BVR&MT – Lao động tự do hiện không có việc làm mong sớm nhận được hỗ trợ của nhà nước trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Gần 2 tháng nay, bà Nguyễn Thị Thuý ở Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy (Hà Nội) làm nghề buôn bán nhỏ ở chợ không có việc làm do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Khi nhà nước thực hiện hỗ trợ lao động tự do theo nghị quyết 68, do xác nhận thường trú nhanh chóng nên bà Thuý sớm được TP.Hà Nội hỗ trợ 1,5 triệu đồng kèm theo bao gạo và thực phẩm khác.
Bà Thuý chia sẻ, một miếng khi đói bằng một gói khi no, lúc này được nhà nước hỗ trợ kịp thời nên dù khó khăn vẫn thấy an tâm phòng chống dịch bệnh.
Để hỗ trợ cho lao động tự do khó khăn, vừa qua UBND Phường Dịch Vọng Hậu đã rà soát và đề xuất đợt một được 18 đối tượng để trao trợ cấp của Chính phủ, giúp người dân an tâm phòng dịch trong thời gian giãn cách xã hội.
Ngoài ra, phường cũng chủ động liên hệ với các nhà hảo tâm trên địa bàn để tìm thêm các nguồn xã hội hoá, giúp đỡ thêm về lương thực và nhu yếu phẩm cho những người gặp khó khăn.
Với những người có hộ khẩu thường trú, việc xác định được thực hiện nhanh chóng. Trong khi đó, với những người lao động không có tạm trú tại Hà Nội lại gặp khó khăn khi làm thủ tục hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Đã hơn 1 tháng nay, vợ chồng ông Nguyễn Xuân Tuấn (58 tuổi) và bà Phạm Thị Phương (55 tuổi) làm nghề buôn bán phế liệu không ra khỏi nhà trọ do Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội.
Vợ chồng ông Tuấn rời quê Xuân Trường (Nam Định) lên Hà Nội thuê nhà trọ buôn bán phế liệu ở phường Ô Chợ Dừa từ đầu năm nay. Giữa tháng 4 vừa qua, ông Tuấn bị ốm nặng, phải nằm viện ròng gần 1 tháng nên khoản tiền tích cóp bấy lâu đều phải dồn hết cho việc chữa bệnh.
Hiện tại, cuộc sống của vợ chồng ông Tuấn rất khó khăn trong thời gian giãn cách do không có việc làm, phải sống cầm cự tại nhà trọ.
Hai tuần trước, ông Tuấn nghe nhà nước có chính sách hỗ trợ cho lao động tự do bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 nên đã làm thủ tục để được hưởng hỗ trợ. Thế nhưng khi làm hồ sơ, ông Tuấn được phường Ô Chợ Dừa yêu cầu phải có tạm trú tại phường hoặc giấy xác nhận thường trú tại địa phương mới nhận được hỗ trợ.
Do điều kiện dịch bệnh phức tạp, việc xin giấy xác nhận ở quê chưa được nên vợ chồng ông Tuấn chưa thể hoàn thành hồ sơ để nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ người theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.
Sáng 18/8, ông Tuấn đọc báo và biết thông tin lao động tự do được nhận hỗ trợ không cần giấy xác nhận ở quê. Do vậy, ông đã liên hệ với tổ dân phố nơi tạm trú để được hướng dẫn làm thủ tục.
Ông Tuấn chia sẻ, hơn 1 tháng phải sống cầm cự trong nhà trọ, không việc làm, không có thu nhập, nên vợ chồng ông rất cần được nhà nước hỗ trợ sớm.
Đơn giản hoá thủ tục để người lao động sớm nhận hỗ trợ
Bà Hoàng Hoài Loan, Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa cho biết, thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, theo chỉ đạo của TP Hà Nội, phường đã giao cho tổ dân cư rà soát, lập danh sách gửi lên để tổng hợp gửi quận.
Đối với lao động tự do, thời gian đầu ngoài yêu cầu tạm trú, còn phải xin giấy xác nhận nơi thường trú là chưa nhận hỗ trợ mới được hưởng. Tuy nhiên, sau khi TP có chỉ đạo lao động tự do không cần phải về quê xin giấy chứng nhận, UBND phường đã triển khai theo chỉ đạo mới của TP.
Theo đó, lao động tự do nếu không nhận hỗ trợ ở nơi tạm trú thì có thể về nhận tại địa phương. Còn nếu nhận tại nơi tạm trú thì phường sẵn sàng tạo điều kiện để hỗ trợ sớm cho người lao động.
“Lao động tự do nhận ở đâu cũng được, có thể nhận ở nơi tạm trú, hoặc thường trú miễn là chỉ nhận một nơi”, bà Loan nói.
UBND TP. Hà Nội vừa có hướng dẫn thủ tục xác nhận để lao động tự do được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68.
Theo đó, TP đã giao cho các cấp chính quyền gửi thông tin đến nơi lao động thường trú hoặc tạm trú bằng email, hòm thư công vụ, bưu điện thông báo khi người đó đã được nhận hỗ trợ; đồng thời công khai danh sách trích ngang trên trang thông tin của đơn vị để xác nhận, tránh việc trục lợi chính sách.
Về việc Hà Nội yêu cầu người lao động tự do trên địa bàn, có nơi thường trú và tạm trú khác nhau phải xin giấy xác nhận không hưởng tại nơi thường trú và ngược lại khiến nhiều lao động không thể về quê xin xác nhận khi Hà Nội đang giãn cách. Sở LĐTB&XH Hà Nội nói rõ, việc tiếp nhận giấy xác nhận nói trên từ nay thực hiện qua nhiều cách như trực tiếp, email, bưu điện, trực tuyến…
Lao động tự do thuộc diện hỗ trợ vẫn phải có cư trú hợp pháp như có hộ khẩu thường trú, đăng ký tạm trú, bị mất việc theo các văn bản chỉ đạo chống dịch của TP Hà Nội từ ngày 1/5 đến 31/12, không bó hẹp các ngành nghề.
Thống kê của Sở LĐTB&XH Hà Nội, đến ngày 12/8, thành phố đã có quyết định hỗ trợ cho 5.170 lao động tự do với kinh phí 7,75 tỷ đồng. Như vậy, thời gian tới sẽ còn hàng chục nghìn lao động tự do ở Hà Nội được xem xét hỗ trợ.