BVR&MT – Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định tập trung trồng và bảo vệ rừng, góp phần nâng tỷ lệ che phủ, đồng thời thực hiện các biện pháp kỹ thuật lâm sinh làm giàu rừng, đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Đẩy nhanh tiến độ trồng rừng
Tính đến hết năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 56,07%; Lào Cai trở thành 1 trong 10 tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất toàn quốc. Nhằm tiếp tục phấn đấu nâng cao diện tích, chất lượng rừng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đưa ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt trên 60%, cao hơn bình quân cả nước 18% (cả nước đạt 42%).
Để cụ thể hóa và thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và mục tiêu Đề án số 01 của Tỉnh ủy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2021 – 2025 lồng ghép trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021 – 2025) của tỉnh.
Ngay từ cuối năm 2020, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2021; tham mưu, ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương phân khai, tổ chức thực hiện. Đến nay, một số chỉ tiêu đã hoàn thành, như bảo vệ tốt 369.310 ha rừng hiện có; khoanh nuôi tái sinh tự nhiên 5.000 ha rừng; trồng mới 8.895 ha rừng, bằng 158,8% so với cùng kỳ, dự kiến hết năm đạt khoảng 10.000 ha, vượt kế hoạch giao.
Để nâng tỷ lệ che phủ rừng lên trên 60% vào năm 2025 cần tăng 4% so với năm 2020. Do vậy, ngoài việc tiếp tục bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, trồng lại rừng sau khai thác thì giai đoạn 2021 – 2025 cần trồng thêm 20.700 ha. Tuy nhiên, để đạt tiêu chí thành rừng, tính tỷ lệ che phủ (sau 3 năm) cần tập trung thực hiện trong năm 2021 và năm 2022…
Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Thực hiện kế hoạch trồng rừng năm 2022, ngay từ quý III/2021, ngành lâm nghiệp đã phối hợp với các địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch phát triển rừng năm 2022 gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh để sớm giao chỉ tiêu và dự kiến phân bổ kinh phí triển khai. Cùng với đó, ngành tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Dự án trồng rừng sản xuất giai đoạn 2021 – 2025, đồng thời đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát quỹ đất, chuẩn bị vật tư, cây giống đảm bảo số lượng và chất lượng phục vụ kế hoạch trồng rừng năm 2022.
Mặt khác, ngành lâm nghiệp sẽ phải giải quyết một số khó khăn. Đó là hiện nay, diện tích đất trống có khả năng trồng rừng tập trung chủ yếu tại các xã vùng cao, điều kiện kinh tế khó khăn, khả năng đầu tư trồng rừng của người dân còn hạn chế. Biến đổi khí hậu gây ra hiện tượng thời tiết bất thường khiến mùa vụ trồng rừng, sự sinh trưởng, phát triển của cây rừng bị ảnh hưởng. Nhận thức của một số người dân chưa cao, chưa chú trọng đến công tác chăm sóc, bảo vệ rừng…
Nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp
Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp nói chung, kinh tế lâm nghiệp nói riêng, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 10 ngày 26/8/2021 về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tỉnh sẽ phát triển lâm nghiệp hàng hóa theo hướng liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp bền vững, tập trung vào 2 sản phẩm chủ lực, gồm cây quế (đến năm 2025 có 52.000 ha, giá trị trên 1.200 tỷ đồng; đến năm 2030 có 66.000 ha, giá trị khoảng 1.800 tỷ đồng; đến năm 2050 có 68.000 ha); vùng nguyên liệu gỗ (đến năm 2025 có 101.500 ha, giá trị trên 900 tỷ đồng; năm 2030 có 112.000 ha, giá trị 1.400 tỷ đồng; đến năm 2050 duy trì ổn định vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung với 112.000 ha).
Để đạt mục tiêu đề ra, ngành lâm nghiệp tích cực tham mưu cho tỉnh điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng phù hợp với yêu cầu sản xuất; quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên; phục hồi và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên; hoàn thành giao đất, giao rừng, cho thuê rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Đối với vùng thấp, phát triển rừng trồng tập trung để cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến lâm sản; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển rừng thông qua các cơ chế, chính sách khuyến khích về đất đai, tín dụng, thị trường. Đối với khu vực vùng cao, nghiên cứu lựa chọn các loại cây trồng bản địa, cây đa mục đích, phát triển lâm sản ngoài gỗ…
Theo ông Nguyễn Quang Vĩnh, lâm nghiệp Lào Cai đang chuyển đổi mạnh mẽ từ lâm nghiệp truyền thống sang lâm nghiệp hàng hóa (chuyển từ thực hiện theo kế hoạch sang thích ứng với thị trường), nhất là tại các huyện vùng thấp. Bước đầu, tỉnh đã hình thành vùng nguyên liệu gỗ với hơn 90.000 ha và gắn với hệ thống cơ sở chế biến với công suất phù hợp. Xây dựng vùng trồng quế gần 45.000 ha, trong đó có gần 4.000 ha đạt chứng nhận hữu cơ, gắn với 10 cơ sở chế biến tinh dầu công suất trung bình từ 60 tấn sản phẩm/năm; thị trường tiêu thụ khá ổn định trong nước và tại một số quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc… Hình thành các sản phẩm lâm sản mang thương hiệu Lào Cai như tinh dầu quế, ván ghép thanh, ván dán… Chủ động xây dựng và phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững cho các chủ rừng, làm cơ sở cấp chứng chỉ rừng bền vững và quan trọng hơn là hướng tới các thị trường có giá trị gia tăng cao.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế cùng tham gia phát triển kinh tế lâm nghiệp; triển khai, thực hiện đầy đủ, toàn diện chính sách khuyến khích phát triển, trong đó tập trung giải quyết các vấn đề về đất đai, huy động nguồn vốn, hỗ trợ ứng dụng khoa học – kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu giống, xúc tiến thương mại. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giống cây lâm nghiệp có năng suất, chất lượng cao, sinh trưởng nhanh, có khả năng chống chịu sâu, bệnh và thích nghi vùng sinh thái để đưa vào trồng rừng. Ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu; gắn sản xuất với chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; hỗ trợ xây dựng thương hiệu các sản phẩm lâm sản, chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm lâm sản chủ lực của Lào Cai. Huy động tối đa, lồng ghép nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và nguồn vốn ODA để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đầu tư, phát triển sản xuất lâm nghiệp…