BVR&MT – Hơn một tháng nay, nhiều hộ dân tại bản 1 Vài Siêu, xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai vô cùng bức xúc trước việc cơ sở chế biến tinh bột sắn xả nước thải ra môi trường gây ô nhiễm làm cá chết và hoạt động cả ngày lẫn đêm gây ra tiếng ồn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.
Để làm rõ thông tin phản ánh của người dân chúng tôi đã có mặt tại cơ sở chế biến tinh bột sắn này. Theo tìm hiểu, đây là của cơ sở chế biến tinh bột sắn Sơn Thảo đóng tại địa bàn bản 1 Vài Siêu, xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Cơ sở này chế biến tinh bột sắn từ sắn tươi có công suất 60 tấn sắn tươi/tháng.
Theo tìm hiểu của phóng viên cơ sở chế biến tinh bột sắn Sơn Thảo đi vào hoạt động từ năm 2016. Nhà máy đi vào hoạt động, chính quyền và nhân dân địa phương vui mừng vì nhà máy sẽ góp phần tiêu thụ sản phẩm sắn củ cho người nông dân, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, tạo công ăn việc làm cho lao động.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu năm 2016 cơ sở chế biến Sơn Thảo hoạt động cuộc sống của người dân quanh khu vực bị đảo lộn do ô nhiễm. Trước sự việc trên UBND huyện Bảo Yên đã xử phạt và cho đình chỉ hoạt động. Đến năm 2017 UBND huyện Bảo Yên đã ký cơ sở chế biến này giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường số: 12/XN-UBND ngày 21/11/2017 để có đủ điều kiện hoạt động tiếp.
Theo giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cơ sở chế biến Sơn Thảo có trách nhiệm trước pháp luật về thông tin, có biện pháp bảo vệ môi trường đề xuất trong Bản kế hoạch bảo vệ môi trường đã đăng ký và có trách nhiệm khác theo quy định tại Điều 33 Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014. Trường hợp để xảy ra sự cố môi trường phải dừng hoạt động, thực hiện các biện pháp khắc phục và báo cáo ngay cho UBND xã Thượng Hà, UBND huyện Bảo Yên, Phòng Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan, phải cam kết đền bù và khắc phục ô nhiễm môi trường trong trường hợp để xảy ra các sự cố về môi trường, đặc biệt trong thời đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản săn tươi phải thực hiện nghiêm các biện pháp xử lý chất thải đã nêu trong bản kế hoạch bảo vệ môi trường của cơ sở thành lập tháng 11/2017.
Trong năm 2017 cơ sở chế biến Sơn Thảo được hoạt động tiếp nhưng vẫn xả thải ra môi trường, nước thải màu trắng đục, bốc mùi hôi thối ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
Anh Đ. một người dân sống gần cơ sở chế biến này bức xúc nói: “Nhà máy xả thải cả ngày lẫn đêm khiến cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn tứ tung, khổ sở không sao kể xiết. Cực nhất là những ngày nóng nực, khi đó mùi hôi thối, chua nồng, hồ chứa nước thải và nước thải ra mương ứ đọng xốc lên tận óc rất khó chịu”.
Cùng quan điểm với anh Đ., bà Cao Thị D. cho biết: Mùi hôi thối bốc lên không ai chịu được đến bữa cơm cũng phải ăn vội ăn vàng như thời chiến vì ruồi nhặng đậu kín đen đến phát kinh. Đến lúc đi ngủ cũng chẳng yên, dù bí bách cũng phải dùng chăn choàng kín đầu thâu đêm suốt sáng. Với thanh niên trai tráng khỏe mạnh thì chưa biết thế nào, chứ người già, trẻ em thì phần lớn đều có dấu hiệu đau đầu, ho”.
Một người dân ở thôn 1 – Vài Siêu dẫn chúng tôi xuống nơi cơ sở chế biến tinh bột sắn xả nước thải. Trước mắt chúng tôi, dòng mương màu trắng đục, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Người dân cho biết trước đây xưởng sắn này hay xả trộm vào ban đêm nên rất khó phát hiện còn bây giờ thì xả thải công khai nhưng vẫn không bị các ngành chức năng xử lý.
Bên cạnh đó, bã sắn sau quá trình chế biến cũng được cơ sở này chất thành những bãi lớn không được xử lý. Theo thời gian, những bãi thải bã sắn này bốc mùi hôi thối nồng nặc khiến người dân trong vùng vô cùng bức xúc.
Theo một công nhân làm việc trong cơ sở chế biến tinh bột này cho biết, vào đầu tháng 12/2017 chủ xưởng đã cho xả nước thải trực tiếp ra môi trường làm cá ở con mương bị chết, sau khi thấy người dân phản ánh nên chủ xưởng đã rút đường ống ra và xả xuống ao của mình.
Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, nguồn nước thải trong quá trình sản xuất hiện nay được xả qua một đường ống rồi xả ra 1 cái ao rộng khoảng 1ha của chủ cơ sở này, sau đó xả trực tiếp ra một con mương gần đó che khuất tầm nhìn khó bị phát hiện.
Trước sự bức xúc của người dân, chủ cơ sở chế biến tinh bột sắn tư nhân này vẫn ngang nhiên bỏ ngoài tai như không có chuyện gì xảy ra. Trả lời câu hỏi của phóng viên, chủ cơ sở này cho rằng công trình xử lý nước thải của họ đã đạt yêu cầu và cũng khẳng định rằng mình không xả nước thải ra môi trường gây ô nhiễm làm cá chết.
Trao đổi với phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường điện tử lãnh đạo UBND xã Thượng Hà cho biết, đúng là cơ sở chế biến tinh bột sắn Sơn Thảo có gây ô nhiễm môi trường vào năm 2016, chính quyền địa phương đã tiến hành lập biên bản và xử phạt đối với doanh nghiệp này. Chính quyền huyện Bảo Yên cũng đã đình chỉ hoạt động đối với cơ sở này và yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường mới cho hoạt động tiếp. Còn thời gian gần đây người dân phản ánh việc cơ sở lại tiếp tục xả thải trực tiếp ra môi trường làm cá sống trên mương bị chết là có, sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân chúng tôi cũng cho người kiểm tra nhắc nhở phía cơ sở chế biến cũng hứa sẽ không để tình trạng này xảy ra.
Trên thực tế, cơ sở chế biến tinh bột sắn Sơn Thảo vẫn ngày ngày xả thải bức tử môi trường và người dân vẫn phải sống chung với mùi hôi thối nồng nặc bốc ra từ xưởng sản xuất này. Tuy nhiên cơ sở chế biến tinh bột sắn này vẫn được hoạt động công khai.
Hiện tượng ô nhiễm môi trường do cơ sở chế biến tinh bột sắn Sơn Thảo gây nên ở xã Thượng Hà là có thật và đang hàng ngày hàng giờ uy hiếp đến cuộc sống người dân địa phương. Không thể phủ nhận việc cơ sở chế biến tinh bột sắn đã tiêu thụ số lượng lớn nông sản ở địa phương, giúp người dân nơi đây tăng thu nhập. Thế nhưng thay vì siết chặt quản lý, cho đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa có động thái can thiệp, trong khi đó các cơ sở này vẫn ngang nhiên xả thải ra môi trường, tiếp tục hủy hoại sức khỏe của người dân địa phương.
Đình Tưởng