John Scalon, Tổng Thư ký CITES cũng ca ngợi qua phát ngôn trên AFP rằng thị trường ngà voi đã chạm đáy.
Nghiên cứu riêng của chúng tôi lại chứng thực rằng giá trung bình ngà voi thô ở các nước láng giềng đã giảm từ 1200 USD xuống 800 USD/kg. Tuy nhiên, giá bán lẻ trang sức ngà voi thành phẩm và nhân tạo vẫn duy trì ở mức 2 đến 4 đô la mỗi gram.
Chúng tôi cũng phát hiện rằng giá một cân sừng tê giác giảm từ 60.000 đô la vào năm 2012 xuống 20.000 đô la hiện tại. Rõ ràng chẳng có gì liên quan đến thị trường sắp đóng cửa cả vì lệnh cấm đã được ban hành từ năm 1993.
Hơn thế nữa, giá nguyên liệu thô rẻ hơn trong khi giá bán lẻ thành phẩm ổn định có nghĩa là trong chuỗi cung ứng thì lợi nhuận của thương lái cao hơn. Xu hướng này khiến nhiều thương lái ngả sang hướng mở cửa hàng bán lẻ và chuyển sang nền tảng online để chào hàng. Năm 2017, chúng tôi thống kê được danh sách 42 người Trung Quốc ở Lào có sở hữu tiệm bán lẻ hoặc bán ngà voi qua nền tảng thương mại điện tử.
Có mặt ở Quảng Châu vào cuối tháng 11/2017, chúng tôi đã thử kiểm chứng thị trường sản phẩm từ ĐVHD. Đầu mối nói tiếng Quan Thoại của chúng tôi từ Hồng Công đã đặt hàng xương hổ trong số hàng trăm thậm chí là hàng nghìn món hàng được chào mời, kể cả các món đồ làm từ ngà voi, vảy tê tê, phù điêu bằng sừng tê giác và cả cái gọi là vòng luân hồi, mỏ hồng hoàng và trang sức bằng mai rùa. Phần lớn các giao dịch này là vi phạm pháp luật.
Đặc phái viên tại địa phương của chúng tôi phát hiện rằng tìm kiếm trên WeChat đòi hỏi thuật ngữ đặc biệt hoặc biểu cảm liên quan để qua được khâu lọc từ khóa và chặn thông điệp, ví như “thạch” hoặc “nhựa trắng” để chỉ ngà voi, “nhà vua” để chỉ các sản phẩm từ hổ. Một thương lái cho “cò” của chúng tôi biết rằng các mặt hàng được chào là ngà voi ma mút hợp pháp nhưng thật ra là ngà voi thông thường.
Trước khi đặc phái viên của chúng tôi thanh toán qua ví WeChat, người bán gửi mẫu cho khách hàng để chứng minh là họ không buôn gian bán lận. Hàng mẫu được gửi tới khách sạn của chúng tôi ở Quảng Châu rất kịp thời. Gói đồ được chuyển phát tới chỗ giữ đồ và chúng tôi nhận nó mà không bị hỏi han hay phiền hà gì. Chúng tôi gửi 3 mẫu tới một phòng thí nghiệm ở Thụy Sỹ xem đấy là xương hổ hay xương động vật nào khác. Đấy có thể là xương sư tử, các loài này đang là trung tâm của một vụ gian lận lớn, trong đó có vai trò không nhỏ của một quyết định của Nam Phi vào năm ngoài tiếp tục cho phép xuất khẩu 800 bộ xương sư tử mỗi năm. Những món hàng đó sẽ được bán dưới dạng sản phẩm hổ săn được. Xương sư tử – hổ, ngà voi – voi ma mút, thương lái có vẻ đi trước các quy định bảo tồn.
Tôi ngưỡng mộ một số sản phẩm điêu khắc tuyệt vời từ ngà voi thông thường và ngà voi ma mút. Ai cũng hiểu được sự khác biệt khi có tài hoa của con người tác động vào, biến một khối ngà lớn như thế thành những món trang sức nho nhỏ đại trà, hiện tràn ngập thị trường. Tôi chắc rằng các sản phẩm hàng đầu hay những người chế tác ra chúng không chi phối thị trường ngà voi. Cùng với sự giàu lên của Trung Quốc, người ta ngày càng có thể chi trả được cho những món hàng ở mức thấp hơn nhưng vẫn thể hiện sự giàu có và sự phô trương mới là thứ chi phối phân khúc xa xỉ của thị trường.
Tình hình sẽ tệ hơn
Trong chuyến đi tới Trung Quốc vào tháng 11/2017, tôi hỏi một chuyên gia ĐVHD người bản địa vì sao nên coi lệnh cấm mới ban hành là sự kết thúc của việc săn trộm voi. Rốt cuộc, 25 năm sau khi nước này đóng cửa thị trường sừng tê nội địa thì sức ép từ săn trộm tê giác hiện nay còn cao hơn trước đây.
Một trong những câu trả lời tôi nhận được là: Tình hình có thể còn tệ hơn. Ít nhất thì việc buôn bán ngà voi hợp pháp còn đưa ra được một cái van an toàn nào đó, hiện giờ đã hết hiệu lực, kết hợp với “hội chứng ngược” với các sản phẩm bị cấm có thể sẽ càng rệt hơn.
Mọi chỉ dấu đều cho thấy nhu cầu ngà voi đang tăng. Theo quan điểm của tôi, một khảo sát của TRAFFIC cũng chứng minh điều đó. Thực hiện tại 15 thành phố ở Trung Quốc vào năm 2017, khảo sát này nhằm mục tiêu thiết lập cơ sở đánh giá ảnh hưởng của lệnh cấm mới. Các phát hiện chính là:
– 43% người trả lời xác nhận là vẫn mua ngà voi trong tương lai, nhưng con số này giảm xuống 18% sau lệnh cấm.
– 51% của thế hệ thiên niên kỷ có biết về lệnh cấm, và tới 21% vẫn mua ngà voi sau khi lệnh cấm có hiệu lực.
– Những người đi du lịch nước ngoài mua nhiều ngà voi trước đây hơn là những người chưa xuất ngoại bao giờ.
Ngày nay, Trung Quốc là ngôi nhà của 1,4 tỷ người. Nếu 18% vẫn sẵn sàng mua ngà voi ngay cả khi có lệnh cấm thì chúng ta sẽ có 252 triệu khách hàng tiềm năng. Tôi thậm chí không dám tính xem chính xác có bao nhiêu con voi sẽ mất mạng vì nhu cầu này, đặc biệt là khi mua một món đồ và đeo đến dự một buổi tiệc không phải là điều gì đó phạm pháp.
Kiểm soát ngà voi như chống hàng giả
Ai cũng biết Trung Quốc sở hữu hệ thống máy móc kiểm soát việc truy cập internet tốt hơn bất kỳ nước nào. BBC và CNN đưa tin rằng có tới 2 triệu kỹ thuật viên được nước này tuyển dụng để theo dõi các cửa ngõ trên mạng. Nếu Trung Quốc thật sự quan tâm đến việc theo dõi buôn bán các sản phẩm từ ĐVHD thì dĩ nhiên họ có thể thực hiện hiệu quả hơn nhiều những gì được ghi nhận, cả trên mạng và xuyên biên giới.
Năm 2015, Kering, nhà sản xuất hàng xa xỉ của Pháp kiện Alibaba, công ty mẹ của TaoBao – nền tảng quan trọng cho việc buôn bán ĐVHD – ra tòa án Mỹ về tội vi phạm bản quyền và bán hàng giả, kể cả túi Gucci. Hai bên đã dàn xếp ngoài tòa án, cộng thêm bài báo của tờ Trung Hoa nhật báo đưa ra đúng thời điểm về việc Alibaba đi đầu trong cuộc chiến chống hàng giả online. Bài báo cho biết 100 nhân sự của Alibaba đã bỏ ra 100 triệu nhân dân tệ (khoảng 16 triệu đô la) để mua 100 nghìn sản phẩm mỗi năm từ các điểm bán hàng của công ty. Alibaba đã trả tiền để thử nghiệm các sản phẩm, nếu có vi phạm bản quyền, họ sẽ quyết định xem có đưa ra pháp luật hay không. Năm 2016, có tới 1184 trường hợp/vụ khiến 880 người tình nghi đã bị bắt và 1419 cửa hàng phải đóng cửa.
Liệu có quá xa vời cho một tổ chức phi chính phủ như Quỹ quốc tế về phúc lợi động vật – WWF, Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã hoặc WildAid – những tổ chức đã đổ cả triệu đô la vào chiến dịch giảm tiêu dùng ở Trung Quốc cũng kiện ra tòa theo cách tương tự? Liệu Alibaba có đưa đội quân mua hàng và kiểm nghiệm của mình vào việc chống lại buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm từ ĐVHD?
Việc Trung Quốc đóng cửa thị trường ngà voi nội địa và được quốc tế hoan nghênh chỉ làm đẹp thêm cho hình ảnh nước này trong vài năm. Đã đến lúc ngừng tán dương và bắt đầu hành động theo những gì thực sự xảy ra trên thị trường, kể cả việc giao dịch trực tiếp và qua không gian mạng. Điều này cần tới các điều tra, kể cả các đặc phái viên ngầm.
Kết luận của tôi là có thể thấy rằng Trung Quốc không thật sự nghiêm túc trong việc hạn chế buôn bán ngà voi. Các NGO muốn tiếp tục hoạt động ở đây không thể làm phật lòng nhà chức trách. Báo chí không phải là nơi để tiến hành những vụ điều tra dài hơi hoặc thiết lập các mạng lưới nhập vai để đưa ra ánh sáng các đường dây buôn bán ngà voi phi pháp. Với họ, nhận các thông cáo báo chí về đề tài này từ các NGO dễ dàng hơn nhiều.
Cuối chuỗi cung ứng, ở châu Phi và những nơi khác, chất lượng quản trị và mức độ tham nhũng khiến việc thay đổi hiệu quả còn khó hơn. Cầu còn tăng thì cung vẫn luôn còn đó. Trung Quốc và các nước trung chuyển như Việt Nam hay Lào luôn tự hào rằng mình đi trước các nước đang phát triển khác về quản trị. Nhưng mọi chỉ dấu đều cho thấy trong khi các nước này có đủ công cụ để thực thi thì họ lại thích hé cửa và nói suông hơn nhằm tránh mất mặt trước cộng đồng quốc tế.
Ban Thư ký CITES và các bên liên quan cũng có đủ công cụ để hậu kiểm tuyên bố của các thành viên vốn không không mấy khi được tuân thủ nghiêm túc, như trường hợp của Trung Quốc. Nhưng một lần nữa, cách tiếp cận ngoại giao nhằm giữ hòa khí, vốn không hiệu quả trong vài thập kỷ qua, vẫn đang được áp dụng.
Tôi lấy làm mừng rằng mình không phải là một con voi.
Nhật Anh (Theo Mongabay)